Bà lang 'ngáng đường thần chết'

TP - Trong khi nhiều bệnh viện chật vật với những ca tự tử hay ngộ độc bởi thuốc diệt cỏ Paraquat, thì ở chốn núi rừng xa xôi hẻo lánh lại có một bà lang nổi tiếng với bài thuốc giải độc hiệu nghiệm từ những vị thuốc nam có sẵn trong tự nhiên. Bà là Lò Thị Tiếng ở thôn Đắk Tân, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.

Bà Tiếng chăm sóc người bệnh

Ơn cứu mạng

“Nếu không có mẹ Tiếng (dân làng hay gọi là bà Thâm theo tên con trai đầu của bà Tiếng) thì bây giờ tôi đã mục xương rồi. Trở về từ cõi chết, tôi dặn mình phải sống sao cho xứng đáng và trân trọng cuộc sống hơn”. Đó là lời chia sẻ của chị Đinh Thị Phượng (trú xã Nam Xuân, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), người từng uống thuốc diệt cỏ tự tử nhưng được bà Tiếng cứu sống. 

Chị Phượng kể lại: Năm 2000, chị và anh Lang Văn Sỉu (SN 1985) nên duyên vợ chồng. Yêu vợ nhưng anh Sỉu vẫn theo đám bạn nhậu nhẹt tối ngày khiến gia đình luôn “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”. Một lần (năm 2002), anh theo bạn đi chơi không về, chị phải gửi con đi tìm nhưng không thấy.

Gần một tuần sau, anh về nhà trong tình trạng say khướt, quá tức giận chị và anh to tiếng. Sẵn men rượu trong người, anh Sỉu chửi mắng, đánh chị rồi đập phá đồ đạc trong nhà. Uất ức, chị xuống bếp tìm chai thuốc diệt cỏ để quyên sinh. Uống được hai ngụm, chị thấy trời đất quay cuồng, cổ họng nóng ran, khó thở rồi ngất lịm.

Tỉnh dậy, chị thấy mình đang nằm trong bệnh viện huyện Krông Nô. Dù các bác sĩ đã súc ruột nhưng thể trạng chị nhanh chóng suy kiệt, miệng thâm đen lở loét, lưỡi thụt, da và mắt lờ đờ tròng trắng. Điều trị đến ngày thứ sáu, bệnh viện nói anh đưa chị về lo hậu sự. “Nhìn con trai mới một tuổi khóc đòi mẹ, nhìn giọt nước mắt của chồng, tôi khát khao được sống nhưng đã muộn. Tôi khóc, hối hận vì hành động dại dột của mình”, chị Phượng tâm sự. 

Chị Phượng hạnh phúc bên chồng và các con

Chưa bao giờ tôi trải qua những cảm giác kinh khủng như vừa rồi, ruột gan như bị ai vò nát, chọc thủng rồi đốt thành tro, đau đớn vô cùng. Cận kề cái chết mới hiểu hết giá trị của sự sống. 

Chị H’Quan

Buổi tối đưa chị về nhà, bà con hàng xóm đến thăm rất đông, ai cũng ứa nước mắt nhưng chẳng giúp được gì. Bà Tiếng đến, bất ngờ hỏi: Thế mày còn muốn sống không? Chị gật đầu. Mấy tiếng sau, bà quay lại, mang theo rất nhiều lá, rồi sắc thuốc cho chị uống. Cứ uống vào chị lại nôn, nôn toàn đờm dãi, sau đó nôn ra những mớ bầy nhầy từ lục phủ ngũ tạng. Vừa uống thuốc, bà vừa cho chị ngậm và đắp thuốc lên người, thuốc đắp đến đâu chị thấy dễ chịu đến đó. Đến ngày thứ mười, miệng chị lành dần, da hồng hào hơn và tóc không còn rụng nữa. Một tháng sau, chị khỏi hẳn. Thấy chồng tu tỉnh và thương yêu vợ con, chị sinh liền 2 đứa nữa, gia đình từ đó thuận hòa. 

