70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài cuối: Truyền thống lẫy lừng là sức mạnh phát triển

TP - Vượt qua rất nhiều khó khăn, từ một tỉnh nghèo, Điện Biên đã phát huy các lợi thế riêng có về du lịch, dịch vụ xuất, nhập khẩu, sản xuất và chế biến nông lâm sản, thuỷ điện, khai khoáng… để phát triển, tạo nên những đổi thay toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng tham gia điệu xoè Thái. Ảnh: Minh Khôi

“Một dấu mốc bằng vàng chói lọi”

Tại cuộc gặp mặt, tri ân đầy ý nghĩa và xúc động với các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi nhớ: Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, tiến hành trận quyết chiến quyết thắng Điện Biên Phủ, giành thắng lợi quyết định, đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn. Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt - “Một dấu mốc bằng vàng chói lọi” trong lịch sử dân tộc ta, non sông đất nước ta.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, trong những năm qua, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm và lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa với tinh thần trách nhiệm, tấm lòng trân trọng và sự biết ơn sâu sắc. Chính phủ đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ cụ thể, thiết thực đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, những người có công với cách mạng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên và nghĩa tình, trách nhiệm, tri ân sâu sắc, nhân văn.

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đại biểu nhấn mạnh, Điện Biên được biết đến là mảnh đất anh hùng, giàu truyền thống lịch sử cách mạng, với Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu, cùng với bản sắc văn hóa đặc sắc, đa dạng của các dân tộc anh em. Điều đó khẳng định, Điện Biên hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội, khác biệt để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của vùng Trung du và miền núi phía bắc.

Vượt qua rất nhiều khó khăn, từ một tỉnh nghèo, Điện Biên đã phát huy các lợi thế riêng có về du lịch, dịch vụ xuất, nhập khẩu, sản xuất và chế biến nông lâm sản, thuỷ điện, khai khoáng… để phát triển, tạo nên những đổi thay toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 9,33%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 48,6 triệu đồng/năm. Tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 26%...

Thủ tướng dự gặp mặt, tri ân những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Nhật Bắc

“Đã 70 năm trôi qua nhưng ý nghĩa và bài học lịch sử của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn luôn là động lực mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh to lớn, niềm tin vững chắc cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng đất nước Việt Nam ta ngày càng hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

“Mở đường” cho nhiều chính sách

Tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,51%/năm. Đến năm 2030, GRDP bình quân/người đạt trên 113 triệu đồng, năng suất lao động đạt 190 triệu đồng; giảm tỉ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều xuống còn dưới 8%.

Để đạt các mục tiêu đề ra, Phó Thủ tướng lưu ý, trước hết, Điện Biên cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cho được các dự án hạ tầng quan trọng để liên kết vùng, với các địa phương của Lào, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, giáo dục, y tế, văn hóa, nhằm dẫn dắt thúc đẩy thu hút các dự án có tính động lực, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa và trực tiếp phục vụ các định hướng, nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch tỉnh, cũng như của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Về mục tiêu trở thành trung tâm du lịch của Tiểu vùng Tây Bắc, Phó Thủ tướng đề nghị Điện Biên thu hút các doanh nghiệp du lịch lớn thiết kế sản phẩm đẳng cấp, độc đáo với với “xứ sở hoa ban” như du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào các dân tộc; tăng cường quảng bá thương hiệu và kết nối điểm đến, sản phẩm du lịch giữa các địa phương nhất là Lào Cai, Sơn La và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Đặc biệt, khi Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành, sẽ “mở đường” cho nhiều chính sách về sử dụng đất rừng đa mục đích. Người dân có thể kết hợp trồng rừng với cây dược liệu, phát triển lâm nghiệp đa tầng và khai thác dịch vụ môi trường rừng cho mục đích du lịch... Bên cạnh đó, khi triển khai cam kết các mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng “0” vào năm 2050 sẽ ước tính 90% GDP toàn cầu nằm trong diện phải thực thi.

Đây là cơ hội, sức hút đầu tư mới của Điện Biên, một tỉnh có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, kết hợp với thuỷ điện, thuỷ điện tích năng. Nguồn năng lượng sạch dồi dào có thể giúp Điện Biên còn có thể chuyển đổi số, chuyển đổi xanh với tư duy mới, hình thành hệ sinh thái kinh tế số, các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số.

“Trong rừng có phố, trong phố có rừng”

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Quy hoạch tỉnh Điện Biên là bước khởi đầu thể hiện khát vọng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc đưa Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía bắc; là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng.

Trên cơ sở đó, tỉnh Điện Biên cần tiếp tục cụ thể hóa bằng các quy hoạch kinh tế, kỹ thuật, quan trọng nhất là phát triển mạng lưới đô thị, nông thôn, các đô thị chức năng. Trong đó, nắm vững Nghị quyết 06/NQ-TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, coi đô thị hoá là động lực tăng trưởng, chuyển đổi mô hình, cơ cấu kinh tế, gắn với hệ sinh thái thương mại, dịch vụ, công nghiệp, du lịch… và hành lang kinh tế, giao thông kết nối liên vùng, quốc tế.

“Điện Biên xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư có tên tuổi, uy tín để tư vấn cho các quy hoạch phát triển đô thị, du lịch…vừa có tính hiện đại, vừa gìn giữ những giá trị lịch sử, bản sắc văn hoá, tôn vinh nét đẹp của thiên nhiên, trong rừng có phố, trong phố có rừng. Đồng thời, khắc phục được tồn tại của các đô thị hiện nay như ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, ùn tắc giao thông, quản trị mật độ dân số…”, Phó Thủ tướng lưu ý.