Hà Nội - xe Limousine “oach tạc” trên phố
Vài tháng nay, đặc biệt là những ngày cận Tết, sau khi Hà Nội sắp xếp luồng tuyến xe khách, các loại xe mang phù hiệu xe hợp đồng hoạt động trên các tuyến cố định phát triển ồ ạt, chiếm số lượng ngày càng lớn trong dòng phương tiện của Thủ đô. Ngoại trừ tụ điểm của Cty Hưng Long trên đường Đại Cồ Việt, Trần Quang Khải… hầu hết các địa điểm đẹp tại trung tâm, đông người qua lại tại Hà Nội đều xuất hiện loại xe trá hình này.
Tại cổng chính công viên Thống nhất trên đường Trần Nhân Tông liên tục xuất hiện hàng loạt xe của Cty X.E Việt Nam (doanh nghiệp có xe trá hình vào loại lớn nhất Hà Nội). Bên ngoài là xe Ford Transit loại 16 chỗ được sơn màu đen nhưng bên trong được chế thành loại xe 9 chỗ dạng ghế bảnh với tên gọi là dịch vụ Limousine (ý chỉ dịch vụ đạt chất lượng như xe hơi hạng sang). Các xe này chuyên chở khách đi các tuyến cố định từ Hà Nội đi Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định. Từ các tụ điểm tạm này, đến giờ, xe lòng vòng trong các tuyến phố đón khách (khi từ các tỉnh về cũng đưa đón khách tận nhà).
Loại hình xe Limousine này cũng được hãng xe HD sử dụng để chở khách chuyên tuyến Hà Nội – Bắc Giang với “đại bản doanh” đóng tại một ki ốt trên đường Ngô Huy Tự, cạnh vườn hoa Yecxanh (Hà Nội). Xe đỗ dưới lòng đường sai quy định nhưng không bị xử lý; đến giờ vòng ra tận Nhà hát Lớn và nhiều điểm khác trong thành phố đón khách.
Các tuyến dài hơn như Hà Nội đi Thanh Hóa, thậm chí Nghệ An cũng có loại hình dịch vụ này. Trong đó, một doanh nghiệp tại Thanh Hóa sau thời gian hoạt động trá hình đã vào Bến xe Nước Ngầm. Tuy nhiên, tình hình các xe trá hình ém cạnh bến xe nhà ga đang có xu hướng bùng phát. Trong đó Cty Phúc Xuyên chuyên tuyến xe khách Hà Nội - Quảng Ninh đã đưa hàng loạt xe Limousine nhiều kích cỡ khác nhau vào hoạt động với nơi tập kết là khách sạn đối diện Bến xe Lương Yên (bến vừa giải tỏa).
Tại Ga Hà Nội, trưởng ga Hà Quốc Hùng cho hay có nhiều xe 7 chỗ màu đen danh nghĩa là đến đón người nhà nhưng thực chất là đón khách chạy tuyến cố định đi Nam Định, Quảng Ninh… Lo ngại sân ga thành bến xe dù, ông Hùng đã chỉ đạo từ chối phục vụ trông giữ xe. Công khai hơn, tại địa chỉ 26 phố Láng Hạ, Cty Anh Huy cũng sử dụng xe 7 chỗ, nhận đặt chỗ, chuyển khách lẻ chuyên tuyến Hà Nội - Hạ Long, xe đỗ ngay trên vỉa hè, lòng vòng đón trả khách trong thành phố nhưng không bị xử lý.
TPHCM - “xe vua” Thành Bưởi lại chạy biến tướng
Như Tiền Phong liên tục phản ánh, hãng xe Thành Bưởi - doanh nghiệp lớn nhất tại TPHCM chuyên chở khách tuyến cố định dưới danh nghĩa xe hợp đồng đã buộc phải dừng hoạt động đón trả khách tại điểm thuê của Cty Giày Sài Gòn (số 1 phố Vĩnh Viễn, quận 10) vì bãi xe này nằm ngoài quy hoạch.
Tuy nhiên, hiện hãng xe này vẫn hoạt động rầm rộ và biến tướng bằng cách dừng đỗ, đón đưa khách chớp nhoáng dọc đường trong nội đô. Ghi nhận vào cuối tuần qua cho thấy, nhiều xe loại 54 chỗ cồng kềnh của Cty Thành Bưởi từ các tỉnh vẫn dồn về khu vực gần trụ sở cũ rồi được cấp tốc chuyển sang các xe trung chuyển. Tại công viên cạnh đường An Dương Vương (quận 5), phóng viên chứng kiến nhiều xe khách Thành Bưởi dừng đỗ, khách nháo nhào xuống xe để sang xe trung chuyển.
Tiếp tục đi theo xe của Thành Bưởi, chúng tôi ngạc nhiên khi chiếc xe cồng kềnh, lắc lư ngoằn nghèo trong các tuyến phố như An Dương Vương, Nguyễn Tri Phương, Phạm Hùng; đi qua địa bàn quận 5, quận 10, quận 8 đông đúc, ùn tắc và đỗ tại một bãi xe lớn, tạm bợ tận xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Thỉnh thoảng trên đường, chúng tôi lại gặp một xe khách Thành Bưởi nép vào một khoảng vỉa hè trống chờ vào trung tâm.
Tương tự tại Hà Nội, nhiều Cty vận tải, du lịch tại khu vực “phố Tây” của TPHCM như Đề Thám, Phạm Ngũ Lão, Lê Lai… cũng tổ chức xe khách loại nhỏ, bán vé lẻ, thu tiền chở khách đi thẳng các tỉnh, nhiều nhất là Bà Rịa - Vũng Tàu “góp phần” vào sự ách tắc đang gia tăng tại TPHCM.
Ông Nguyễn Tuyển, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho hay, hiện xe khách trá hình phát triển mạnh, việc bố trí lực lượng để xác định các vi phạm bán vé, thu tiền khó khăn. Một biện pháp đơn giản, khoa học là xác định xe hợp đồng có lộ trình lặp lại liên tục thông qua thiết bị giám sát hành trình để xử lý. Tuy nhiên, hiện các quy định của Bộ GTVT hiện nay chưa cho phép xử lý (trong khi một lãnh đạo Vụ Vận tải Bộ GTVT lại khẳng định các quy định của Bộ GTVT đã đủ để dùng thiết bị giám sát hành trình để xử lý).