Theo Ủy ban An toàn Quốc gia, các nội dung phản ánh chủ yếu bao gồm: tình trạng tự ý tăng giá vé xe khách, nhồi nhét và chèn ép hành khách, tăng giá trông giữ xe, không đội mũ bảo hiểm, vi phạm nồng độ cồn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chở quá số người quy định, ùn tắc giao thông, bất cập trong tổ chức giao thông.
“Các ý kiến thắc mắc về quy định giá cước vận tải đều được trả lời trực tiếp tới người dân, những thông tin vi phạm về kinh doanh vận tải được chuyển đến các cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra, xác minh và xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy Ban An toàn giao thông Quốc gia thông tin.
Đánh giá về tình hình ùn tắc giao thông, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, tuy các cơ quan có liên quan đã có phương án tổ chức phân luồng hợp lý và tăng cường lực lượng hướng dẫn giao thông, tuy nhiên vẫn còn xảy ra ùn tắc tại một số trạm thu phí, tuyến đường trục chính ra vào Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; các tuyến đường kết nối đến Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Bến xe Miền Đông, Cảng Cát Lái...
Cùng với đó, tình trạng đi xe môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, uống rượu bia điều khiển phương tiện còn xảy ra khá phổ biến. Lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã tổ chức chốt trực, hướng dẫn phân luồng giao tại các điểm hay xảy ra ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố tại các nút giao thông trọng điểm (các điểm chợ hoa, chợ tết; 15 tuyến quốc lộ, trục chính ra vào thành phố; các địa điểm tâm linh);
Cao điểm 2 ngày trước Tết và sau Tết, các tuyến đường vành đai, đường trục chính ra vào thành phố Hà Nội (Cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình, Vành Đai 3, QL 32, QL 1....) thành phố Hồ Chí Minh (QL1 đi Miền Đông và Miền Tây, Cao tốc TPHCM Trung Lương, TPHCM- LongThành- Dầu Giây, QL 13, 14, 22, 51, các tuyến kết nối cảng hàng không Tân Sơn Nhất, bến xe Miền Đông, Miền Tây) xảy ra ùn tắc cục bộ.
Về tình hình tai nạn giao thông Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy Ban An toàn giao thông Quốc gian thông tin, theo số liệu của Bộ Công an trong 9 ngày nghỉ Tết Kỷ Hợi, toàn quốc xảy ra 276 vụ tai nạn giao thông làm chết 183 người, bị thương 241 người. Trong đó: đường bộ xảy ra 274 vụ tai nạn giao thông làm chết 181 người, bị thương 241 người; đường sắt xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông làm chết 2 người; đường thủy không xảy ra TNGT; xảy ra 02 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trong ngày 08/2/2019: vụ trên QL1A, đoạn qua xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa giữa ô tô khách BKS 98B-022.66 và ô tô con BKS 36B-2286, hậu quả làm 3 người trên xe ô tô con thiệt mạng, 5 người bị thương; vụ tại Km101 +700, QL1A thuộc thôn 15, xã Hương Lạc, huyện Lạng Giang xảy giữa xe ô tô biển kiểm soát 29C-316.95 với xe mô tô 98B2-24437 đi ngược chiều, làm 3 người trên xe mô tô tử vong.
Riêng ngày 10/02/2019 (ngày cuối dùng của kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi) toàn quốc xảy ra 28 vụ, làm chết 22 người, bị thương 19 người, đều là TNGT đường bộ (đường sắt, đường thủy nội địa không xảy ra TNGT). So với Tết Mậu Tuất năm ngoái giảm 46 vụ (giảm 17,7%), giảm 60 người chết (giảm 30,7%), giảm 31 người bị thương (giảm 14,01%).
Tình hình khám, cấp cứu tai nạn giao thông sau 8 ngày nghỉ Tết, tính từ 7 giờ sáng ngày 2/2 đến 7 giờ sáng ngày 9/2/2019, đã có 45.622 ca khám, cấp cứu tai nạn giao thông, chiếm 14,3% trong tổng số khám, cấp cứu trong dịp Tết, trong đó, 16.687 trường hợp phải nằm viện điều trị, theo dõi và 187 trường hợp tử vong tại các bệnh viện (bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện).