Tại cuộc tọa đàm “Cách nào hiện đại hóa bến xe?” (do báo Giao Thông tổ chức ngày 1/4), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, cả nước có 478 bến xe (trong đó trên 300 bến tiêu chuẩn từ loại 4 trở lên). Qua kiểm tra, hầu hết các bến xe được quản lý, đầu tư từ ngân sách nhà nước, chất lượng rất thấp.
Việc quản lý (giám sát xe vào, xe ra…) còn thủ công gây phiền hà, nhũng nhiễu. Thực hiện chủ trương xã hội hóa (XHH), có 213 bến xe được cổ phần hóa hoặc đầu tư bằng vốn tư nhân. Tuy nhiên, xảy ra tình trạng, một số bến xe quá tải, còn một số bến lại không có xe vào.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, chủ trương XHH bến xe ở Hà Nội thực hiện từ năm 2004 với 2 bến xe Lương Yên và Nước Ngầm. Khi hoạt động, chất lượng dịch vụ của bến xe XHH đáp ứng nhu cầu của khách tốt hơn hẳn bến xe nhà nước quản lý.
Theo Thứ trưởng Thọ, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo quyết liệt vấn đề XHH xây dựng các bến xe đồng bộ, hiện đại. Quan trọng nhất là quy hoạch luồng tuyến, làm tốt sẽ thu hút được nhà đầu tư.
“Quy hoạch luồng tuyến còn nhiều tồn tại, địa phương quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ, vài năm lại thay đổi, khiến nhà đầu tư không yên tâm. Lần này cần có sự ổn định ít nhất 10 năm, tầm nhìn 20 năm. Tới đây, nếu cần thiết sẽ cho các bến xe đấu thầu luồng tuyến, tạo cạnh tranh công bằng”, ông Thọ nói.