> Đề xuất cứu thị trường bất động sản: Không tưởng
“Nhà nước nên bỏ tiền đầu tư và mua lại bất động sản ở thời điểm này như là một cách để bơm vốn ra thị trường, tạo dòng tiền trợ giúp các doanh nghiệp” - ông Nam nói.
Đây không phải lần đầu tiên ông Nam đưa ra ý kiến giải cứu thị trường này.
Chỉ có điều, lần này ông đề xuất biện pháp khiến nhiều chuyên gia đọc xong cũng sốc. Vì nó đi ngược lại với chủ trương kiềm chế lạm phát của Chính phủ trong Nghị quyết 11. Vì sao ông Nam lại đề xuất như vậy và đề xuất đó phục vụ lợi ích cho ai?
Hiện ông Nam đương là Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nhưng ông cũng vừa tái cử chức Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, nơi các hội viên là những DN kinh doanh bất động sản, đang góp tiền hội phí để nuôi hiệp hội. Nên nhìn ở góc độ người đứng đầu hiệp hội, ông thực sự là một thủ lĩnh tin cậy, kiên trì với quan điểm phải giải cứu thị trường BĐS.
Việc ông Nam đề xuất, có được Chính phủ đồng ý hay không, hồi sau mới biết, nhưng dù sao ông cũng đã phát đi thông điệp, nhằm cứu các hội viên. Thế cũng là hoàn thành nhiệm vụ của người thủ lĩnh hiệp hội, có thể nói là tròn vai.
Nhưng thế còn vai trò là thứ trưởng thì sao? Hằng tháng ông vẫn nhận lương ở cơ quan, từ tiền đóng thuế của dân. Người dân Việt Nam, nhất là những công chức trẻ đang công tác tại các thành phố lớn, với mức lương hiện tại thì nhịn ăn cả nửa thế kỷ, may ra mới góp đủ tiền mua vài chục mét vuông căn hộ chung cư.
Việc BĐS Việt Nam bị thổi giá cao vào hàng đắt nhất thế giới, không đúng với giá trị thực, có phần trách nhiệm của những người được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực BĐS như ông thứ trưởng. Đáng ra, từ lâu, cơ quan quản lý đã phải có biện pháp hạ nhiệt thị trường, chứ không phải nay thị trường đang trong xu hướng trở về với giá trị thực, nhờ các biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát, thì lập tức lại đề xuất phải giải cứu.
Nếu so với hơn 86 triệu dân Việt Nam, thì ngàn hội viên Hiệp hội BĐS, chỉ là một bộ phận nhỏ. Nhưng người ta sẵn sàng bỏ quên số đông, vì lợi ích nhóm nhỏ. Điều này, suy cho cùng chính là câu chuyện của lợi ích. Bởi thị trường hạ nhiệt, chưa chắc người ta đã được hưởng lợi gì từ số đông.
Từ câu chuyện “một mình sắm cả hai vai chèo” của ông thứ trưởng, khó có thể tròn vai. Bởi bản thân hai vai mà vị thứ trưởng này đang đóng, luôn có sự mâu thuẫn về lợi ích. Mà muốn giải quyết nó, chỉ có thể cấm quan chức tham gia các hiệp hội, mà ở đó lợi ích của các thành viên hiệp hội mâu thuẫn với lợi ích của người dân.