Chuyên gia vật lý trị liệu người Mỹ Virginia Mary Lockett đã sống ở Việt Nam hơn 10 năm nay. Bệnh nhân của bà là những người hoặc bại liệt, hoặc mất khả năng ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc... sau tai nạn, tai biến.
Khi người đàn ông khóc
64 tuổi, bà vẫn rất nhanh nhẹn trong chiếc quần dù, đôi xăng đan và chiếc áo blouse trắng. Bà chỉ nói được vài từ tiếng Việt liên quan tới chuyên ngành nên bên cạnh bao giờ cũng có anh thông dịch viên. Bên góc sân phía sau Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, bà nhẹ nhàng dìu đỡ một người đàn ông đã luống tuổi chập chững tập đi từng bước khó khăn. Bà nói: “20 năm trước, tôi đã không thể làm gì giúp một người đàn ông bại liệt sau tai nạn như thế này”.
Năm 1995, bà sang Việt Nam lần đầu tiên để nhận con nuôi tại Nha Trang. Anh thông dịch viên cho bà thời điểm ấy biết bà là bác sĩ đã mạnh dạn mời bà về nhà thăm khám trường hợp của bố anh ta. Đó là người đàn ông 50 tuổi, từng rất khỏe mạnh nhưng sau tai nạn xe tải bị gãy xương đùi, ông chỉ có thể đi lò cò bằng nạng.
Tai biến ập đến, ông bị liệt phải gắn chặt với chiếc giường. Sau một hồi hỏi han, anh thông dịch viên bế bố mình lên xe lăn, ông bố bật khóc không kìm lại được. “Tôi biết đó là sự vỡ òa của đau đớn, tuyệt vọng và cũng có thể do cơn tai biến khiến ông không làm chủ được cảm xúc. Ông không được mổ đùi từ sớm và mất cơ hội hồi phục. Lúc ấy chỉ còn cách tập vật lý trị liệu, đáng tiếc có quá nhiều trở ngại: không có thiết bị, rào cản ngôn ngữ, thời gian eo hẹp, bất đồng chuyên môn…Tôi bất lực”, bà thở dài nuối tiếc.
Tiếng khóc của người đàn ông ấy ám ảnh bà suốt những năm về sau. Tiếng khóc ấy cũng thôi thúc bà phải lên đường giúp đỡ những người đang vẫy vùng trong tuyệt vọng.
Năm 2005, biết HVO - một tổ chức phi chính phủ của Mỹ tìm kiếm chuyên gia vật lý trị liệu sang Việt Nam, bà đăng ký đi và điểm đến là thành phố Đà Nẵng. Sau 10 năm trở lại, bà ngỡ ngàng vì Việt Nam đã đổi khác rất nhiều. Bà tình nguyện làm việc trong một số cơ sở y tế với công việc chính là tập vật lý trị liệu cho các bệnh nhân sau tai nạn, tai biến.
Tuy nhiên toàn bộ kiến thức, kỹ năng của bà không thể chuyển tải đến các kỹ thuật viên và bệnh nhân do rào cản ngôn ngữ, tác phong làm việc. “Để thay đổi mọi thứ, chúng tôi cần quá trình lâu dài. Trong khi đó thời gian mỗi đợt tình nguyện chỉ có vài tuần, không thể làm gì được. Bằng mọi cách, tôi phải sang ở lại đây để giúp người Việt Nam”, bà quả quyết.
Bán nhà để tới Việt Nam
Làm sao để có thời gian ở lại Việt Nam lâu hơn? Nghỉ việc? Tiền đâu để sống? Bán nhà?...Những câu hỏi chẳng biết tìm đâu câu trả lời đúng đắn dày vò bà hằng đêm. Rồi bà quyết định nói với chồng bà, thật bất ngờ vì ông gật đầu: “Dĩ nhiên, đó là một hành động rất tốt đẹp”. Ông đã quyết lên đường đồng hành cùng vợ vì các con đã tự lập và chất nghệ của một họa sĩ thôi thúc ông đến Việt Nam.
Bức thư bày tỏ dự định của bà gửi tới Đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhận được sự đồng ý, với điều kiện bà phải làm việc với một tổ chức phi chính phủ. “Steady Footstep”, tổ chức phi chính phủ gồm hai thành viên là…hai vợ chồng bà và một thông dịch viên ra đời ngay sau đó. “Steady Footstep nghĩa là bước chân vững vàng. Tôi muốn những người bệnh đầu tiên phải đi được, và sâu xa hơn là mong mỏi tất cả bệnh nhân chiến thắng bệnh tật để vững vàng hơn trong cuộc sống”, bà giãi bày tên của tổ chức.
Năm 2006, cùng với số tiền bán nhà trong tay, hai vợ chồng đáp chuyến bay đến Đà Nẵng. Thời gian đầu, bà làm việc trong một số bệnh viện, tập trung vào hai nhóm bệnh nhân chính là chấn thương sọ não và tai biến mạch máu não. Bốn năm trước, bà quyết định “đầu quân” vào Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng. Tại đây, bà vừa tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân, vừa truyền đạt lại kỹ năng cho các kỹ thuật viên.
“Phương pháp của bà rất sáng tạo, khác hẳn với những gì chúng tôi đã học và làm. Bà tiếp cận bệnh nhân rất kỹ, từ vận động, sinh hoạt tới cảm xúc của họ. Đặc biệt chú trọng các chi tiết nhỏ trên cơ thể như ngón chân, đầu gối, khuỷu tay… để kiểm soát tất cả các vận động rồi mới lượng tính và đưa ra lộ trình tập luyện. Dĩ nhiên không có bài tập nào được áp dụng chung, mỗi người một phương pháp.