Nhìn vợ và các con, anh Sỉu trải lòng: Mình đã thề không được làm vợ buồn nữa. Bà Tiếng chỉ nhận của vợ chồng mình một con gà và lít rượu để cúng tổ tiên. Mang ơn cứu mạng, vợ chồng mình nhận bà làm mẹ nuôi.

12 năm mở nghiệp 

Bà Tiếng là người dân tộc Thái, sinh năm 1961, lớn lên ở huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. Cuộc sống khó nghèo nên bà chưa từng được cắp sách đến trường, không biết đọc, biết viết, dù cha bà là một thầy lang chữa bệnh nổi tiếng mát tay. Từ nhỏ bà đã được cha dẫn đi rừng hái thuốc và chỉ dạy cho cách pha chế các loại thuốc chữa bệnh, giải độc, nhưng bà không có ý định nối nghiệp cha. 

Năm 1997, bà Tiếng cùng chồng và 3 đứa con chuyển vào Đắk Nông sinh sống. Các bài thuốc của cha, bà chỉ để phòng thân. Khi chứng kiến chị Phượng quằn quại cận kề cái chết, bà cảm thấy không thể buông xuôi. Đó là lần đầu tiên bà dùng bài thuốc cha dạy để cứu người. Sau lần ấy, bệnh nhân trong và ngoài tỉnh tìm đến ngày một đông, lúc cao điểm có đến 15 người cùng được bà điều trị. Đa số đều là những trường hợp nhiễm độc thuốc diệt cỏ, bệnh viện trả về.

Ngày 16/11, chúng tôi đến nhà bà, có 7 bệnh nhân đang nằm tại đây, mỗi người mỗi cảnh nhưng đều chung đặc điểm “chín phần chết, một phần sống” vì lỡ quyên sinh trong phút nghĩ quẩn. Anh Võ Văn Quý, chồng nạn nhân Nguyễn Thị Thể (SN 1974, trú xã Nam Đà, huyện Krông Nô, Đắk Nông), chia sẻ: Vì buồn chuyện gia đình, vợ tôi đã uống khoảng 100ml thuốc diệt cỏ cháy Paraquat. Gần một tiếng sau, tôi phát hiện đưa vợ đến bệnh viện huyện Krông Nô cấp cứu, các bác sĩ đã súc ruột cho vợ tôi, tuy nhiên sau đó họ nói không cứu được. Tôi lập tức đưa vợ ra bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk với hi vọng còn nước còn tát, bác sĩ cũng lắc đầu.

Tôi đưa vợ về để nhìn mặt anh em họ hàng, tình cờ được một người mách đến bà Tiếng. Sau khi bà Tiếng cho uống thuốc vợ tôi dần hồi phục. Điều trị được 12 ngày, nhà tôi đã nói được, da dẻ hồng hào, miệng đang lên da non. Bài thuốc của bà Tiếng chính là niềm hi vọng sống cho những người chờ chết như vợ tôi. 

Nằm cạnh giường chị Thể là vợ chồng anh Nay Siven và chị Kpa H’Quan (trú xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai). Do mâu thuẫn với mẹ ruột nên chị H’Quan uống thuốc cỏ cháy tự tử.

“Phát hiện vợ nằm bất tỉnh, tôi lập tức đưa vợ lên bệnh viện huyện Krông Pa súc ruột, sau đó chuyển lên bệnh viện tỉnh Gia Lai cấp cứu, bác sĩ nói không thể cứu chữa được nên trả về. Được anh bạn mách ở Đắk Nông có bà lang giỏi, tôi thuê xe chở vợ đi ngay. Bón hết bát thuốc đầu tiên, thấy vợ tôi nôn, bà Tiếng mỉm cười. Sức khỏe vợ tôi tiến triển tích cực sau 15 ngày điều trị. Bà Tiếng nói khoảng 5, 6 ngày nữa tôi có thể đưa vợ về”, anh Nay Siven vui mừng.

