Bệnh trăm hoa đua nở

TP - Vẫn căn bệnh cũ nhưng lại tồn tại dai dẳng, thậm chí ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều cá nhân, tổ chức dù không ít nơi đã phải trả giá đắt.

Cách đây dăm năm, có phong trào đầu tư xây dựng nhà máy xi măng lò đứng, tiêu tốn nhiên liệu khủng khiếp, trong khi chất lượng sản phẩm không cao. Hậu quả, nhiều địa phương phải phá công nghệ lò đứng, chuyển sang đầu tư công nghệ lò quay, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể.

Nhưng những bài học đó, chưa ngăn được phong trào đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bia, sau đó đã có lúc gần như tỉnh nào cũng có nhà máy bia...

Trên lĩnh vực đầu tư hạ tầng, nổi trội nhất là phong trào đầu tư xây dựng cảng biển. Kết quả là nước ta có cả trăm cảng biển, nhưng đến nay, chưa có cảng biển nước sâu nào có thể đón tàu trọng tải 100 ngàn tấn.

Trả lời báo chí, TS Chu Quang Thứ - nguyên quyền Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cho biết do không đón được những tàu lớn, mỗi năm Việt Nam thất thu khoảng 1,5 tỷ USD.

Phong trào cảng biển chưa dứt, nay lại đến sân bay. Theo quy hoạch, tới năm 2030, Việt Nam sẽ có 10 cảng hàng không quốc tế và 16 cảng hàng không nội địa.

Chưa kể, trong quy hoạch, còn đặt ra việc nghiên cứu xây dựng hàng loạt các sân bay phục vụ cho hoạt động bay trực thăng và máy bay cánh bằng loại nhỏ tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa như Cao Bằng, Lai Châu, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị... Như vậy, nếu được thực thi, sẽ tới lúc Việt Nam gần như phủ kín sân bay đến các tỉnh.

Theo tính toán, để đầu tư một sân bay, ít cũng vài trăm tỷ, nhiều lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Ví như sân bay Tĩnh Gia (Thanh Hóa), gần đây được tính toán để thành một cảng hàng không nội địa, thì ước tính tổng vốn đầu tư xây dựng khoảng 2.600 tỷ đồng.

Theo tính toán của chuyên gia, thông thường, khoảng cách từ 500 km trở lên, việc mở đường hàng không mới hiệu quả. Chưa kể, hiện Chính phủ đang triển khai xây dựng nhiều tuyến đường cao tốc. Tới đây, khi tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, sau đó là Ninh Bình-Nghệ An hoàn thành, thì từ Hà Nội đi Nghệ An cũng chỉ mất vài tiếng đồng hồ.

Như thế, có cần thiết xây dựng nhiều cảng hàng không đến vậy. Trong khi đó, hai cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất thì lại quá nhỏ, chưa xứng tầm khu vực và quốc tế, thường xuyên quá tải, thì lại thiếu vốn đầu tư. Thậm chí, cảng Nội Bài khi trời mưa, đã có lúc bị dột, nhếch nhác.

Kiểu đầu tư dàn trải, “trăm hoa đua nở” không những là một căn bệnh mang thuộc tính văn hóa khó chữa mà còn gây ra sự lãng phí vô cùng lớn. Nghịch lý trên không biết đến bao giờ mới được dỡ bỏ?

Theo Báo giấy