Cơm ghế sắn, ếch tiều phu kể chuyện
“Bếp làng xuống phố” là dự án của một nhóm người trẻ tại Đà Nẵng với mong muốn làm sợi dây kết nối từ làng về phố. Bếp nằm khiêm tốn trên con đường gần biển, xung quanh dày đặc những nhà hàng, khách sạn tấp nập du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Bên ngoài tiệm ăn nhỏ bé này dựng cây nêu của đồng bào Cơ Tu với những họa tiết, chạm khắc bắt mắt, cạnh đó đặt mấy chiếc gùi quen thuộc của bà con vùng cao. Trời tối, bếp lửa nổi lên, nhân viên trong quán mang trang phục thổ cẩm đi ra đi vào khiến từng nhóm khách Tây không khỏi hiếu kỳ. Họ vào quán, lật giở cuốn thực đơn với những món lần đầu nghe: cơm ghế sắn, ếch nấu tiều phu, sắn rang, heo đồng bào, cơm lam…
Chị Thanh Nhàn, quản lý tiệm ăn Bếp làng cho hay hầu hết nguyên liệu món ăn đều được lấy của bà con dân tộc Cơ Tu và nấu theo đặc trưng ẩm thực của đồng bào. Các món ăn hạn chế dùng bột ngọt, bột nêm, chỉ dùng nước mắm thủ công, mật mía, muối hột, dầu lạc… để giữ được hương vị, sạch lành, đảm bảo sức khỏe. “Người Cơ Tu ăn uống ít gia vị, món ăn luôn giữ được vị ngọt, tươi, thơm ngon của thịt cá, rau củ. Khi chế biến, chúng tôi luôn cố gắng để làm ra món ăn nguyên bản nhất”, chị nói.
Chị Bríu Hái (40 tuổi) là một trong những đầu bếp người Cơ Tu tại Bếp làng. Chị được khách hàng khen làm món rau rừng trộn, lá sắn xào, sắn rang rất ngon. Chị Hái cười hiền, bảo ở nhà nấu sao thì xuống đây nấu vậy, có gia giảm chút gia vị gì thì cũng phải gắng giữ nguyên bản món ăn.
Mỗi món ăn mang trong mình một câu chuyện dẫn dắt thực khách đến gần hơn với đời sống của người Cơ Tu . “Cơm ghế sắn” là cơm nấu chung với sắn - món dằn bụng của bà con trong những ngày khốn khó. “Ếch tiều phu” kể về những người đi rừng, nhất là những chuyến đi dài ngày không mang theo được nhiều thức ăn, họ bắt ếch núi, hái thêm mấy cọng rau ngổ ven suối và nấu ăn ngay giữa rừng. “Lươn khe nấu chuối rừng” cũng vậy, món ăn từ thiên nhiên ban tặng. Bà con thường bắt lươn ở khe suối, đốn thêm cây chuối hoang lấy thân xắt mỏng ra liền được món ăn ngon ngọt. Những hôm trời lạnh nấu một nồi thật nóng, thật cay, cả nhà quây quần bên nhau húp sì sụp thì hao cơm biết mấy. Tiệm cũng giới thiệu với khách món “gà gùi” để gợi nên hình ảnh những người dân đồng bào gùi theo những nắm cơm, củ sắn băng rừng vượt suối đi làm nương, làm rẫy. Đến mùa thu hoạch, họ cũng gùi hàng đi năm bảy, thậm chí hàng chục cây số để bán.
Có những món mà chỉ khi có hội, có lễ hay khách quý đến làng mới soạn như thịt heo nướng, thịt bò nướng nguyên tảng. Anh Robert (39 tuổi, Mỹ) chia sẻ rằng thật thú vị khi mỗi món ăn đều chứa đựng một câu chuyện. “Lúc đọc thực đơn, tôi cứ nghĩ sẽ rất khó ăn vì trong đó nói rõ có sự khác biệt và mong khách tôn trọng sự khác biệt ấy. Nhưng không, tôi thấy món nào cũng tuyệt, một phần vì hương vị, một phần có lẽ vì tôi bị lôi cuốn bởi món ăn đã vẽ nên cuộc sống của người Cơ Tu rất chân thực”, anh bày tỏ.
