Tuy không được trực tiếp tham gia cuộc hòa đàm song tôi may mắn được đi theo Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh sang Paris ký Hiệp định ngày 27/1/1973, và hơn 1 tháng sau sang dự hội nghị quốc tế ký định ước xác nhận và cam kết tôn trọng Hiệp định.
Khi về nơi ở sau lễ ký Hiệp định, anh em trong đoàn ôm nhau mừng vui khôn xiết. Không vui làm sao được khi một nửa lời dặn của Bác Hồ về “đánh cho Mỹ cút” đã thành hiện thực: Mỹ buộc phải chấp nhận rút hết quân đội của mình và đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam, đồng thời phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam, tạo thuận lợi để hơn hai năm sau quân dân ta hoàn tất phần còn lại trong lời dặn của Bác là “đánh cho ngụy nhào”.
“Để hiện thực hóa khát vọng trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển vào năm 2050, dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Tám thành công, “cái chiêng thực lực” của ta, như Bác Hồ nói, đều trông chờ ở thế hệ trẻ. Hy vọng thế hệ trẻ luôn luôn vận dụng nhuần nhuyễn mối quan hệ giữa “nguyên tắc” và “sách lược” theo tư tưởng của Bác”.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan
Không vui làm sao được khi uy tín và vị thế của Việt Nam được nâng cao chưa từng thấy. Lần đầu tiên trong lịch sử, tại Hội nghị quốc tế tiếp sau lễ ký Hiệp định, hai đoàn miền Bắc và miền Nam nước ta tham gia ngang hàng với ngoại trưởng của cả 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cùng Tổng thư ký của tổ chức lớn nhất hành tinh này. Cũng trong năm ấy thêm 15 nước kiến lập quan hệ ngoại giao với nước ta, trong đó có nhiều nước công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Anh, Pháp, Italia, Đức, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Canada, Australia… Vì thế, năm 2023 này dồn dập các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao với nhiều nước.
Thật không quá lời nếu nói rằng, chuyến bay từ Paris về nước là “con đường đầy cờ hoa”. Sáng hôm diễn ra lễ ký Hiệp định, các con đường dẫn tới Hội trường Kleber ở Paris đầy kín bạn bè quốc tế cùng đông đảo bà con người Việt với cờ đỏ sao vàng và cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên tay hân hoan chào mừng sự kiện lịch sử.
Ở Mátxcơva và Bắc Kinh, bạn tổ chức đại tiệc rất long trọng để chào mừng đoàn ta. Cảm động nhất là khi chuyên cơ lăn bánh trên đường băng sân bay Gia Lâm, chúng tôi thấy rất nhiều bà con, anh chị em tay cầm cờ hoa cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhiều nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước ra đón đoàn. Tết Quý Sửu tưng bừng biết bao, khi không còn tiếng còi báo động rú, nhà nhà không còn phải đi sơ tán.
Bước ra khỏi máy bay, trong tôi bỗng sống lại những hoài niệm về cảnh hoang tàn tại sân bay Gia Lâm khi đoàn đại biểu cấp cao của ta do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh dẫn đầu về nước sau khi dự lễ kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Liên bang Xô Viết. Lúc ấy nhà ga tối om, chiếc máy bay IL-18 còn lại cháy rụi nằm chỏng trơ trên bãi đỗ; đường về thành phố ngổn ngang cây cối, cột đèn đổ gãy sau cuộc tập kích dã man suốt 12 ngày đêm của máy bay B-52 với ý đồ ép ta sửa đổi dự thảo Hiệp định đã được thỏa thuận.
Nhưng âm mưu thâm độc và tàn bạo ấy đã bị đập tan khi 81 máy bay, trong đó có 37 chiếc B-52 đã bị quân dân ta hạ gục trên bầu trời Hà Nội, làm nên chiến thắng lịch sử trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không tương tự quân Pháp đã thất bại thảm hại trong chiến dịch Điện Biên Phủ và buộc phải ký Hiệp định Genève năm 1954.
Nguyên tắc vững chắc, sách lược linh hoạt
Hai sự kiện lịch sử hầu như tương đồng ấy đã làm sáng tỏ thêm lời dạy của Bác Hồ: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”. Giá trị lịch sử của hòa đàm Paris còn thể hiện trong sự vận dụng một cách sáng tạo nhiều ý tưởng sâu sắc khác trong “triết lý ngoại giao Hồ Chí Minh” mà ở đây chỉ xin đề cập ý tưởng lớn của Người là “Nguyên tắc của ta thì vững chắc nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”.
Năm 1965, Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta bằng không quân và hải quân, đồng thời đưa quân vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam. Ngay từ khi phát động chiến tranh đặc biệt, Mỹ đã vấp phải nhiều đòn đau và bị dư luận thế giới, phong trào phản chiến ở ngay nước Mỹ phản đối.
Trong hoàn cảnh ấy, chính quyền Mỹ đưa ra ý tưởng “đàm phán không điều kiện” với hàm ý đàm phán trong khi vẫn tiếp tục ném bom bắn phá miền Bắc. Đáp lại, phía ta kiên quyết bảo vệ nguyên tắc là chỉ “có thể” nói chuyện khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom bắn phá miền Bắc.
Ngày 29/12/1967 tại Nhà khách Chính phủ ở Hà Nội diễn ra cuộc chiêu đãi; trước chiêu đãi, Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh gọi tôi ra một góc dặn chú ý chữ “sẽ” trong câu thay cho chữ “có thể” từng nêu trong tuyên bố 28 tháng Giêng năm đó.
Tại hòa đàm Paris còn nhiều nội dung khác thể hiện tính nguyên tắc và sách lược tinh tế trong ngoại giao. Ngay từ đầu, chúng ta đã kiên quyết yêu cầu đàm phán bốn bên với sự tham gia bình đẳng của đại diện chân chính của nhân dân miền Nam Việt Nam là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (sau là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam).
Bị sốc trước cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu của quân dân miền Nam và sức ép từ phong trào phản chiến trong nước, Mỹ buộc phải chấp nhận yêu cầu của ta, nhưng lại gây ra cuộc tranh cãi dai dẳng về cái bàn đàm phán với hàng chục phương án khác nhau hàm ý coi đoàn “Việt Cộng” là bộ phận của đoàn miền Bắc.
Cuối cùng, Mỹ cũng phải chấp nhận phương án 4 đoàn ngồi ngang nhau xung quanh bàn tròn kèm theo hai bàn chữ nhật nhỏ ở hai điểm đối diện nhau dành cho thư ký. Về thực chất, ta đã thực hiện được sách lược Bác Hồ thể hiện bằng phương châm “hai nhưng là một, một nhưng lại là hai” - nghĩa là tuy hai đoàn nhưng đều chịu sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, còn về bề ngoài, mỗi đoàn cần có cách thể hiện khác nhau.
Đi vào thực chất, trước sau như một, ta kiên quyết yêu cầu quân Mỹ và đồng minh rút hết khỏi miền Nam Việt Nam, còn Mỹ lại đòi bộ đội miền Bắc cũng phải rút khỏi miền Nam - điều mà ta kiên trì bác bỏ theo phương châm “Mỹ rút, ta ở lại”. Về sách lược, ta chưa yêu cầu xóa bỏ ngay chính quyền Sài Gòn - một vấn đề thuộc quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam. Cuối cùng, Mỹ buộc phải chấp thuận yêu cầu của ta.