Trước nay mỗi lần tập được gói gọn trong 45 phút, tuy nhiên bà phá vỡ quy định đó, tùy thể trạng từng người để gia giảm thời gian cho hiệu quả”, kỹ thuật viên Nguyễn Thị Hiền nói về cô giáo Virginia. Bà còn sáng tạo ra cách thay khăn quấn hông bằng những chiếc đai do bà tự tay may để giữ an toàn cho người tập đi hay buộc bệnh nhân phải mang dép quai hậu để không trượt ngã.
Chị Hiền nói thêm, phương pháp khác biệt của bà đem lại những kết quả không ai ngờ tới. Điển hình là bệnh nhân Võ Thị T., 25 tuổi, sau quá trình tập vật lý trị liệu ở một bệnh viện đã bước được nhưng dáng đi rất khó coi, tay gần như mất khả năng cử động. Người nhà đưa chị tới gặp bà “Tây” với mong muốn tập cho khỏe hơn chứ không kỳ vọng nhiều. Bà Virginia đã miệt mài chỉnh từng bước đi, kiểm soát cơ hông, cơ chân, khớp gối, sửa từng điểm một. “Nếu bà vẫn dùng bài tập đại trà thì có lẽ chị T. sẽ không có tiến triển gì”, kĩ thuật viên Hiền nhận định. Bây giờ, chị T. đã gần như một người mạnh khỏe bình thường.
Theo dõi một buổi tập, chúng tôi thấy được sự tận tâm thực sự ở người phụ nữ này. Ở phía hành lang, thấy một cụ bà di chuyển, bà liền sáp vào lưng, tay cầm đai, từng bước cùng cụ tập đi. Đoạn tới lượt kỹ thuật viên thay phiên, bà thấy bước chân cùng nhịp điệu chưa đúng lần nữa sáp vào “kẹp ba” vừa tập cho người bệnh vừa làm mẫu cho học trò.
Vừa xong, bà quay sang luồn tay vào hông một cụ ông đỡ ông bước về phía trước, tay còn lại giữ vai để thăng bằng. Từng bước từng bước một rất khó khăn quanh khoảng sân làm cả hai khuôn mặt đổ mồ hôi hột. Lúc cụ bước không đúng, bà đứng ra làm mẫu, dùng ngôn ngữ cơ thể để mô tả cho cụ hiểu.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Ánh, Giám đốc bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, bệnh viện đang hướng theo phương pháp của bà Virginia vì nó cho kết quả rất tốt. “Từ khi có sự xuất hiện của bà, bệnh nhân tìm đến tập vật lý trị liệu ngày một đông và phần lớn đều phục hồi ngoài mong đợi. Bệnh viện rất trân trọng những đóng góp và hy sinh thầm lặng của bà”, bác sỹ Ánh nói.
Đất đã hóa quê hương
Mỗi sáng, bà lót dạ trước khi đi làm bằng một hũ sữa chua, trưa một chiếc bánh. Mọi chi tiêu sinh hoạt của bà đều rất tằn tiện bởi những năm đầu bà sống hoàn toàn từ tiền bán nhà. Chỉ vài năm trở lại đây hai vợ chồng mới có lương hưu. “Sức khỏe của người bệnh là nguồn năng lượng cho tôi mỗi ngày”, bà nói.
Trong vô số bệnh nhân được bà vực dậy, anh Nguyễn Văn Cường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) là trường hợp bà nhớ nhất. Anh Cường mất khả năng ngôn ngữ và liệt nửa người sau cơn tai biến nặng, người nhà chuyển anh từ một bệnh viện khác sang Bệnh viện Y học cổ truyền và đặt hết hy vọng vào vị bác sĩ “Tây”.
Bà đã trực tiếp tập đi, tập cử động tay, luyện cho anh ngồi, nằm, lăn, đạp xe suốt nhiều tháng trời. “Rồi kết quả thế nào?”, tôi hỏi. “Hãy hỏi vợ anh ta”, bà cười hồn hậu. Một người đàn ông tưởng chừng suốt đời gắn với chiếc giường nay đạp xe đi dạo chiều chiều và miệng luôn niềm nở chào khách vào quán ăn của mình. Chị Võ Thị Thu đã kể về chồng mình như vậy. Chị xúc động, rằng nếu không gặp bà Virginia, có lẽ giờ này chị vẫn đang loay hoay tắm rửa đổ bô cho chồng.
Khi được hỏi bà đã bao giờ nghĩ sẽ tới một ngày quay về đất nước Mỹ của mình chưa, bà đưa chéo hai tay: “Không! Tôi đã coi Việt Nam là quê hương của mình chứ không phải là quê hương thứ hai nữa rồi”. Hơn 10 năm sang đây, bà chỉ về nước hai lần khi có việc quan trọng và quay trở lại ngay. Mong muốn của bà là được định cư lâu dài để giúp những con người Việt Nam thoát khỏi bệnh tật, đồng hành với họ đến khi nào còn có thể.
Năm 2006, trước khi có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, bà Virginia đã dùng một phần tiền bán nhà của mình mua tặng 3.401 chiếc mũ bảo hiểm cho nhân viên y tế ở Đà Nẵng. Bà đề nghị Sở Y tế ký cam kết bắt buộc các nhân viên phải đội mũ khi đi đường. “Hơn 3.000 con người ra đường, nếu sự không may mắn xảy đến thì biết đâu, những chiếc mũ bảo hiểm sẽ giúp được họ”, bà nói.