Bằng Giỏi vẫn thất nghiệp: Doanh nghiệp đang cần gì?

Học giỏi, ra trường tấm bằng đẹp nhưng vẫn chật vật tìm kiếm việc làm hoặc rơi vào cảnh thất nghiệp kéo dài là thực tế hiện nay của không ít cử nhân. Trong khi, các doanh nghiệp vẫn vô cùng nan giải để tuyển người.

> Hà Nội: Thủ khoa vẫn “thi trượt” công chức

Bằng đẹp, bằng tốt vẫn khó khăn tìm kiếm việc làm (Ảnh chỉ mang tính minh họa). .

Tấm bằng đẹp - thể hiện kết quả học tập, rèn luyện - ở giảng đường của người học luôn là một ưu thế trong quá trình nộp sơ xin việc, nhất là ở khâu xét hồ sơ để đi tiếp vào các vòng sau như thi tuyển, phỏng vấn. Vậy nhưng không phải người nào cũng tận dụng ưu thế này của mình để kiếm được việc làm phù hợp.

Thực tế, không ít cử nhân ra trường với tấm bằng loại Khá, Giỏi, thậm chí là thủ khoa nhưng từ năm này qua năm khác, họ không tìm được việc. Nhiều người nằm dài chờ việc hay chấp nhận làm những việc tạm bợ vẫn không trả lời được vì sao mình học hành đến nơi đến chốn, có kiến thức chuyên môn mà… đụng đâu cũng rớt.

"Những người thành công, những nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt chủ yếu xuất phát từ vốn có của bản thân và từ sự tự học, tích lũy trong quá trình tiếp cận thực tế nhiều hơn là từ kết quả đào tạo từ trường học" - TS Dương Tấn Diệp.

TS Dương Tấn Diệp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM cho hay, chúng ta vẫn còn nặng cách đào tạo từ phổ thông đến ĐH theolối một chiều thầy nói trò nghe. Điều này không chỉ hạn hẹp về kiến thức, không giúp hình thành kỹ năng mà còn làm mất đi khả năng tự duy độc lập và sáng tạo của người học.

Ông Diệp cho rằng những nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt chủ yếu xuất phát từ vốn có của bản thân và từ sự tự học, tích lũy trong quá trình tiếp cận thực tế nhiều hơn là từ kết quả đào tạo từ trường học.

Điều này phần nào lý giải cho việc cử nhân tốt nghiệp bằng Giỏi, thậm chí thủ khoa nhưng vẫn thất nghiệp đã không còn hiếm. Trong khi các doanh nghiệp (DN) vẫn mòn mỏi tìm người mặc cho mỗi lần tuyển dụng nhiều công ty nhận được không ít hồ sơ xin việc với những những tấm bằng cử nhân, thậm chí là bằng thạc sĩ "chói lóa".

Sinh viên cần chủ động thực hiện hóa kiến thức đã học vào thực tế. .

Doanh nghiệp cần gì ở ứng viên?

Vậy DN cần gì ở ứng viên mà có thể đánh rớt cả những cử nhân ưu tú được đào tạo từ các trường ĐH?

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Nhân sự tập đoàn BigC Việt Nam cho hay ứng viên bị đánh trượt khi tham gia thi tuyển vào BigC chủ yếu do đào tạo, lộ trình nghề nghiệp không phù hợp với vị trí tuyển dụng. Ứng viên thiếu các tiêu chí mà vị trí tuyển dụng yêu cầu như về chuyên môn, kinh nghiệm, khả năng tư duy, kỹ năng xử lý, tình cách và thái độ làm việc.

Bà Trang không phủ nhận bằng cấp đẹp là một lợi thế nhưng khẳng định không tuyển dụng dựa vào bằng cấp. Để cân nhắc tuyển dụng, họ sẽ phỏng vấn kỹ lưỡng, đưa họ vào một số tình huống để kiểm tra khả năng thích ứng, kỹ năng xử lý tính huống, kiến thức…

“Ứng viên có tiềm năng nhưng bằng cấp không tốt chúng tôi vẫn tuyển. Đi kèm đó sẽ tổ chức đào tạo chuyên sâu về nghề và về quản lý để ứng viên có cơ hội thăng tiến, đảm trách những vị trí quan trọng”, bà Trang cho hay.