Chị H’Quan gượng cười chia sẻ: Nằm trên giường bệnh, tôi nghĩ cuộc đời thế là hết. Chưa bao giờ tôi trải qua những cảm giác kinh khủng như vừa rồi, ruột gan như bị ai vò nát, chọc thủng rồi đốt thành tro, đau đớn vô cùng. Cận kề cái chết mới hiểu hết giá trị của sự sống. Ơn bà Tiếng không biết trả sao cho hết.

Cô Nguyễn Thị Hường (TP Tây Ninh) góp chuyện: Bài thuốc của bà Tiếng hiệu quả thật. Em dâu tôi là Nguyễn Anh Đào buồn chuyện gia đình nên uống thuốc diệt cỏ Paraquat loại cực mạnh tự tử. Gia đình phát hiện đưa đến bệnh biện đa khoa Tây Ninh súc ruột sau đó chuyển lên bệnh viện thành phố, rồi đến bệnh viện Nhân dân 115, tuy các bác sĩ đã tiến hành lọc máu nhưng bệnh tình mỗi lúc một xấu. Vậy mà, khi gặp bà Tiếng, chỉ chưa đầy một tuần, em tôi đã nói được. Trước đó, chỗ tôi ở có 5, 6 người tự tử bằng thuốc diệt cỏ đều không qua khỏi, em tôi là người đầu tiên sống sót nhờ gặp được vị cứu tinh.

Bài thuốc gia truyền của họ Lò 

Bà Tiếng dặn: Khi phát hiện nạn nhân uống thuốc diệt cỏ, tuyệt đối không cho uống thêm bất cứ nước nào vì uống vào nước sẽ hòa lẫn với dung dịch thuốc giúp thẩm thấu vào lục phủ nội tạng nhanh hơn dẫn đến hủy diệt đường ruột và các cơ quan nội tạng khác. Nếu thuốc đậm đặc có thể gây thủng dạ dày, tràn khí màng phổi, suy thận cấp, hoại tử cơ, sốc và tử vong trong vòng vài giờ hoặc vài ngày. Chỉ cần nạn nhân còn đi tiểu và ra mồ hôi sau khi uống thuốc thì tôi có thể cứu được. 

Bà Tiếng tự tay sắc thuốc cho nạn nhân

Phương pháp chữa trị của bà Tiếng kết hợp uống và ngậm thuốc. Mỗi thang thuốc uống của bà có 7 vị, sắc làm 3 lần, 2 lần đầu để uống, lần thứ ba để tắm. Thuốc ngậm có 4 vị, được xay từ lá thuốc tươi, chắt lọc lấy nước, 3 thìa đầu uống, 1 thìa sau để ngậm. Thường thì nạn nhân uống đến ngày thứ 5 sẽ bắt đầu nôn ra chất đờm, nhớt và thịt hoại tử trong cơ thể. Sau đó sẽ giảm dần lượng thuốc. Bà Tiếng còn dùng lá thuốc tươi xay nhỏ đắp lên người nạn nhân giúp giảm đau. Cứ 15 phút lại cho nạn nhân một lần, liên tục trong nhiều ngày nên cả gia đình bà Tiếng phải thay phiên nhau túc trực bên người bệnh. 

Mười hai năm qua, với bài thuốc bí truyền của gia tộc, bà Tiếng đã giành lại sự sống cho cả nghìn người từ tay thần chết. Người dân nể trọng bà không chỉ vì bài thuốc “cải tử hoàn sinh”, mà bởi sau mỗi ca chữa trị họ không hề thấy bà nhắc đến chuyện tiền bạc, người bệnh tùy tâm muốn đưa bao nhiêu thì đưa.

Ông Lang Hồng Lân, Chủ tịch UBND xã Nam Xuân khẳng định: Bà Tiếng là người hiền lành chất phác, là một thầy thuốc tốt. Chuyện bà có bài thuốc gia truyền cứu sống được nhiều người tự tử do uống thuốc cỏ cháy bị bệnh viện trả về là có thật. Tôi thường xuyên nhận được điện thoại của các nạn nhân trong nước, gọi hỏi địa chỉ và thông tin chính xác về bà. UBND xã đang hướng dẫn bà làm các thủ tục gia nhập Hội Đông y của huyện để tiện chữa bệnh cứu người.