Vượt qua sự khắc nghiệt số phận để lan tỏa tinh thần thiện nguyện
Đỗ Hà Cừ, SN 1984 (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) bị khuyết tật vận động bẩm sinh, toàn thân co quắp do ảnh hưởng chất độc màu da cam từ bố. Từ lúc lọt lòng đến khi lớn lên, anh chỉ có một tư thế nằm; mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của người thân.
Không được đến trường ngày nào nhưng anh tự học chữ, và sử dụng thành thạo máy vi tính. Đam mê đọc sách, với khát khao mãnh liệt được đọc sách, tiếp thu kiến thức, năm 2015, anh đã sáng lập Không gian đọc Hy Vọng. Từ năm 2018 đến nay Câu lạc bộ đã thành lập và giúp đỡ thành lập được 27 Không gian đọc phục vụ miễn phí cho cộng đồng trên khắp cả nước. Đặc biệt là trong đó có 19 không gian đọc do người khuyết tật quản lý. Mỗi tủ sách thành viên của CLB không gian đọc Hy vọng có hàng nghìn đầu sách để phục vụ miễn phí bạn đọc. Hiện nay, Không gian đọc Hy vọng thường xuyên có 4000 đầu sách để cho hơn 1000 độc giả đến đăng ký mượn đọc thường xuyên…
“Tôi ước có thật nhiều Không gian đọc được thành lập trong cả nước để phát triển văn hóa đọc và trẻ em ở khắp mọi miền đất nước có điều kiện tiếp xúc với sách”, Đỗ Hà Cừ bộc bạch.
Với bản thân, Hà Cừ chỉ mong có đủ sức khỏe để phục vụ cộng đồng và có được một công việc phù hợp để có thể tự nuôi sống bản thân và người phục vụ mình.
32 tuổi, cô gái bị bệnh xương thủy tinh Nguyễn Thị Ngọc Tâm (xã Yên Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) không nhớ, không đếm nổi số lần gãy xương, vì quá nhiều. Vượt qua nghịch cảnh của số phận, suốt 18 năm nay, Ngọc Tâm sáng lập lớp học 5 không: “không phấn, không bảng, không bục giảng, không giáo án, không học phí” mang tên Lớp học Ngọc Tâm Thủy Tinh chào đón hàng trăm bạn nhỏ tới học miễn phí.
Trải qua nhiều cuộc phẫu thuật đau đớn, ngã, gãy xương liên tục, đêm chủ yếu phải ngủ ngồi nhưng Ngọc Tâm không gục ngã trước số phận. Chị đã nỗ lực vươn lên bằng nỗ lực phi thường, với phương châm sống: “Không quan trọng mình sống bao lâu. Quan trọng mình sống sâu và ý nghĩa như thế nào!”.
Chị còn thành lập quỹ học bổng Ngọc Tâm Thủy Tinh để trao cho các học sinh nghèo hiếu học. Từ năm 2017, chị thành lập Không gian đọc Ngọc Tâm Thủy Tinh, với hơn 1500 sách. Ngọc Tâm Thủy Tinh còn là tác giả của nhiều bài thơ được phổ nhạc thành bài hát.
Ngoài ra, Tâm còn tham gia vào các hoạt động xã hội, tình nguyện, các dự án truyền cảm hứng do các tổ chức, các viện nghiên cứu thực hiện, các hoạt động của hội người khuyết tật.
Đau đáu, trăn trở với những mảnh đời kém may mắn
Năm 16 tuổi – khi đang là học sinh lớp 11, trường THPT chuyên Hùng Vương (Gia Lai), chàng trai Lê Văn Phúc (hiện là sinh viên Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG TPHCM) “liều lĩnh” thành lập nhóm từ thiện Fly To Sky, quy tụ các bạn học sinh, sinh viên cùng làm thiện nguyện. Sau hơn 4 năm hoạt động, nhóm đã hiện hơn 15 dự án cộng đồng, hơn 70 chương trình, chiến dịch tại 19 tỉnh, thành trên cả nước với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng.
