35 năm đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, cô giáo Nguyễn Thị Thông (ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) được phong tặng nhà giáo ưu tú.
Năm 2002, ngay sau khi nghỉ hưu, cô Thông tiếp tục mở lớp xóa mù chữ và phổ cập tiểu học miễn phí cho hàng trăm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt và người dân nghèo.
Lớp học ban đầu chỉ có những người trẻ tuổi từng thất học do nhà nghèo, trẻ mồ côi hoặc những em khuyết tật tham gia; nhưng thấy cô Thông miệt mài gieo chữ, những người lớn tuổi trong xã cũng tìm đến lớp xóa mù chữ của cô.
Từ năm 2002, căn nhà cấp bốn hai gian của cô giáo Thông luôn vang lên những tiếng ê, a đánh vần của những học sinh đủ mọi lứa tuổi.
Cô Thông và lớp xóa mù chữ cho người lớn vào buổi tối.
Thương học sinh không có chỗ ngồi học, bà giáo già đã nghỉ hưu này còn bê cả bàn uống nước, tháo cánh cửa nhà, cửa bếp kê thành bàn ghế, rồi lên trường cấp 1 xin những bàn ghế gãy, nhờ thợ mộc sửa sang lại cho học sinh ngồi.
Nhiều hôm, đang học, trời bỗng đổ mưa, căn nhà cấp 4 thiếu cửa bị mưa hắt, mấy cô trò mang áo mưa ra che để nước đỡ tràn vào nhà.
Thấy cô Thông tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của địa phương, sau khi xây dựng trụ sở mới, UBND xã Ngư Lộc đã dành 1 phòng ở tầng 2 để ban ngày cô duy trì lớp học tình thương cho các em nhỏ hoàn cảnh đặc biệt và buổi tối dạy lớp xóa mù chữ cho người lớn.
Cứ như vậy, cô Thông đến với học sinh từ sáng sớm đến tối khuya.
Bà Bùi Thị Đức (59 tuổi) - là học viên lớp xóa mù chữ của cô Thông cho biết: “Ngày xưa tôi không được cắp sách đến trường vì bố mẹ nghèo đói, con đông. Đến giờ tuổi cao, xã hội tiên tiến, chúng tôi ra xã hội chữ nghĩa không có không biết đọc, biết viết gì cả. Kể cả bán buôn không biết tính toán. Chúng tôi thấy cô Thông mở lớp tình thương, chúng tôi cắp sách đến trường nhờ cô để biết tấm chữ, để biết viết, biết đọc”.
Hình ảnh cô giáo Nguyễn Thị Thông với vóc người nhỏ nhắn, sắp đến tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn cần mẫn gieo chữ ở một vùng quê bãi ngang ven biển trở nên thân thuộc với những người dân quanh năm làm nghề đánh bắt hải sản.
Đối với nhiều em nhỏ ở đây, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, chứ chưa nói đến ước mơ xa xỉ là được đi học.
Xót xa cho những mảnh đời bơ vơ, cô Thông lại tiếp tục gieo chữ tại quê hương…
Lớp học tình thương của cô hiện nay có 6 em nhỏ thì 1 em bị liệt 2 chân, 1 em bệnh tim bẩm sinh, 2 em chậm phát triển trí tuệ và 2 học sinh nghèo trước đây phải bỏ học giữa chừng.
Em Nguyễn Thị Thùy (ở thôn Nam Vượng) tâm sự: “Ngày trước học trường mầm non, em bị các bạn trêu chọc vì bị tàn tật. Mặc cảm, nên em nghỉ học. Sau đó, mẹ em xin cho em vào lớp cô Thông để học. Cô là người mẹ thứ 2 của em bởi vì cô đã dạy em biết chữ. Hàng ngày mẹ em chở em đến lớp. Khi tan học cô Thông nhờ các bạn chở em về. Ước mơ sau này của em là làm cô giáo để dạy cho những em học sinh nghèo không biết chữ, giống như cô giáo Thông đã dạy chúng em”.
Sở dĩ, sau những giờ vất vả vì mưu sinh nhưng các thế hệ học trò vẫn gắn bó với lớp học tình thương của cô Thông là vì từ lâu, các em đã coi đây là ngôi nhà thứ 2 của mình.
Tình thương vô bờ bến của cô đã sưởi ấm cho những mảnh đời khó khăn, bất hạnh.
Nhiều phụ huynh kể lại, cô Thông đã giúp đỡ nhiều học sinh nghèo không phải bỏ học giữa chừng, trong đó, có em Trung (ở thôn Thành Lập), không có cha, bị bạn bè trêu chọc nên mặc cảm không đến trường.
Hoặc như trường hợp có 3 anh em Ngọ, Nhâm, Nhung (ở thôn Thành Lập) cứ thay phiên nhau nghỉ học. Thấy vậy, cô Thông tìm hiểu nguyên nhân và biết rằng, các em không có đủ quần áo. Vậy là cô Thông lại kêu gọi chính quyền địa phương và bà con chòm xóm giúp đỡ để cả 3 em không bị đứt gánh học hành.
Bà Phạm Thị Nở, mẹ của 3 học sinh nghèo vừa nêu không kìm được xúc động: “Chồng tôi không may đi biển bị đắm thuyền, chết. Tôi phải một mình nuôi 3 đứa con. Hoàn cảnh gia đình tôi lúc đó quá khó khăn, may mà được chị Thông giúp đỡ cho các cháu học hành. Tôi vô cùng cảm ơn cô giáo Thông đã dạy các cháu tấm chữ để bây giờ các cháu lớn trưởng thành và đã đi làm”.
Không giấu nổi niềm tự hào về cô giáo Nguyễn Thị Thông, ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết, đến nay, lớp học tình thương của cô Thông đã dạy được cho hơn 100 em ở độ tuổi đến trường biết đọc, biết viết thành thạo, trong đó có 70 em trước đây bỏ học giữa chừng hoặc tiếp thu chậm.
Các em này, sau khi được cô dạy học đã theo kịp chương trình và được chuyển vào học tại các trường tiểu học.
Bên cạnh đó, nhiều em đang học tại trường do tiếp thu kiến thức chậm, không theo kịp chương trình, nên nhà trường lại gửi vào lớp học của cô.
Lớp học ban đêm của cô Thông cũng đã xóa mù chữ được cho 59 người lớn tuổi biết đọc, biết viết.
Cô giáo Nguyễn Thị Thông, một người phụ nữ đơn thân nhưng đã và đang là người mẹ thứ 2 của rất nhiều học trò có hoàn cảnh đặc biệt.
35 năm giảng dạy tại các trường tiểu học, trung học xã Đông Minh (huyện Đông Sơn), xã Đa Lộc, Hòa Lộc và Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc), năm 1996, cô Nguyễn Thị Thông được trao tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú và 5 năm sau, trường tiểu học Ngư Lộc 2 do cô làm hiệu trưởng, đạt trường chuẩn quốc gia.
Tuổi xuân của cô giáo Nguyễn Thị Thông đã dành hết cho sự nghiệp trồng người và đến nay, mặc dù đã 68 tuổi, cô vẫn tâm niệm khi nào còn sức khỏe thì còn dạy chữ cho học sinh