Bí thư Đà Nẵng: Xem lại việc đào tạo 'nhân tài' theo đề án 922

TPO - “Đề án 922, đã đến lúc tôi muốn hỏi mấy em học viên các em có sáng kiến gì để thành phố trả lương cho đúng theo phạm vi, yêu cầu? Thành phố có tiền nhưng nhiều khi không biết trả các em như thế nào!” Bí thư Đà Nẵng chia sẻ.  
Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa làm việc với sở Nội vụ thành phố. Ảnh N.T

Chiều 25/7, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Trương Quang Nghĩa đã có buổi làm việc với Sở Nội vụ thành phố cùng sở ngành liên quan về công tác tổ chức bộ máy, xây dựng đảng, quản lý cán bộ công chức…

Liên quan đến đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng (Đề án 922), ông Võ Ngọc Đồng (Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng) cho biết: Tính đến tháng 6/2018, thành phố đã cử 616 người đi học theo đề án 922. Cụ thể: 128 học viên đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú ; 368 học viên bậc đại học; 89 học viên bậc sau đại học; 29 học viên đào tạo 2 bậc theo đề án; 2 học viên đào tạo 3 bậc theo đề án.

Có 460 học viên đã được bố trí công tác. Trong quá trình công tác, một số học viên được tiếp tục cử đi học ở bậc cao hơn và một số đã thanh lý hợp đồng sau khi đã hoàn thành thời gian cam kết làm việc cho thành phố. Đến nay, số lượng học viên Đề án đang công tác tại các cơ quan, đơn vị là 380 người, cụ thể: 136 học viên được bố trí tại các cơ quan hành chính, 210 học viên được bố trí tại các đơn  vị sự nghiệp. Số học viên còn lại được bố trí tại các cơ quan khối đảng và đoàn thể, Đại học Đà Nẵng, Vườn ươm doanh nghiệp, TAND thành phố.

Về học viên xin ra khỏi đề án và vi phạm hợp đồng, ông Đồng cho hay: có 93 học viên xin rút khỏi đề án. Trong đó, gồm 40 người xin rút khi đã nhận công tác và  47 học viên vi phạm hợp đồng

Về kinh phí đào tạo, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết: tổng số kinh phí đề án  922 đến thời điểm hiện nay là 680 tỷ đồng, riêng đề án sau đại là 98 tỷ. Bước đầu đã có 16 đồng chí được bổ nhiệm từ phó giám đốc sở trở lên, gần 50 trường hợp bổ nhiệm trưởng, phó phòng. Theo ông Chiến, kinh phí bỏ ra tương đối lớn; mục tiêu của đề án là tạo nguồn cán bộ cho khu vực công nhưng thực tế sau đào tạo không thích nghi được.

Ông Nguyễn Viết Hùng – Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho rằng đề án 922 cử 616 người đi học với kinh phí 680 tỉ đồng là quá lớn. Cử đi 616 học viên nhưng chỉ tuyển vào công chức, viên chức 207 học viên. “Theo tôi, nên suy nghĩ và kết thúc vai trò của đề án án và chuyển sang triển khai thu hút nhân tài”  ông Hùng kiến nghị

Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng: So với các chính sách khác, đây là một sự đầu tư rất lớn của thành phố. Tuy nhiên, đã đến lúc phải xem lại việc thành phố bỏ tiền cho đi học và việc lương trả bao nhiêu cho phù hợp. Phải so sánh sự cống hiến được bao nhiêu mà đòi hỏi bố trí chung cư, căn hộ.

“Hiệu quả công tác như thế nào, phải đánh giá để biết được thành phố đúng hay sai trong câu chuyện này. Việc làm đã tạo động lực cho các học viên làm việc hay chưa? Tạo động lực chỗ này có kéo được chỗ khác phát triển không  hay là tạo ra sự phản ứng? Việc đào tạo hiện nay phải cân nhắc có nhất thiết phải vào bộ máy công quyền hay không ?”ông Nghĩa  đặt hàng loạt câu hỏi. Đồng thời đơn cử việc đưa 1 học viên về bên cạnh 9 người không được ưu đãi, liệu có chiến đấu nỗi với 9 người này  nếu không hợp tác. Bởi thành phố đã tạo ra môi trường bình đẳng không.

“Đề án 922, đã đến lúc tôi muốn hỏi mấy em học viên một câu: các em có sáng kiến gì để thành phố trả lương cho đúng theo phạm vi, yêu cầu ? Thành phố có tiền nhưng nhiều khi không biết trả các em như thế nào!” Bí thư Đà Nẵng chia sẻ.

Có trường hợp gửi đi học nước ngoài học giỏi nhưng về lại Đà Nẵng thi công chức không đậu, theo ông Nghĩa đó là do sự chưa phù hợp giữa môi trường đào tạo của các nước tiên tiến với hệ thống công của chúng ta. “Các em không kém nhưng thi vẫn rớt, có nghĩa là việc đào tạo để đáp ứng kỳ vọng là rất khó… Đã đến lúc phải tính xem nên dừng việc đào tạo như thế này hay chưa” ông Nghĩa nói đồng thời yêu cầu Sở Nội vụ cùng các cơ quan chuyên môn xem xét lại việc đào tạo “nhân tài” theo đề án 922.

Bí thư Đà Nẵng cũng cho rằng ngoài 680 tỉ đồng chỉ là chi phí cho việc học tập thực tế thành phố phải bỏ ra nhiều hơn. Bởi khi các em về nước thì mỗi em phải bố trí chung cư. Cùng với đó là rất nhiều thứ cho chi phí 1 em. “Nếu sòng phẳng theo đề án thì phải đến 1.000 tỉ mới giải quyết được” ông Nghĩa cho hay.