Bắc Kinh tức tối khi bị vạch trần gây hấn biển Đông

TP - Nhật báo tiếng Anh China Daily (Trung Quốc) ngày 15/7 thể hiện rõ sự tức giận của Trung Quốc thông qua bài tường thuật cuộc hội thảo hai ngày (10 và 11/07) về biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược CSIS ở Mỹ. 
Cuộc hội thảo về biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược. Ảnh: Vietnamnet

Tờ báo này chỉ trích các diễn giả Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam và Philippines đã vạch rõ Trung Quốc đang là đối tượng “khiêu khích”, “hung hăng”, “ức hiếp” và “thay đổi hiện trạng”.

China Daily dẫn lời ông Chu Shulong, giáo sư chính trị học và quan hệ quốc tế Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, đổ lỗi cho Mỹ có thái độ “thiên vị” về vấn đề biển Đông. Ông Chu cảm thấy khó chịu trước các lời cáo buộc Trung Quốc hiếu chiến tại biển Đông của các diễn giả tại hội thảo. Ông Chu cho rằng, chính chiến lược xoay trục của Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã khiến tình hình biển Đông leo thang căng thẳng.


“Thực tế đơn giản là căng thẳng ở biển Đông bắt đầu dâng cao cách đây 3 năm, kể từ khi Mỹ thông qua chiến lược xoay trục, đặc biệt kể từ bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Hà Nội tháng 7/2010”, ông Chu nói. 

Theo ông này, chính quyền đảng Dân chủ dưới thời Tổng thống Bill Clinton tập trung nhấn mạnh 3 trụ cột trong chính sách về Trung Quốc, gồm lợi ích kinh tế, dân chủ và nhân quyền. “Nhưng kể từ khi chiến lược xoay trục xuất hiện, chúng tôi phải nghe quá nhiều về vấn đề an ninh, chứ không còn được nghe nói về dân chủ, nhân quyền hay phát triển kinh tế và hợp tác”, ông Chu nói.

Qua phản ứng của đại diện Trung Quốc tại cuộc hội thảo ở Mỹ, giới phân tích quốc tế nhận định, đây hoàn toàn là tập hợp các quan điểm chính thống của chính quyền Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Ông Chu chỉ trích Mỹ gây căng thẳng, hậu thuẫn khiến các nước có tranh chấp trở nên cứng rắn với Trung Quốc, nhưng lại bỏ qua thực tế chính tham vọng phi lý của Trung Quốc mới là yếu tố gây căng thẳng trong khu vực. Vị giáo sư này đã lờ đi thực tế trước đó Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, tiếp tục xâm lấn quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988, sau đó lại cưỡng chiếm Đá Vành Khăn năm 1995.

Ông Chu cũng không nhắc gì tới việc Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh cá trên biển Đông vốn là ngư trường truyền thống lâu đời của người dân nơi đây, gây sức ép đối với các tập đoàn dầu khí quốc tế để họ không làm ăn với Việt Nam và Philippines. 

Gần đây, Trung Quốc lại ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hành vi gây hấn mới nhất của Trung Quốc là công bố tấm bản đổ khổ dọc phi lý đến nực cười. Tất cả đều nhằm phục vụ mưu đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Đây là những nguyên nhân chính khiến tình hình trở nên căng thẳng, nhưng đều không được vị học giả Trung Quốc đề cập.

Tuy nhiên, China Daily buộc phải thừa nhận một thực tế “giáo sư Chu có lẽ hơi đơn độc trong số các diễn giả tại cuộc hội thảo ở Trung tâm CSIS tuần qua”.