Tháng thanh niên:

Ba “cây” sáng kiến chân đất

TP - Ba đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2014 Nguyễn Xuân Trường, Trần Xuân Phong và Sìn Văn Dưỡng không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn làm lợi cho Cty, giúp người dân địa phương thoát nghèo. 

Sáng kiến tiền tỷ

Nguyễn Xuân Trường (sinh năm 1988) là công nhân Phân xưởng KT 12 - Cty Than Vàng Danh Vinacomin. Trường không ngại khó, ngại khổ, luôn xung kích giải quyết việc khó tại các vị trí, như: Lò tụt, áp lực lò lớn, điều kiện địa chất phức tạp…

Anh Nguyễn Xuân Trường.

Nhờ sự cố gắng học tập, rèn luyện của bản thân, tay nghề Trường không ngừng được nâng cao, năng suất lao động thường đạt 130% so với đồng nghiệp; góp phần giúp đơn vị hoàn thành tốt kế hoạch được giao trong nhiều năm liền. Từ đầu năm 2013 đến nay, thu nhập bình quân của anh luôn nằm trong số những người có thu nhập cao của phân xưởng với mức 22 triệu đồng/tháng.

Tổng thu nhập năm 2013 của anh đạt trên 266 triệu đồng, cao gấp 2 lần tổng thu nhập bình quân toàn phân xưởng. Bằng kinh nghiệm thực tiễn, Trường cũng đề xuất nhiều sáng kiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất góp phần cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng suất lao động. Riêng năm 2013, các sáng kiến của anh làm lợi cho Cty trên 4,5 tỷ đồng. Trường còn luôn nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ những công nhân mới vào nghề bắt nhịp với công việc, nhanh chóng làm tốt nhiệm vụ được giao.

Với những nỗ lực và đóng góp cho đơn vị và Cty, ba năm liền từ 2011-2013, Trường liên tục được Cty tuyên dương là thợ trẻ lao động giỏi, thu nhập cao, là gương mặt trẻ tiêu biểu của tỉnh năm 2013. Trường vinh dự là một trong 3 cá nhân đại diện cho Quảng Ninh được tuyên dương tại Đại hội Thanh niên Tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ 3. “Trong lao động, tôi không ngại khó. Tôi luôn đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu. Tôi hy vọng có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho Cty”, Trường chia sẻ.

Vua ong đất Bắc

Trần Xuân Phong (32 tuổi), lớn lên gắn liền với những đàn ong, sáp mật của gia đình. Học xong THPT, anh mở mô hình nuôi ong lấy mật để phát triển kinh tế. Nhằm nâng cao năng suất và chất lượng mật cho ong, anh không ngừng tìm hiểu và tìm cách lai giống chúng. Không phụ công, năm 2006, anh tìm ra cách lai tạo giữa giống ong vàng miền Bắc với giống ong Ý của miền Nam, tạo thành giống ong lai, vừa cho lượng mật cao, vừa chống chọi được với cái lạnh của miền Bắc. Đến nay, anh đã có hơn 1.700 đàn ong.

Anh Trần Xuân Phong.

Để đàn ong có sản lượng mật quanh năm, anh Phong di chuyển ong đi đón những mùa hoa ở cả các tỉnh miền Nam. “Cứ vào đầu tháng 12 hàng năm, tôi di chuyển đàn ong vào Bình Phước đón hoa điều, tháng 2 lên Gia Lai hưởng hoa cà phê, tháng 3 quay về Bắc Giang đón hoa vải, sau đó chuyển về đón hoa nhãn tại Hưng Yên. Tháng 7, chuyển ong lên tỉnh Sơn La đón vụ hoa càng cua, tháng 10, 11 về tỉnh Hà Giang có hoa bạc hà, nên đàn ong của mình cho 4 vụ mật/năm”, anh Phong chia sẻ.

Tôi đang xây nhà máy chế biến mật để phát triển mô hình nuôi ong trong tỉnh nhà và cả các tỉnh miền núi phía Bắc. 

Anh Trần Xuân Phong

Nay mỗi năm đàn ong của HTX Phong Thổ thu về hơn 500 tấn mật đạt doanh thu 16 tỷ đồng. Riêng đàn ong của anh Phong thu được hơn 100 tấn mật/năm, trị giá trên 3 tỷ đồng, trừ đầu tư chi phí anh còn thu lãi gần 2 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động là đoàn viên thanh niên trên địa bàn, với mức thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Để tạo điều kiện cho những hộ nuôi ong trong vùng trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau tiêu thụ sản phẩm, tháng 5/2013, anh đứng ra thành lập HTX nuôi ong Phong Thổ gồm 25 xã viên với trên 4.000 đàn ong. Không chỉ lập kế hoạch mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước anh còn muốn mang sản phẩm mật ong xuất khẩu sang cả những thị trường khó tính như Mỹ.

“Sản lượng mật ong của HTX không ngừng tăng nhưng ngoài Bắc chưa có nhà máy chế biến nên phải mang sản phẩm thô vào Tây Nguyên chế biến để xuất khẩu ra nước ngoài. Tôi đang xây nhà máy chế biến mật để phát triển mô hình nuôi ong trong tỉnh nhà và cả các tỉnh miền núi phía Bắc”, anh Phong chia sẻ. Anh Phong vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và giải thưởng Lương Định Của năm 2014.

Mang bánh khẩu sén về phố

Sìn Văn Dưỡng (35 tuổi) sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh Điện Biên. Nhận được nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng, vay mượn thêm bạn bè, anh bắt đầu mô hình làm kinh tế bằng chăn nuôi lợn thịt, gà, vịt... Khi chăn nuôi có lãi, anh mạnh dạn mua 1 máy xát, 1 máy xay bột phục vụ nhu cầu của bà con.

Anh Sìn Văn Dưỡng.

Được các đoàn viên bầu là Bí thư chi đoàn, anh đứng ra huy động 30 đoàn viên trong chi đoàn và hội viên CLB thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi cùng chung vốn, chung sức thành lập Hợp tác xã thanh niên sản xuất bánh khẩu sén.

“Đây là bánh truyền thống của người Thái trắng, có hương vị đặc trưng riêng, ai từng ăn sẽ thích. Tôi nghĩ có thể sản xuất bánh khẩu sén thành thương hiệu bánh của người Thái, tận dụng nguồn sắn của địa phương để phát triển kinh tế”, anh Dưỡng bộc bạch.

Với hệ thống 70 máy nhào, 70 máy ép bánh, 140 dao khuôn bánh hoạt động liên tục, giờ thương hiệu bánh khẩu sén đã vươn xa, chinh phục thị trường ở nhiều tỉnh, thành phố, doanh thu hàng năm đạt khoảng 450 triệu đồng.

“Hợp tác xã giúp cho nhiều đoàn viên, thanh niên trong bản có việc làm, thu nhập ổn định, từng bước vươn lên làm giàu nên tôi rất mừng. Tôi đang cố gắng mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu bánh khẩu sén thành đặc sản mà mỗi khi nhắc tới ai cũng biết”, anh Dưỡng bộc bạch. Năm 2014, anh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và nhận giải thưởng Lương Định Của.