Sáng lập nhóm tình nguyện với thành viên chủ yếu là học sinh, sinh viên, Phúc luôn trăn trở mục tiêu: Làm sao đảm bảo việc tham gia tình nguyện thường xuyên, quanh năm, trở thành thói quen của người trẻ chứ không chỉ dừng lại phong trào, nhất thời, nhưng vẫn đảm bảo việc học.
Bản thân Phúc cũng luôn nỗ lực vì điều đó và minh chứng là 2 năm đầu thành lập nhóm – Lớp 11 và lớp 12, cậu liên tiếp đạt giải Ba kỳ thi Học sinh giỏi cấp Quốc gia THPT môn Địa lý và là học sinh giỏi toàn diện 3 năm liên tiếp; được tuyển thẳng vào đại học. “Hoạt động tình nguyện với bản thân tôi còn là đam mê nữa. Tôi khao khát được tham gia, được cống hiến”, Phúc nói.
Chàng trai trẻ Phạm Mạnh Hùng, SN 1994, luôn trăn trở trước những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Với mong muốn được sẻ chia với những mảnh đời kém may mắn, anh đã thành lập nhóm Thiện Nguyện A4U Eakar, tỉnh Đắk Lắk và triển khai hàng loạt chương trình thiện nguyện ý nghĩa. Anh đã vận động trao tặng 6 căn nhà nhân ái; hỗ trợ 40 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến trường; tổ chức quyên góp hỗ trợ các bệnh nhân nặng, mai táng cho các hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các chương trình an sinh xã hội với kinh phí hơn 5 tỷ đồng (từ năm 2016 – 2022).
Trần Thị Thu Hương, Phó Trưởng nhóm tình nguyện Niềm tin đã triển khai hàng loạt dự án, chương trình ý nghĩa thiết thực góp phần đổi thay cuộc sống học trò nghèo vùng sâu, vùng xa, giúp các em viết tiếp ước mơ đến trường.
Trong đó, đáng chú ý là Dự án Nuôi Em: hỗ trợ ăn trưa cho hơn 40.000 học sinh bản cao có nguy cơ bỏ học vì chưa được nhận hỗ trợ ăn trưa. Chị đảm nhận vai trò quản lý điều phối thông tin và đối nội Dự Án Nuôi Em 2021 hỗ trợ ăn trưa thành công gần 24.000 bé tại Điện Biên, Cao Bằng, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk chi phí hơn 33 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Dự án Bếp Gas Công nghiệp tặng bản xa nhằm lắp đặt bếp gas công nghiệp cho các điểm trường khó khăn, vùng sâu thuộc dự án nuôi em nhằm nâng cao giá trị sử dụng bền vững và củng cố đời sống cho các thầy cô giáo, mô hình vừa lắp bếp vừa hỗ trợ cả chi phí gas hàng năm. Dự án đã lắp đặt thành công 128 bộ bếp gas cho 105 điểm trường tại Điện Biên trị giá hơn 186 triệu đồng. Năm 2021 Dự Án Được Dạy lắp đặt thành công 6 bộ năng lượng gió mặt trời tăng tổng số lên 35 bộ tại 35 điểm trường tại Điện Biên, Lai Châu trị giá 350 triệu đồng…
Tiền Phong Golf Championship lần thứ sáu - năm 2022 có chương trình “Những trái tim Hồng” và góp kinh phí thực hiện 1 công trình “Không gian đọc sách và sinh hoạt Đội”.
“Những trái tim Hồng” là sự kiện nhằm vinh danh các tổ chức, cá nhân, những đoàn viên, thanh niên có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác tình nguyện hè năm 2022 - một trong những chiến dịch hoạt động xã hội tình nguyện rất ý nghĩa của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, thiết thực chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII.
Ban Tổ chức giải Tiền Phong Golf Championship năm 2022 trao tặng 5 tập thể/nhóm tình nguyện xuất sắc do Trung tâm Tình nguyện Quốc gia trực thuộc T.Ư Đoàn giới thiệu. Mỗi tập thể 20 triệu đồng.