Bắc Trà My, những rung chấn ngoài động đất

TP - Vừa lo lũ, người dân Bắc Trà My vừa có thêm nỗi lo động đất. Cuộc sống đảo lộn. Dân mất đất mất nghề. Sông Tranh không còn là dòng sông của thơ và nhạc.

> Động đất ở Quảng Nam kéo dài năm năm nữa

Thủy điện Sông Tranh 2 tích nước gây động đất, sụt lún núi đồi.
Ảnh: Nguyễn Thành
 

Náo loạn trên dòng sông chết

Tôi vẫn nhớ như in, ngày 29-11-2010 lễ đóng đập tích nước Thủy điện Sông Tranh 2 được tổ chức long trọng với cờ, hoa băng rôn nối dài. Từng nắp đập đóng lại bằng thủy lực. Người ta đã chặn một dòng sông chỉ trong chốc lát. Nước lòng hồ dâng cao nhìn thấy rõ. Những con nước cuối cùng cố len lỏi để thoát về xuôi.

Phía dưới chân đập, dòng sông Tranh bắt đầu rút cạn. Trong đám đông, nghe ai đó kêu lên: “Sông đã chết !”. Sau ngày đóng đập, người dân Bắc Trà My mưu sinh ngay dưới đáy sông, điều mà bao đời nay chưa ai dám nghĩ tới. Người đãi vàng, kẻ đánh cá, người xẻ củi vớt gỗ? Sông Tranh hạ lưu trở thành một công trường bị cày xới.

Cái nhộn nhịp náo loạn ở đáy sông khủng khiếp đến mức, chính quyền huyện Bắc Trà My phải ra quân tuyên truyền vận động và thậm chí đẩy đuổi để đảm bảo an toàn cho người dân. Thời gian đó người dân hả hê, vui mừng khi đánh bắt cá dễ dàng, lấy được gỗ quý dưới đáy sông đem về cất nhà. Nhưng niềm vui đó chẳng mấy chốc chuyển thành nỗi lo.

Thủy điện Sông Tranh 2 phát điện tổ máy đầu tiên, điện hòa vào lưới điện quốc gia cũng là lúc đất trời Bắc Trà My rung động bởi những tiếng nổ lớn khiến người dân khiếp đảm.

Đợt lũ vừa qua, câu chuyện Thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ gây ngập một lần nữa là vấn đề nóng hổi của địa phương khi vùng hạ lưu phải hứng chịu cơn lũ bất thường. Chính quyền địa phương kêu trời vì dân tình khốn đốn.

Ông Huỳnh Tấn Triều - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn thốt lên: “Thủy điện xả nước, làm lũ phức tạp hơn. Chưa bao giờ có lũ lạ kỳ đến vậy. Mưa không lớn nhưng vẫn ngập và lũ không chịu xuống. May mà huyện kịp cảnh báo người dân, không thì hậu quả khó lường”.

Nỗi lo của chính quyền và người dân vùng hạ lưu sông Tranh 2 là lũ. Nhưng nay, một nỗi lo thường trực đang hiện hữu ngay ở nơi Thủy điện Sông Tranh 2 ngự trị đó là động đất và những hệ lụy khác.

Vớt gỗ và đãi vàng trên dòng sông đã chết. Ảnh: Nguyễn Thành.
 

730 triệu m3 nước treo trên động đất

Chúng tôi lên Bắc Trà My, khi cơn rung chấn cuối cùng diễn ra gần đây nhất đêm 27-11, mà theo kết quả đo ở một trạm đo động đất xa lắc nằm ở Huế là 2,9 độ richter. Con số này, theo các chuyên gia là không đáng lo ngại ! Nhưng với người dân Bắc Trà My việc đất trời rung chuyển, núi đồi rền vang vào những đêm khuya là nỗi lo, nỗi ám ảnh kinh hoàng.

Ghé nhà dân, hay quán cà phê, góc chợ, tiệm sửa xe… ở trung tâm thị trấn Trà My đâu đâu cũng nghe người dân bàn tán chuyện động đất. Lên trụ sở UBND huyện, các cơ quan ban ngành của địa phương thì ngoài công việc, họp hành, động đất là vấn đề cán bộ quan tâm nhất.

“Từ ngày có động đất đến nay, ngày nào tôi cũng nhận được hàng trăm cuộc điện thoại của cán bộ trung ương, tỉnh, nhà chuyên môn, anh em họ hàng ở xa. Có những cuộc điện thoại từ những người lạ. Có người gọi tôi nói: “Xin lỗi anh, tôi chỉ là người dân ở TP HCM. Tôi nghe nói có động đất nên điện hỏi thăm” - ông Đặng Phong - Chủ tịch huyện Bắc Trà My nói.

