> Tạp chí lá cải Mỹ 'lừa' báo chính thống Trung Quốc
Có lẽ hầu hết mọi người nhìn vào có thể trả lời ngay được là “các công ty quảng cáo”. Nhưng xin phép đi sâu hơn một chút. Các công ty quảng cáo dại gì mà mua quảng cáo trên một trang web đìu hiu, tin bài lẹt đẹt khoảng vài trăm cú nhấp chuột?
Dựa vào cảm quan cá nhân, tôi thấy hiện nay có 3 dạng độc giả liên quan đến báo lá cải đáng lưu tâm.
Dạng thứ nhất: Những người không quan tâm và không đọc báo lá cải. Dạng này hình như lực lượng hơi mỏng, hoặc có thể đông nhưng không lên tiếng (vì không quan tâm) nên ít ai biết, trong lúc chưa chứng minh được là lực lượng dày thì tôi tạm coi là mỏng.
Và nếu họ đang ở đâu đó trong cuộc đời này thì hãy lên tiếng, to rõ ràng, để chúng ta biết rằng ngoài những người phấn khích vì một cô ca sĩ lộ ảnh khỏa thân thì còn có những người phấn khích vì một ông nhà văn (chân không dài) ra sách mới.
Dạng thứ hai: Những người thường xuyên đọc báo lá cải, vì thế hay chê bai báo lá cải, vì thế tiếp tục đọc báo lá cải (để có dẫn chứng mà chê), vì thế tiếp tục chê, vì thế tiếp tục đọc… Tóm lại là thế. Dạng này tôi cho là đông đảo nhất.
Dạng thứ ba: Những người thường xuyên đọc báo lá cải và cảm thấy không có gì nhiều để phải phật ý ngoài các banner quảng cáo lấp lánh làm đau mắt (nhưng thỉnh thoảng họ cũng nên tĩnh tâm một chút để nghĩ xem tại sao báo này được thuê quảng cáo nhiều vậy).
Như đã nói qua ở trên, rất nhiều người đọc báo lá cải với động cơ cực kỳ chính đáng: Tìm ra dẫn chứng cho sự yếu kém, nhảm nhí của báo lá cải, hỗ trợ cho “quá trình đấu tranh” chống lại báo lá cải, lên án và đẩy lùi báo lá cải… Có người còn mạnh miệng: “Những trang báo kiểu đó tốt nhất là biến mất hẳn”. Vân vân. Nhưng tôi ngờ vực mức độ hiệu quả của phương pháp “đấu tranh” này.
Những độc giả này sẽ nói, đúng là họ vào đọc nhưng đọc để rồi chê, bình luận yêu cầu tòa soạn đừng đăng những tin bài như thế nữa, về những nhân vật như thế nữa. Nhưng…
Sự thực là một vài tòa soạn không thèm đếm xỉa gì đến lời yêu cầu đó. Họ chỉ cần biết rằng, bài về cô người mẫu ngực bự kia thu hút mấy triệu cú nhấp chuột, được sếp khen mát cả mặt; bài về anh diễn viên ngoại tình kia thu hút mấy nghìn bình luận, đăng muốn hụt cả hơi.
Qua đó, số tiền quảng cáo tăng lên rất đáng phấn khởi. Vì thế, về sau, những tin bài về cô người mẫu đó, anh diễn viên kia cứ tằng tằng mà lên báo. Độc giả phản đối mặc kệ. Quan trọng là họ nhấp chuột.
Ngay cả tờ People, một dạng lá cải sạch của Mỹ - chuyên khai thác tin đời tư ngôi sao nhưng lại được chính các ngôi sao coi trọng, chọn làm nơi chia sẻ chuyện đời tư - cũng không phải là bất khả xâm phạm.
Độc giả sẵn sàng phản đối ầm ĩ khi báo đăng một tin nhảm nhí như “Michelle Obama mua gì khi đi siêu thị?”, bằng cách viết bình luận phản đối lên thẳng bài báo, và lạ là People đăng cả những bình luận đó.
Nhưng, cũng phải nói luôn là khi nhấp chuột, đọc và viết bình luận, độc giả cũng (không hề vô tình) tăng view cho cái tin Michelle Obama đó.
Thực tế là trên thế giới có rất nhiều báo lá cải sống khỏe, The Sun chẳng hạn. Trước đây có cả News of The World (nếu không bị đóng cửa do nghe lén điện thoại).
Theo quy luật đó thì báo lá cải Việt Nam vẫn sẽ phát triển, trở thành những cỗ máy làm tiền hiệu quả, có thể nghiệp dư hơn hoặc làm được ít tiền hơn, nhưng vẫn là phát triển, chứ chẳng thoái trào như những người phản đối (nhưng vẫn đọc) mong muốn.
Biến mất hẳn thì còn lâu! Nhất là trong tình trạng được độc giả nhiệt tình “nuôi sống” như hiện nay.
Độc giả sẽ nói: “Đọc tin gì, bài gì là quyền của tôi. Chẳng ai có quyền bắt tôi phải đọc bài này, không được đọc bài kia”. Rất đúng. Ai là công dân biết đọc và có trong tay một chiếc máy tính nối mạng đều có toàn quyền đọc bất cứ thứ gì họ muốn (chỉ cần máy chịu tải cho).
Nhưng quyền lợi đi cùng trách nhiệm, quy luật đó không ai thoát được. Chẳng có ai là nạn nhân của tất cả, đôi khi ta là (một trong những) thủ phạm gây ra những thứ ta đang phải chịu đựng.