Kết quả khảo sát thực trạng văn hoá ứng xử tại các cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, nơi công cộng ở Hà Nội do Đại học Quốc gia Hà Nội và Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Hà Nội cho thấy, qua 6.000 bảng câu hỏi phát ra, có tới 88% số người được hỏi cho rằng, cán bộ lãnh đạo có hành vi ứng xử không phù hợp; 90% người được hỏi cho rằng, bác sĩ, y tá, điều dưỡng… trong bệnh viện có hành vi ứng xử không phù hợp. Mới đây nhất, vụ một cán bộ Sở Ngoại vụ Hà Nội ra tay đánh người cũng là một tiếng chuông báo động về lối ứng xử của công chức.
Từ thực trạng đó, Sở VH-TT Hà Nội đã dự thảo “Bộ quy tắc ứng xử của cơ quan, đơn vị hành chính thành phố”, dự kiến phê duyệt và ban hành vào đầu năm 2017. Bộ quy tắc áp dụng với công chức làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố Hà Nội.
Ngay sau khi ban hành, dự thảo vấp phải một số ý kiến phản biện của những nhà nghiên cứu. Cụ thể ở các quy định: Mặc váy dài đến gối; Không xăm hình, vẽ hình phản cảm; sử dụng mỹ phẩm, nước hoa phù hợp… Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng: Từ ngữ của bộ quy tắc quá rộng khiến khái niệm trừu tượng. Sử dụng nước hoa thế nào là phù hợp, xăm thế nào mới là phản cảm… Bên cạnh đó, việc đưa vào quy tắc có thể vi phạm quyền tự do cá nhân.
Ngoài ra, bản thân Bộ Quy tắc ứng xử của Sở VH-TT cũng có một số nội dung trùng lặp với những quy định trong Luật Cán bộ công chức ban hành năm 2008. Cán bộ, công chức tức là công bộc của nhân dân, điều tiên quyết là phải có thái độ đúng mực khi tiếp xúc với dân. Nếu tha hoá đạo đức thì sẽ bị kỷ luật, nặng thì đuổi việc. PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Viện Điều tra Dư luận Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) bày tỏ lo ngại: Bộ quy tắc khó có tác dụng về lâu dài. Trên thực tế, đã có Luật Cán bộ công chức cùng nhiều văn bản liên quan, mỗi cơ quan cũng có những nội quy riêng… Nếu không có gì mới thì bộ quy tắc ứng xử chưa thực sự cần thiết.
Không xâm phạm quyền tự do cá nhân
GS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện trưởng Viện Đào tạo nghiên cứu về tổ chức và hành chính cho biết, đúng là hiện nay có một số dư luận phản ánh hiện tượng cán bộ, công chức có thái độ không đúng mực. Nên việc Hà Nội đưa ra Bộ Quy tắc ứng xử cán bộ công chức là hợp lý. Theo Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng, việc đưa ra các quy tắc ứng xử là hoàn toàn đúng. Ví dụ như một cán bộ tiếp dân, một ngày tiếp xúc với hàng chục, hàng trăm người dân với đủ mọi thành phần. Nếu như cán bộ đó sử dụng nước hoa sực nức thì đó là phản cảm, khiến cho người dân mất thiện cảm với bộ mặt của chính quyền. “Dùng nước hoa phải có văn hoá sử dụng nước hoa, chứ không phải đơn giản là xịt đầy lên người là xong”, TS Hùng nói.
Xung quanh vấn đề này, ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Nếp sống văn hóa mới (Sở VH-TT Hà Nội) cho rằng, sau khi ra dự thảo, có 3 vấn đề người dân có ý kiến liên quan đến quy định về nước hoa, trang sức, xăm hình. Ví dụ ở bộ phận tiếp công dân, có cả người nghèo, người khó mà cán bộ nước hoa nồng nặc, son đánh choe choét thì không được. Cũng có nhiều người vin vào quyền cá nhân, nhưng thử hỏi, cán bộ, công chức mà làm dây chuyền to đeo vào cổ như mấy ông buôn đất thì có được không? “Chúng ta đang thu hẹp khoảng cách giữa người dân với cán bộ, công chức, thế mà lại tạo khoảng cách quá lớn với người dân khi đến cơ quan công quyền thì không được”, ông Nam nói. Theo ông Nam, đây không phải là cấm mà chỉ mang ý định hướng để cố gắng hướng tới.
Ông Nam thông tin thêm, Bộ Quy tắc có những điều trùng với Luật Công chức nhưng rất nhỏ và mang tính cụ thể hóa hơn. “Ví dụ Luật Công chức yêu cầu tuyệt đối trong giờ hành chính phải làm việc, nhưng quy tắc này cụ thể yêu cầu trong giờ hành chính không được chơi game, không được đánh điện tử, không được đeo tai nghe,…”, ông Nam nói. Theo ông Nam, bộ quy tắc này chắc chắn sẽ được triển khai đến từng công chức để điều chỉnh hành vi.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội khẳng định, hiện đã có nhiều quy định, các yêu cầu cấm, nhưng rất ít người thực hiện. Ông Động cho rằng, lẽ ra việc này không phải làm, nhưng bởi vì xuống cấp quá nên phải làm. “Vì thế chúng tôi phải đưa vào. Mỗi người cùng chung tay góp sức, tạo thành nếp sống văn hóa. Hôm nay làm một chút, mai làm một chút sẽ thấm dần”, ông Động nói.
Theo ông Động, khi đưa ra quy tắc này, bản thân ông cũng biết chắc chắn sẽ có ý kiến nọ kia. “Chúng tôi cũng nói rõ là nếu cần điều chỉnh thì sẽ điều chỉnh ngay. Góp ý thì cứ góp ý nhưng phải mang tính chất xây dựng và phải đề ra giải pháp. Trong Quy tắc cũng có chi tiết là phải tăng cường sự tuyên truyền, phản ứng, phản bác những cái quá đà. Phải lên tiếng. Đó là sự chân thành với nhau. Biết làm sai mà chẳng nói gì là không được. Chúng tôi khuyến khích sự thẳng thắn. Hay thì ủng hộ, không hay thì phải đấu tranh”, ông Động nói.
Ông Động cho biết, quy tắc này không vi phạm bất cứ quyền cá nhân nào. Là cán bộ công chức thì phải tôn trọng nội quy, quy chế của cơ quan. Vào cơ quan này thì phải như thế còn nếu không thích thì có thể ra khỏi cơ quan. “Quyền tự do phải trong khuôn khổ. Tự do phải phù hợp với thuần phong mỹ tục, tự do phù hợp với văn hóa chứ không phải bừa bãi. Ra ngoài có ảnh hưởng đến cộng đồng, đến cơ quan phải theo nội quy, quy chế của cơ quan”, ông Động nói.
Mang tính khuyến cáo chứ không bắt buộc
Tại hội nghị tổng kết công tác Dân vận ngày 26/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, vừa qua dư luận có nhiều bình luận về một số quy định trong dự thảo quy chế ứng xử của cán bộ, công chức… Tuy nhiên, những nội dung trong Bộ quy tắc ứng xử “mang tính khuyến cáo chứ không phải bắt buộc”. Theo ông Hải, đây là nếp văn hóa mà cán bộ, công chức Hà Nội cần xây dựng và thực hiện, trong tập thể phải khuyên bảo với nhau.