Sáng 20/3, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng cho biết gần 3 tháng qua, do thời tiết khô hanh, nhiều ngày không mưa, nắng nóng kéo dài nên mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng ở toàn bộ 12 huyện, thành trong tỉnh đều ở cấp cực kỳ nguy hiểm.
Các khu vực được xem là trọng điểm cháy rừng tập trung nhiều ở TP.Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông vì phần lớn diện tích rừng thuộc đối tượng rừng thông, dễ phát hỏa và cháy lan.
UBND tỉnh đã ban hành quy định về kỹ thuật làm giảm vật liệu cháy trong phòng cháy rừng thông, trong đó, tuyệt đối không được đốt thực bì (cỏ khô, cây bụi, cành lá khô dưới gốc) khi dự báo cháy rừng từ cấp 3 trở lên để phòng tránh tình trạng lửa cháy lan mất kiểm soát.
Sở NN&PTNT Lâm Đồng cũng đã yêu cầu tuyệt đối không được đốt thực bì dưới bất cứ hình thức nào đối với diện tích rừng dọc các tuyến đèo, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông huyết mạch vào các khu du lịch Lang Biang, hồ Tuyền Lâm, Đan Kia - Suối Vàng và một số diện tích rừng khác để đảm bảo mỹ quan, không làm ảnh hưởng đến cây thông tái sinh.
Mặc dù vậy, những ngày qua, nhiều cánh rừng thông tại các phường 3, 5, 7, xã Tà Nung (TP.Đà Lạt) và vùng phụ cận như xã Hiệp An (Đức Trọng); khu vực rừng quanh hồ Đan Kia - Suối Vàng, xã Lát, xã Đạ Sar, xã Đạ Nhim (huyện Lạc Dương)… vẫn có nhiều điểm cháy, có lúc bùng lên thành đám cháy lớn.
Theo lực lượng quản lý bảo vệ rừng, một số đám cháy thực bì là do du khách, người dân đi rừng gây ra. Tuy nhiên, dù với nguyên nhân nào thì trách nhiệm chính vẫn thuộc về các đơn vị chủ rừng, hạt kiểm lâm trực thuộc.
Đặc biệt, mới đây, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo: Nếu các địa phương, đơn vị chủ rừng để xảy ra cháy nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, không được bình xét thi đua năm 2021 và người đứng đầu sẽ bị xem xét đình chỉ công tác.
Được biết, Lâm Đồng hiện có hơn 596.476 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích có rừng để tính độ che phủ là trên 532.445 ha, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh khoảng 54,5%.