Theo ông Đỗ Thanh Năm, Tổng giám đốc Công ty tư vấn chiến lược Win-Win, không thể phủ nhận ứng viên có học lực giỏi là một lợi thế so với những người khác - nhưng lợi thế này nằm trong khung đánh giá về tiêu chí kiến thức. Điều quan trọng là 4 yêu cầu khác đi kèm tấm bằng Giỏi đó như năng khiếu, kỹ năng, đam mê và phong cách làm việc bạn đạt ở mức nào.

Theo ông Năm, khi đặt cơ nghiệp của công ty lên đôi vai của người mình tuyển vào thì các DN đều yêu cầu 5 tiêu chí trên. Tuy nhiên sẽ tùy thuộc vào từng vị trí công việc mà xác định mức độ ưu tiên và cụ thể hóa từng tiêu chí. Có vị trí sẽ ưu tiên năng khiếu, có vị trí đòi hỏi kiến thức hàng đầu, hay vị trí yêu cầu kỹ năng…

“Phần lớn các bạn SV chưa nắm bắt được mong đợi, tiêu chí mà nhà tuyển dụng cần. Và nguy hiểm hơn là các bạn chưa hiểu được đâu là năng lực thực, điểm yếu, điểm mạnh của mình”, ông Năm nói.

Ông Năm cũng cho rằng, bằng cấp có thể hiện đúng năng lực làm việc của nhân viên, không chỉ phụ thuộc vào chính bản thân người đó, nơi đào tạo và cấp bằng, mà còn phụ thuộc vào môi trường làm việc, khả năng khai thác tiềm năng nhân viên của những người lãnh đạo.

"Bằng cấp có thể hiện đúng năng lực làm việc của nhân viên, không chỉ phụ thuộc vào chính bản thân người đó, nơi đào tạo và cấp bằng, mà còn phụ thuộc vào môi trường làm việc, khả năng khai thác tiềm năng nhân viên của những người lãnh đạo" - ông Đỗ Thanh Năm, Tổng giám đốc Công ty tư vấn chiến lược Win-Win

Một chuyên gia nhân sự của Nestle Việt Nam cho hay, các kỹ năng như Ngoại ngữ, giao tiếp, làm việc nhóm, sự năng động của SV được cải thiện rất nhiều. Vậy nhưng, lỗi chung mà rất nhiều bạn gặp phải là thiếu tư duy, sáng tạo trong công việc và vẫn còn nặng kiểu “chỉ đâu làm đó”.

Không một DN nào coi nhẹ kiến thức được đào tạo của ứng viên, bởi chuyên môn vẫn là yêu cầu cần thiết nhất của nhân sự. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh,kiến thức ở trường học chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với yêu cầu thực tế. Kiến thức sách vở và thực tế luôn có một khoảng cách, nhất là trong điều kiện việc học ở trường ĐH còn chưa thật sự đi đôi với hành.

Điều này đòi hỏi mỗi SV phải tự biết “làm giàu” bản thân bằng cách chủ động vận dụng những kiến thức được học vào thực tế, cùng thái độ làm việc tích cực và trau dồi các kỹ năng cần thiết để tăng cơ hội tìm kiếm việc làm. TS Dương Tấn Diệp chia sẻ, các bạn cần nhìn thẳng vào thực tế, kinh tế khó khăn, DN sa thải đội ngũ yếu kém thì khi tuyển vào họ sẽ đòi hỏi cao về chất lượng lao động.

Ngoài ra, không ít cử nhân trong quá trình xin việc thường đổ hết cho nguyên nhân khách quan như điều kiện kinh tế khó khăn, đào tạo yếu kém, cơ chế xin việc thiếu công bằng… Điều này không hẳn sai nhưng hoàn cảnh khó khăn lại càng đòi hỏi sự chủ động nỗ lực của mỗi người. Còn nhìn vậy để rồi buông xuôi, thụ động thì trước hết các bạn sẽ là nạn nhân của chính mình.

Theo Hoài Nam
Dân trí

Theo Đăng lại