Bí ẩn tòa thành trấn thủ Biển Đông trên đảo Cát Bà thời nhà Mạc

Xưa nay việc đề cập tới các công trình thành lũy nhà Mạc, người ta thường nhắc nhiều đến các tòa cổ thành ở vùng biên giới Đông Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn mà ít quan tâm đến hệ thống phòng thủ dày đặc ở vùng Biển Đông Bắc.

Tòa thành trên đảo Cát Bà (xã Xuân Đám, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng) đến nay vẫn là một trong những tòa thành bí ẩn trong hệ thống thành trì của nhà Mạc.

Tầm nhìn chiến lược về quân sự

Khi vương triều nhà Mạc được thiết lập, việc vừa phải đối phó với nội chiến trong nước, vừa phải chuẩn bị đương đầu với nạn ngoại xâm từ phương Bắc và phương Tây nên vương triều Mạc thường xây đắp thành lũy phòng thủ khắp nơi. Trong hệ thống thành lũy nhà Mạc ở miền Đông Bắc, tòa cổ thành ở đảo Cát Bà thu hút được nhiều sự quan tâm của giới nghiên cứu lịch sử quân sự trong thời kỳ phong kiến trong và ngoài nước.

Tòa cổ thành đã bị tàn phá nhiều theo thời gian và con người, nằm tại phía Đông Bắc của xã Xuân Đám, thuộc huyện đảo Cát Hải, liền kề mép biển (vịnh Cát Đồn). Người địa phương quen gọi tòa thành này là Thành Đồn (thay cho cái tên là thành nhà Mạc). Tòa thành được chia làm 2 khu: Đồn Thượng và Đồn Hạ. Đồn Hạ có cấu trúc gần như hình vuông, mỗi cạnh dài xấp xỉ 90m, bốn mặt tường thành được dựng theo hướng Đông Bắc - Tây Nam.

Vịnh Cát Đồn, nơi thành nhà Mạc nhìn ra biển.

Mặt thành giáp biển là mặt thành phía Đông Bắc, cách mép nước vịnh Cát Đồn khoảng gần 30m. Ba mặt còn lại được che chắn bởi những ngọn núi cao, thấp khác nhau, địa thế rất hiểm trở vừa dễ tấn công lại dễ phòng thủ. Phế tích có khả năng giúp nghiên cứu về quy mô, kỹ thuật xây dựng, bố cục địa thế trọng yếu quân sự... của tòa cổ thành chỉ còn lại bức tường thành kiên cố mặt tiền (mặt Đông Bắc). Những phần tường thành khác đều đã bị thời gian, khí hậu khắc nghiệt và con người tàn phá, hiện thành chỉ còn nền móng và một vài đoạn tường thấp, cây cối mọc um tùm che khuất. Nếu chỉ nhìn thoáng qua, khó ai biết nơi đây đã từng tồn tại một tòa thành ven biển kiên cố.

Cách khu thành phòng thủ nhà Mạc khoảng 1.500m về phía Tây Nam là một thũng lũng khá bằng phẳng, rộng khoảng 6ha, hiện là cánh đồng cấy lúa, trồng màu của xã Xuân Đám. Cánh đồng này có tên là làng U - tên cổ của Xuân Đám. Tại khu vực này, các nhà khảo cổ học đã phát hiện di chỉ gốm sứ lộ thiên, phần nhiều là gốm Chu Đậu, Hợp Lễ (Hải Dương) và lác đác xuất hiện các mảnh gốm sứ Hizen (Nhật Bản), Giang Tây (Trung Quốc)... Các nhà khảo cổ học Việt Nam và Nhật Bản thống nhất cao với nhận định rằng: Di chỉ làng cũ là trung tâm chế biến thủy sản (sản xuất nước mắm), buôn bán đồ gốm sứ thương mại cao cấp, lâm thổ sản... Đây thực sự là một trong những tiểu cảng thuộc cụm thương cảng Vân Đồn của quốc gia Đại Việt tồn tại suốt từ thế kỷ XII đến thế kỷ XV - XVI, sau đó bị lụi tàn.

Những câu hỏi cần lời giải đáp

Về lai lịch tòa cổ thành trên đảo Cát Bà còn những ý kiến khác nhau, có người nghi ngờ, nó mới được xây dựng từ thời Nguyễn. Theo thư tịch cổ và gia phả họ Mạc ở Câu Tử (xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên), họ Hoàng gốc Mạc ở Hiệp An (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) thì sau khi thấy em kế mình là Khiêm Vương Mạc Kính Điển có tài lỗi lạc, Ninh Vương Mạc Phúc Tư rất lấy làm mừng. Tháng 5 năm Bính Ngọ (1546) vua Mạc Phúc Hải qua đời, tôn thất và triều thần suy tôn thái tử Mạc Phúc Nguyên lên ngôi báu. Lúc ấy, Tứ Dương Hầu Phạm Tử Nghi cùng Hoằng Vương Chính Trung, Định Vương Mạc Phúc Sơn gây chính biến và rút về chiếm cứ vùng Quảng Yên (Quảng Ninh ngày nay). Nhà Minh định lợi dụng việc này, Ninh Vương bèn xin nhường chức Phụ Chính đại thần cho Khiêm Vương Mạc Kính Điển và xin đi trấn thủ Hải Đông.

