Bác Hồ - Nguồn cảm hứng vô tận, Kỳ 4: Tiền thân của Búp sen xanh

TP - Sau nhiều thập kỷ thu thập tư liệu về Bác, nhà văn Sơn Tùng bắt tay viết kịch bản phim truyện với tên gọi Con đường năm ấy. Tuy nhiên, do vấn đề quá lớn mà kịch bản phim chưa thể đảm đương nổi ở thời điểm đó, Con đường năm ấy cuối cùng phải dừng lại ở khâu kịch bản.
Nhà văn Sơn Tùng, ông Trần Tam Giáp và anh Bùi Sơn ĐịnhẢnh: KIẾN NGHĨA

Vì sao có kịch bản phim?

Vài năm trước, tôi có dịp gặp ông Trần Tam Giáp, khi đó là Chủ nhiệm Câu lạc bộ hưu trí Bộ Ngoại giao. Trong trong thời gian từ năm 1980-1985, ông Giáp là thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Quãng thời gian này cũng là thời điểm tiểu thuyết Búp sen xanh ra đời, sau đó bị quy kết khá nặng nề. “Ngày đó, nếu không có sự ủng hộ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tác phẩm này sẽ gặp khó khăn”- ông Giáp cho biết.

Trong câu chuyện với cựu thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng hôm đó, tôi được biết sau câu chuyện “gỡ quy kết” đối với tác phẩm Búp sen xanh, ông Trần Tam Giáp và nhà văn Sơn Tùng trở thành bạn thân. “Nhiều năm nay, tôi thường xuyên đến thăm anh Sơn Tùng”- ông Giáp cho biết, rồi rủ tôi đến nhà của nhà văn Sơn Tùng chơi.

Nhà văn Sơn Tùng khi đó bị tai biến được vài năm. Anh Bùi Sơn Định thay mặt cha tiếp ông Giáp và tôi. Khi câu chuyện hướng về Búp sen xanh, anh Định bất ngờ cho biết “tiền thân” của tiểu thuyết này xuất phát từ kịch bản phim Con đường năm ấy. Thấy tôi ngạc nhiên, anh Định kể, vào năm 1978, Xưởng phim truyện Việt Nam (nay là Hãng phim truyện Việt Nam) mở cuộc vận động sáng tác kịch bản phim về Bác Hồ để hướng tới dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Người. Thời điểm này cũng là lúc Sơn Tùng đã tích lũy khá dày thông tin về Bác, nên nhà văn quyết định tham gia cuộc vận động sáng tác trên. Tuy nhiên, lúc đó phần vì đang phải hoàn thiện nốt một tác phẩm khác, đồng thời cũng chưa từng viết kịch bản phim nên nhà văn Sơn Tùng đã cộng tác với nhà biên kịch điện ảnh Đào Xuân Tùng để cùng viết tác phẩm này.

Biên kịch Đào Xuân Tùng là đồng hương Nghệ An với nhà văn Sơn Tùng. Ông là đồng tác giả kịch bản phim Chung một dòng sông (viết chung với Cao Đình Báu), bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi cùng xây dựng đề cương rồi được Sơn Tùng cung cấp các tư liệu cần thiết, Đào Xuân Tùng vẫn gặp khó khăn khi triển khai. Sự khó khăn này xuất phát từ việc nhà biên kịch Đào Xuân Tùng không trực tiếp đi sưu tầm tư liệu về Bác nên chưa nắm bắt được cái hồn khi viết tác phẩm. Sau khi hai tác giả hội ý và cùng thống nhất, nhà văn Sơn Tùng đã dỡ toàn bộ kịch bản để viết lại.

Sau đó, kịch bản phim được hoàn thành với tên gọi Con đường năm ấy. Kịch bản này được giao cho nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ (tác giả các kịch bản phim nổi tiếng như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Mối tình đầu…) biên tập. Sau đó, kịch bản Con đường năm ấy được Xưởng phim truyện Việt Nam thông qua và đưa lên cấp trên duyệt. Nhưng do vấn đề quá lớn mà mà kịch bản phim chưa thể đảm đương nổi ở thời điểm đó, Con đường năm ấy cuối cùng đã dừng lại ở khâu kịch bản. “Hiện kịch bản Con đường năm ấy được gia đình tôi gửi vào Trung tâm lưu trữ Quốc gia 3 để gìn giữ”- anh Định cho hay.