Ông Phong bảo: “Lo chứ. 730 triệu mét khối nước treo lơ lửng trên đầu. 24 năm lên đây công tác, chưa khi nào có động đất như thế này. Núi đồi rền vang những tiếng nổ, nhà cửa rung chuyển. Nhà cán bộ có vững chãi hơn còn sợ, nói gì dân”. Ông Phong nhẩm tính: “Cao trình đập là 175m, lòng hồ sâu 80m. Vị trí chúng ta đang đứng (trụ sở ủy ban huyện) là 100m so với mực nước biển. Một trái bom nước tới 730 triệu m3 treo lơ lửng trên đầu đó”.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Chánh văn phòng BCH PCLB tỉnh phải thốt lên: “Dân lo động đất một thì lo đập thủy điện mười !”. Dù rằng độ an toàn của đập thủy điện đã được tính toán kĩ lưỡng trên cơ sở khoa học, nhưng nhìn những vết sụt đất sâu ngay bên tuyến đường ĐT 616 chạy bên vai thân đập hồ chứa, những quả đồi sạt lún, nhiều người không khỏi suy nghĩ: “Lỡ ra...”.

Rừng phòng hộ Sông Tranh bị tàn phá.
Ảnh: Nguyễn Thành.
 

Và những rung chấn ngoài động đất

“Rung chấn ngoài động đất mới sợ” - ông Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch UBND xã Bắc Trà My nói. Cái mà ông Tuấn nhắc đến đó là cuộc sống của người dân đang bị xáo trộn sau công trình thủy điện này.

“Hơn 20.000 người dân tộc thiểu số địa phương đã ổn định cuộc sống bấy lâu. Thủy điện vào làm xáo trộn tất cả. Tái định cư bấp bênh, nay thêm động đất, người dân khiếp sợ, nên có thể họ sẽ du canh du cư”.

Những khu tái định cư của thủy điện Sông Tranh 2 xây lên cho người dân chưa bao lâu đã xuống cấp, nhiều hộ gia đình bỏ ra ngoài bởi nếp sinh hoạt của người dân vốn quen với nhà sàn. Chưa kể, người dân được tái định cư vào sâu rừng già, rừng phòng hộ sông Tranh, không có đất sản xuất khiến rừng bị phá. Ngay tại xã Trà Bui đã có trên 50ha rừng già bị phá.

Trong năm 2011, đã phát hiện 25 hộ dân phát rừng, đốt rẫy làm thiệt hại hơn 9ha rừng, thu giữ khoảng 400m3 gỗ các loại. Toàn bộ các khu tái định cư của xã Trà Bui có khoảng 605 hộ. Trong đó, 120 hộ định cư lâu đời (thuộc thôn 4 cũ trước đây) là có ruộng, có rẫy, còn lại 475 hộ mới lên đều không có đất làm ăn. Lên đây đã hơn 4 năm, tiền đền bù, lương thực hỗ trợ của nhà nước, dân đã dùng hết. Phần lớn dân tái định cư mới lên nhà nào cũng phát rừng, làm rẫy và “phang” luôn cả rừng già..

“Nếu đặt cái lợi quốc gia qua một bên, tôi khẳng định, Thủy điện Sông Tranh 2 không mang lại lợi ích gì cho địa phương ngoài những xáo trộn. Việc tái định cư khiến địa phương đau đầu. Đường sá sau khi thủy điện được xây dựng xong đã nát như tương. Động đất là một chuyện lớn nữa. Bắc Trà My còn đỡ, chứ ở huyện Nam Trà My dân đang kiện huyện ra tòa vì chuyện đền bù giải tỏa, mỗi lần mưa lũ Nam Trà My bị chia cắt liên tục”, ông Đặng Phong nói.

Phiên họp gần đây nhất giữa UBND huyện Bắc Trà My và BQL dự án thủy điện 3, ông Hồ Văn Danh - Bí thư xã Trà Bui đã khẩn thiết: “Dân chết không có chỗ chôn. Đường sá về các thôn bị ngập sâu trong nước. BQL thủy điện phải sắm ca nô, thuyền máy hoặc trực thăng cho dân chúng tôi, lo chi phí xăng dầu suốt đời. Dân làng chúng tôi chết là phải chịu trách nhiệm”. Thế mới thấy cái bức xúc của người dân đã đến mức nào.

Chúng tôi rời Bắc Trà My khi đoàn khảo sát của Viện KHCN đã rút lui sau một ngày ngắn ngủi khảo sát với lời hứa sẽ quay trở lại. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và huyện Bắc Trà My đang chờ văn bản chính thức của Viện để thông báo rằng những vụ động đất vừa qua là không quá nguy hiểm nhằm trấn an lòng dân. Tuyến đường ĐT 616 độc nhất lên Bắc Trà My nát như tương, in hằn vết lốp xe tải phục vụ công trình thủy điện Sông Tranh 2?...

Theo Báo giấy