Theo tài liệu lịch sử, trong khu di tích lịch sử nhà Mạc tại làng Cổ Trai, (xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng) có ghi chép: Ninh Vương Mạc Phúc Tư (hiệu là Phúc Triệu ) là con thứ hai của Hoàng đế Mạc Thái Tông Đăng Doanh và Hoàng hậu Đậu Thị Giang, sinh năm Giáp Thân (1524) tại Tam Giang, nơi thân phụ trị nhậm. Khi Mạc Đăng Dung băng hà, hoàng huynh là thái tử Mạc Phúc Hải lên làm vua, nối ngôi đại thống (tức vua Hiến Tông nhà Mạc). Vua Mạc Hiến Tông đã phong tước Ninh Vương cho em mình là Mạc Phúc Tư, sau đó trao cho Ninh Vương chức Thái tể - quan đầu triều.

Khi ra trấn thủ xứ Hải Đông, Ninh Vương Phúc Tư cho đắp đê, đào sông khơi ngòi; khai khẩn đất hoang, trồng cây gây rừng, khuyến khích đánh cá, làm nghề muối; cho mở chợ Chanh ở Quảng Yên, chợ Thưa, chợ Đá Bia và phố Khách, Long Mã... ở huyện Thủy Đường... để dân chúng an cư lạc nghiệp. Vương Phúc Tư cũng cho xây nhiều thành quách, đồn trại, nơi luyện quân thủy, quân bộ; mở các cảng thị để buôn bán với nước ngoài...

Suốt mấy chục năm, Lê Trịnh nhiều lần đem quân cướp phá Thăng Long cùng một số vùng khác, riêng xứ Đông do Ninh Vương cai quản, họ không xâm nhập được. Đặc biệt, ở những năm này, nhà Minh không những không dám đưa quân quấy phá, nhũng nhiễu vùng biên cương, mà còn đẩy mạnh phát triển giao thương với Đại Việt ở vùng ven biển Đông Bắc.

Ngày nay, những đê nhà Mạc, bãi nhà Mạc, rừng nhà Mạc, sông nhà Mạc, thành nhà Mạc, chợ nhà Mạc... do Ninh Vương Phúc Tư xây dựng vẫn còn lưu vết rải rác trên địa bàn các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và TP. Hải Phòng.

Cung điện đồ sộ nguy nga đầu tiên ven biển của người Việt

Theo sử cũ vào thời Mạc, thành Dương Kinh được xây dựng năm 1529, nhằm thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, mở mang nền kinh tế hướng ra biển. Ngoài kinh thành Thăng Long, Mạc Đăng Dung còn tạo dựng sự sầm uất ở Cổ Trai, quê hương ông và Dương Kinh, kinh đô thứ hai có vị thế gần biển, sông với nhiều ngả nối liền phố Hiến, Thăng Long, Hội An nhộn nhịp. Quy mô thực sự của thành Dương Kinh.

Theo PGS.TS. Phạm Ngọc Trung, Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định về thành nhà Mạc trên đảo Cát Bà như sau: "Trong lịch sử, nhà Mạc là một trong những triều đại có tư duy gắn liền kinh tế với quân sự. Khi thất thế tại kinh thành Thăng Long, nhà Mạc phải lui về trấn thủ tại các vùng biên giới Đông Bắc như Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng… Trong quá trình rút lui, các công trình quân sự của nhà Mạc hầu hết được xây dựng với chức năng phòng thủ quân sự là chính.

Việc nhà Mạc bị gọi là "ngụy triều", có thể do không hợp thời và việc lòng dân quá lưu luyến triều Lê, sỹ phu ngoảnh mặt, nhân tài không ra giúp.

Thế lực phong kiến trong nước cát cứ nhiều. Tuy nhiên, việc duy trì bộ máy quân sự suốt gần 90 năm trước khi bị tiêu diệt có thể thấy năng lực quân sự của nhà Mạc không đến nỗi nào. Và nếu căn cứ vào những gì nhà Mạc đã làm, có thể thấy đây thực sự là một vương triều tuy thời gian tồn tại ngắn, nhưng có có vai trò tích cực nhất định trong lịch sử Việt Nam.

Việc duy trì một bộ máy chiến tranh suốt một thời gian dài trong lịch sử như vậy, việc kết hợp giao thương để lấy kinh tế nuôi quân được coi như một biện pháp phù hợp đối với nhà Mạc. Việc xuất phát từ vùng biển, nhà Mạc thấy rõ tầm quan trọng của việc giao thương kinh tế biển, đồng thời kết hợp trấn thủ mạn biển nên việc xây dựng Thành Đồn trên đảo Cát Bà có thể thực hiện được đồng thời 2 việc: Vừa phòng thủ phía biển và vừa giao thương đối với các tàu buôn nước ngoài".

Theo Theo Đời Sống & Pháp Luật