Cầu nối văn hóa
Đà Nẵng đã vào mùa lạnh, khu vực ven biển cảm nhận cái lạnh rõ hơn. Tối tối, dưới cây nêu, những nhóm khách vây quanh bếp lửa nướng ngô khoai, uống rượu cần, hệt như đang lạc về khoảng sân trước nhà gươl của bà con Cơ Tu ở phía tây thành phố, phía những thôn làng trong tít tắp núi rừng của tỉnh Quảng Nam anh em. Chị Nhàn nói Bếp làng ngày càng được nhiều thực khách biết đến, nhưng mỗi hôm chỉ đón 30 người, mở cửa từ 17 - 22h, bởi nguồn nguyên liệu từ bà con, rừng núi có hạn, không thể bán ồ ạt mỗi ngày. Hơn nữa, tiệm cần không gian nhẹ nhàng yên bình vốn có nơi thôn làng. “Ở làng, nếu ai phá lệ làng thì phải cúng một con trâu có vòng bụng to 8 gang tay để xin phép thần linh, nên đặt ra “lệ làng” cho tiệm ăn, Bếp làng mong thực khách thực thi để giữ gìn nét đẹp văn hoá”, chị Nhàn lý giải.
Chị Briu Hái mắt ánh lên niềm hạnh phúc khi rất nhiều vị khách đến Bếp làng đã say sưa nghe chị kể về những tục thờ cúng, lễ “đi sim”, điệu múa tung tung da dá, nếp sinh hoạt của đồng bào khi biết chị là người Cơ Tu. “Tôi rất vui vì họ đón nhận món ăn và hứng thú với câu chuyện, văn hoá của dân tộc mình. Điều đó khiến tôi cảm nhận được sự kết nối, gần gũi, tự tin hơn khi bước ra khỏi thôn làng”, chị tâm sự. Ở Bếp làng, những điều giản dị ấy được tái hiện lại. Như tính cách của bà con Cơ Tu hiếu khách, khách tới thường mời cơm, thì ngoài những món khách gọi, bếp thường mời thêm một món. Người vùng cao thật thà, chẳng toan tính chi nhiều, bếp cũng vậy, khách chê món dở, không ăn được, bếp chắc chắn sẽ không lấy tiền. Bếp còn có chiếc mâm truyền thống dùng tiếp khách quý của bà con, có chiếc gùi thay giỏ nhựa, thùng xốp để vận chuyển hàng hóa ra vào. Bếp nhắc nhân viên mang trang phục thổ cẩm, để biết một thuở họ lên rừng tìm kpay (cây bông vải) về dệt vải rồi may nên những bộ trang phục truyền thống.
Chị Nhàn trải lòng, mang bếp làng Cơ Tu xuống phố không chỉ đơn thuần đem những món ăn của bà con ra phục vụ thực khách, mà mang cả không gian, văn hóa, đời sống của bà con cho du khách trải nghiệm. Đó là chiếc cầu nối để người dân, du khách xích lại gần với đồng bào thiểu số hơn, trân trọng những khác biệt của mỗi dân tộc trên đất nước Việt Nam. Hơn thế nữa, đây cũng là cánh cửa mở ra thế giới bên ngoài cho bà con Cơ Tu, để họ trở thành những đại sứ văn hoá cho dân tộc mình, và cũng biết thêm phương cách mưu sinh, kiếm tiền cải thiện cuộc sống.
Chị Alice (38 tuổi, Anh) chia sẻ, chị dẫn con đi dạo ngang qua Bếp làng, con thấy cây nêu, bếp lửa và các cô chú đội mũ thổ cẩm nên đòi vào cho bằng được. “Cháu rất tò mò và hỏi tất tần tật mọi thứ, rất may nhân viên đã giới thiệu và kể cho cháu nghe về cuộc sống và văn hoá của người Cơ Tu. Tôi rất ấn tượng với những thông điệp mà tiệm ăn này mang đến”, chị hài lòng.