ASEAN, Trung Quốc cùng xử lý bất thường trên biển

TP - Đại diện các nước ASEAN và Trung Quốc nhất trí tiếp tục bàn việc lập đường dây nóng giữa các bộ trưởng ngoại giao để xử lý các tình huống khẩn cấp, bất thường trên biển. Trong khi đó, giới chức Mỹ và Nhật Bản tiếp tục bày tỏ quan ngại trước nguy cơ Trung Quốc thao túng biển Đông.  
Video giám sát của Mỹ cho thấy các tàu nạo vét của Trung Quốc hoạt động ở khu vực Trường Sa. Ảnh: Hải quân Mỹ

Tại hội nghị về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc, các nhà ngoại giao của 10 nước ASEAN và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân hôm 29/7 đưa ra các biện pháp nhằm “kiểm soát hiệu quả tình hình trên biển và ngăn ngừa các vụ việc bất ngờ xảy ra”, báo Trung Quốc China Daily đưa tin. 

Đại diện ASEAN và Trung Quốc đã thảo luận các biện pháp triển khai hiệu quả DOC, hợp tác thực chất trên biển và thúc đẩy tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Thứ trưởng Lưu nói rằng, Trung Quốc và các nước ASEAN nhất trí tiếp tục bàn bạc để lập đường dây nóng giữa các bộ trưởng ngoại giao để xử lý các tình huống khẩn cấp, bất thường trên biển.

Xinhua dẫn lời nhà nghiên cứu Xu Liping ở Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói rằng, các quy tắc và đường dây nóng được đề xuất “đúng thời điểm, khi lòng tin giữa hai bên đang đối mặt nhiều thách thức”. Biển Đông được cho là sẽ trở thành chủ đề chính tại hội nghị an ninh khu vực tuần tới tại Malaysia, với sự tham gia của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN, Trung Quốc và Mỹ.

Phản đối Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo

Chỉ huy Lực lượng Phòng vệ Biển của Nhật Bản vừa cảnh báo cả vùng biển Đông có thể “bị bao trùm bởi ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc” nếu nước này dùng các đảo nhân tạo vào mục đích quân sự. Trong bài phát biểu hôm 29/7 tại cơ quan tư vấn chính sách tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế  (CSIS) ở Washington, Đô đốc Tomohisa Takei nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm biển Đông là “vùng biển mở và tự do”, để khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là “đại dương của thịnh vượng”, hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo đưa tin. “Dù Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương cách biệt về địa lý, chúng vẫn liên quan chặt chẽ với nhau đến mức không thể bị chia cắt về chính trị và kinh tế”, ông Takei nói.

Tại một hội nghị khác của CSIS, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Amy Searight, phụ trách khu vực Nam và Đông Nam Á, thúc giục Liên minh châu Âu (EU) có tiếng nói cương quyết hơn để hỗ trợ Washington trong việc phản đối Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn nhân tạo ở biển Đông, rằng Washington sẽ hoan nghênh EU kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ ở khu vực và tôn trọng luật quốc tế.

“Sẽ rất có ích nếu EU rõ ràng hơn trong việc ủng hộ các nguyên tắc này”, bà Searight nói. Cụ thể là EU nên ủng hộ mạnh mẽ hơn việc ngừng cải tạo bãi đá, xây đảo nhân tạo, quân sự hóa chúng như Mỹ và nhiều nước khác đã làm. Đại sứ EU tại Washington David O’Sullivan nói rằng, EU và Mỹ chia sẻ mục tiêu tương tự và chỉ khác nhau về lời lẽ. Ông Sullivan khẳng định, EU quan ngại về an ninh ở Đông Á, nên đã bổ sung khía cạnh an ninh khu vực vào công việc của họ, nhưng ở mức giới hạn.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm qua cáo buộc Mỹ “quân sự hóa” biển Đông với việc gia tăng tuần tra và tập trận chung, tăng cường chỉ trích Trung Quốc trước thềm hội nghị an ninh khu vực sẽ diễn ra tại Malaysia vào tuần tới, China Daily đưa tin. Trung Quốc cũng chỉ trích việc Tư lệnh Hải quân Mỹ Scott Swift tham gia chuyến bay tuần tra thường lệ trên biển Đông trong tháng này và tăng cường liên lạc quân sự với các đồng minh khu vực như Philippines. Tuy nhiên, trong khi đó, Trung Quốc rầm rộ tập trận bắn đạn thật trên biển Đông, khiến nhiều nước quan ngại, và Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ, CNN đưa tin.

Hôm qua, người đứng đầu quân đội Philippines, Tướng Hernando Iriberri, nói với báo chí rằng, Manila sẽ cho điều tra các báo cáo nói rằng Trung Quốc đã cải tạo thêm 3 bãi đá ở biển Đông và tăng cường hoạt động trên bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, Philstar đưa tin.

Trong phiên hội đàm và đồng chủ trì phiên họp Ủy ban Hợp tác Việt-Nhật lần thứ 7 diễn ra cuối tháng 7 tại Tokyo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cùng chia sẻ quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế về tình hình biển Đông thời gian gần đây. Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, đề nghị các bên liên quan nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 cũng như DOC và thúc đẩy việc sớm xây dựng COC.