Bất biến và thiêng liêng

TP - Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua, với kết quả thắng thế thuộc về những đảng phái và tổ chức chính trị có xu hướng dân tộc chủ nghĩa, cho thấy cách nhìn mới của người dân cựu lục địa.

Một châu lục nổi tiếng với những giá trị văn minh toàn cầu, đã giật mình vì hóa ra nhiều người dân lâu nay không mấy thích thú và muốn sống trong những giá trị, tiêu chuẩn chung do EU đặt ra. 

Thế giới đã phẳng hơn, nhờ thế, công chúng toàn cầu biết đúng vào đêm thái tử Tây Ban Nha lên ngôi kế vị vua cha, thì ở bên kia bờ Thái Bình Dương, nơi giải bóng đá thế giới đang diễn ra, Tây Ban Nha - ông hoàng bóng đá châu Âu, đương kim vô địch thế giới - đã tự rời ngai khi thua trận thứ hai ở vòng bảng, và chuẩn bị đá nốt một trận thủ tục để về nước. 

Tác giả “Thế giới phẳng” cho rằng, có 4 từ đang biến mất trong xã hội ngày nay: địa phương, riêng tư, từ từ đã, trung bình. Rõ ràng, ông hoàng bóng đá đã chủ quan “từ từ”, đã “trung bình” vì tưởng rằng mình vẫn là ông hoàng, tưởng xung quanh vẫn nằm ở trình độ bóng đá như 4 năm về trước.

Sự ngộ nhận chủ quan ấy gây ra nhiều hài hước, không chỉ trong làng túc cầu. Có quốc gia tưởng mình lớn, tưởng mình là cường quốc, hóa ra lại cực kỳ nhỏ bé trong mắt năm châu. “Kìa, xem ai đang đến Liên Hợp quốc” – tờ Philstar của Philippines mỉa mai khi ông hàng xóm to lớn của Việt Nam gửi công hàm vu cáo Việt Nam quấy rối ở biển Đông.

Nhưng dù thế giới phẳng đến đâu, toàn cầu hóa đến đâu, người dân đều trở về với những giá trị truyền thống của dân tộc mình, và điểm chung của hầu hết mọi người dân trên trái đất là bạo lực được ngăn chặn, xung đột được giảm thiểu, hòa bình được gìn giữ. Liên minh châu Âu đổi thay nghị viện theo tiếng nói phản ứng của người dân, không có nghĩa rằng những giá trị kinh điển của lục địa già mất đi. 

Trong khi đó, lại có những nước đã thay đổi giá trị và vị thế của mình rất nhanh theo chiều hướng tụt dốc: từ nền tảng giáo dục, triết học và văn hóa có tầm ảnh hưởng ở Á Đông, coi trọng hòa hiếu, lân bang nay đã chuyển sang hành xử bạo lực, coi vũ trụ như con kiến nằm trong tay mình.

Hôm qua, trả lời TTXVN, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc lại lời của vua Lê Thánh Tông từng nói với triều thần đã được ghi rõ trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”.

Ở đất nước này, có những thứ không bao giờ thay đổi vì chúng quá thiêng liêng, đó là chủ quyền lãnh thổ và lòng yêu nước của người dân.