Xử lý trạm BOT không triển khai thu phí tự động trước 31/7

TP - Trước việc một số trạm thu phí BOT chưa triển khai thu phí điện tử không dừng (trong đó, riêng Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có tới 4 tuyến cao tốc vẫn chưa có làn ETC), Chính phủ vừa yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị liên quan xử lý xong trước 31/7.

Với chiều dài 245 km, cao tốc Nội Bài - Lào Cai hiện là tuyến cao tốc dài nhất cả nước. Trung bình mỗi ngày tuyến đường này có từ 17.000 đến 20.000 lượt ô tô lưu thông. Mặc dù đã đưa vào vận hành hơn 8 năm nay, tuyến đường lại do một doanh nghiệp nhà nước là VEC xây dựng, quản lý song đến nay các trạm thu phí trên toàn tuyến vẫn “trắng” làn thu phí điện tử không dừng (ETC). Đơn vị chủ quản chưa lắp đặt làn thu phí ETC ngoài việc thể hiện sự chậm trễ trong tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ (từ 31/12/2018 đến nay), còn khiến giao thông trên tuyến thường xuyên ùn tắc kéo dài tại các trạm thu phí.

Ùn tắc kéo dài do xe phải dừng lấy vé trả tiền mặt tại trạm thu phí cao tốc Nội Bài - Lào Cai sáng 18/7 Ảnh: Anh Trọng

Sáng 18/7, không phải là ngày cuối tuần nhưng từ 9h, trạm thu phí KM6 nằm ngay ở đầu vào tuyến cao tốc này (tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã xảy ra ùn tắc kéo dài. Ghi nhận nguyên nhân ùn tắc tại đây, PV Tiền Phong thấy: Tại 4 làn thu phí của trạm chiều Hà Nội - Lào Cai, tất cả xe đi qua đều phải dừng lại lấy vé vào tuyến, trung bình mỗi xe chỉ dừng khoảng 10 giây nhưng đã làm ùn tắc kéo dài hàng trăm mét.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội trưởng Đội 1, Phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, Cục CSGT (làm nhiệm vụ trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai) cho biết, nếu trạm thu phí có làn ETC thì phương tiện đi qua trạm không phải dừng lại sẽ giải quyết cơ bản được ùn tắc. Theo ông Thắng, do lưu lượng đổ dồn về rất đông nên trạm thu phí KM6 thường xuyên xảy ra ùn ứ giao thông vào cuối tuần. Vào các đợt nghỉ lễ, trạm KM6 còn phải xả trạm để giảm ùn tắc.

Ngoài cao tốc Nội Bài - Lào Cai, trong 3 tuyến cao tốc VEC đang quản lý khác là Cầu Giẽ - Ninh Bình; Đà Nẵng - Quảng Ngãi; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây mới chỉ có tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình khai thu phí ETC ở khoảng 30% số làn xe. Hai tuyến còn lại là Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chưa có làn ETC nào. Tại tram thu phí Cao Bồ, trạm cuối của tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, do tại đây chỉ có 1 làn ETC trong khi lượng phương tiện lưu thông đã dán thẻ ETC rất lớn nên cũng thường xảy ra ùn ứ ngay tại làn ETC này, nhất là vào dịp cuối tuần, nghỉ lễ.

Xóa “trắng” làn thu phí không dừng trước 31/7

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, trên cả nước đang có 817 làn thu phí BOT đường bộ cần lắp ETC. Sau hơn 3 năm thực hiện chủ trương của Chính phủ về triển khai thu phí không dừng, đến nay, đã có 676 làn đường lắp ETC, hiện còn 141 làn chưa triển khai ETC. Các làn thu phí chưa triển khai ETC này tập trung chủ yếu ở 4 dự án thu phí BOT do Tổng Cty VEC xây dựng, khai thác.

Đánh giá về việc triển khai thu phí ETC của VEC, ông Thọ cho biết, hiện nay, VEC mới lắp được 15/140 làn ETC cần phải lắp (đạt khoảng 9,7%), thấp hơn nhiều so với bình quân chung cả nước.

Cũng ông Thọ cho biết, cả nước còn 214 làn đường cần phải lắp đặt thu phí không dừng trên cả nước trong thời gian tới. Các làn thu phí này tập trung tại 48 trạm thu phí BOT. Trong đó, Bộ GTVT cần triển khai lắp đặt tại 38 làn. Các địa phương cần lắp đặt 36 làn. VEC cần lắp đặt thiết bị tại 140 làn.

Ông Lê Đình Thọ cho biết, tiến độ không thể lùi được nữa và theo chỉ đạo của Bộ GTVT, đến 31/7/2022 toàn bộ làn đường tại các trạm thu phí trên sẽ được lắp đặt ETC. Với các trạm cần thiết phải duy trì làn thu phí hỗn hợp (thu tiền mặt), Bộ GTVT cũng có chủ trương chỉ duy trì 1 làn duy nhất.

Cho ý kiến về tiến độ triển khai các trạm thu phí ETC trên các tuyến cao tốc đơn vị đang quản lý, khai thác, ông Phạm Hồng Quang, Tổng Giám đốc Tổng Cty VEC cho biết, qua đấu thầu, Tổng Cty đã chọn được đơn vị cung cấp dịch vụ ETC trên hệ thống trạm thu phí tại 4 tuyến cao tốc của VEC. Hiện tại, tiến độ lắp đặt các làn ETC đang được nhà thầu khẩn trương triển khai, hoàn thành vượt tiến độ Bộ GTVT giao (1/8).

Cụ thể, ông Quang cho biết, tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình hoàn thành lắp đặt ETC và đưa vào sử dụng ngày 20/7; tuyến Nội Bài - Lào Cai dự kiến sử dụng vào 28/7, tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi ngày 28/7, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây ngày 26/7.

Có nên tính lãi tiền nộp vào tài khoản ETC?

Tính đến tháng 7/2022, số lượng xe dán thẻ thanh toán điện tử không dừng ETC đã là 3,2 triệu xe, chiếm 71% tổng lượng ô tô trên cả nước (4,5 triệu xe). Theo ông Nguyễn Văn Quyền, chỉ cần mỗi xe nộp ít nhất 100 nghìn đồng trong tài khoản thì số tiền được nộp vào tài khoản ETC của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sẽ là 320 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ phương tiện nộp tiền vào tài khoản ETC nhưng không hề được tính lãi suất, trong khi đó nếu người dân để tiền trong tài khoản ATM của ngân hàng đều được tính lãi suất từ 0,5% -2%/năm. Nghĩa là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ETC đang huy động được nguồn vốn rất lớn từ các chủ xe mà không phải trả một đồng tiền lãi nào.

số