Trang bìa kịch bản phim “Con đường năm ấy”

Ðiều tiếc nuối của Con đường năm ấy

Vốn học Biên kịch điện ảnh (Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội), nên điều anh Bùi Sơn Định cho biết đã kích thích sự tò mò của tôi. Ngay hôm sau, tôi đến Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 (Cục Văn thư-Lưu trữ Nhà nước) để được mục sở thị kịch bản Con đường năm ấy. Cán bộ ở đây xác nhận tại Trung tâm đang lưu trữ kịch bản này, nhưng do đây là tác phẩm cá nhân gửi nên theo quy định phải được sự đồng ý của gia đình mới được tiếp cận tác phẩm. Thế là tôi trở lại nhà của nhà văn Sơn Tùng, được anh Định thay mặt gia đình viết thư giới thiệu để tôi được tiếp cận kịch bản Con đường năm ấy.

Cầm xem kịch bản Con đường năm ấy, ngay trang bìa đã thấy ghi rõ nội dung viết về một chặng đường đi cứu nước của Bác Hồ, tác giả Sơn Tùng và Xuân Tùng, biên tập Hoàng Tích Chỉ. Trang đầu còn có chữ ký của nhà văn Sơn Tùng, bút tích và chữ ký bàn giao tác phẩm của ông Hoàng Tích Chỉ vào ngày 10/5/1979. Bên cạnh đó, trong kịch bản còn đính kèm nhận xét của Tổ Tư liệu về Hồ Chủ tịch (Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương) với nội dung: “Theo chúng tôi, đây là kịch bản phim truyện đầu tiên nói về Bác Hồ. Tác giả đã bỏ ra khá nhiều công phu để sưu tầm tài liệu, tìm hiểu những phong tục tập quán, ngôn ngữ xứ Nghệ, Huế, Sài Gòn, Phan Thiết... cho nên khi thể hiện người ta dễ dàng chấp nhận ngay là tiếng nói đó, phong tục tập quán đó đúng là của địa phương đó. Về phía các nhà sử học, người ta cũng có thể chắt lọc, tìm thấy ở đây những tư liệu quí…”. Về nhân vật Út Huệ được viết trong kịch bản, nhận xét cũng đưa ra những phân tích khách quan và kết luận: “Với góc độ văn học, theo chúng tôi, là có thể phản ánh được”. Cuối cùng, nhận xét chốt lại: “Chúc tác giả thành công”.

Hôm đó, tôi nán lại khá lâu để đọc Con đường năm ấy và thấy trong kịch bản có không ít tình tiết, sự kiện được phản ánh trong tiểu thuyết Búp sen xanh. Đọc xong, tôi làm thủ tục xin sao lại trang bìa kịch bản, rồi đi gặp nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ (là nhà biên kịch điện ảnh Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, năm 2012) để hỏi chuyện. Nhìn lại bút tích của mình ghi trên trang bìa kịch bản, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ không khỏi bồi hồi. Ông cho biết, thời gian đó, Xưởng phim truyện Việt Nam đã tạo mọi điều kiện để hai tác giả viết kịch bản này, khắc họa một chặng đường đi cứu nước của Bác. Đọc xong, ông Chỉ thấy Con đường năm ấy là một kịch bản có chất lượng, nhưng sau đó tác phẩm còn trải qua nhiều khâu duyệt khác. Cuối cùng, việc Con đường năm ấy dừng lại ở khâu kịch bản là điều tiếc nuối.

Nhắc lại câu chuyện trên trong lần gặp mới này, anh Sơn Định cho biết khi Con đường năm ấy chưa được dựng thành phim cũng khiến nhà văn Sơn Tùng trăn trở. Nhưng việc chưa được làm phim này càng khiến nhà văn thêm quyết tâm, nỗ lực hơn để mong đến thời điểm nào đó sẽ có dịp được khắc họa hình tượng về Bác trên màn ảnh. Và hơn mười năm sau, điều mong ước đó đã thành hiện thực khi kịch bản do nhà văn Sơn Tùng viết đã được dựng thành phim Hẹn gặp lại Sài Gòn. Nhưng trước khi có bộ phim này, cần sự ra đời của tiểu thuyết Búp sen xanh.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Tam Giáp cho biết, hiện nay ông vẫn thường xuyên đến thăm nhà văn Sơn Tùng. “Đúng thời gian này năm 2018, khi nhà văn Sơn Tùng được trao huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, tôi cũng có mặt để chúc mừng ông, người mà tôi luôn quý trọng và kính mến”- ông Giáp cho biết.
 

(Còn nữa)