Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, trong khoảng 1 tuần qua, có gần 3.000ha lúa hè thu bị thiệt hại, theo nhiều mức độ.
Hơn 1ha lúa hè thu của ông Hứa Văn Nhánh (ấp 5, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) bị ngập trong nước nhiều ngày qua.
Lúa hè thu bị thiệt hại đang vào độ thu hoạch.
Theo bà con nông dân, trong điều kiện bình thường, năng suất lúa ở đây không dưới 700kg/công (1.300m2), nhưng với tình cảnh này, may ra chỉ hy vọng đạt 400kg/công để khỏi trắng tay.
Người trồng lúa còn phải chịu gánh nặng khác khi bước vào thu hoạch. Trong điều kiện lúa đứng, giá thuê máy cắt dao động từ 320.000-350.000 đồng/công. Nhưng lúa bị đổ ngã, nằm trong nước, giá thuê phải từ 400.000 đồng/công trở lên (tùy theo mức độ đổ ngã của lúa). Mặt khác, nông dân đã nhận tiền cọc trước của “cò lúa” với giá 6.200 đồng/kg, nhưng đến thời điểm cân lúa phải thương lượng lại và thường sẽ thấp hơn.
Bên cạnh lúa hè thu, nhiều nông dân mới xuống giống lúa thu đông cũng đứng ngồi không yên vì mưa dầm.
Đã có hơn 1.100ha lúa thu đông mới xuống giống bị ngập úng, thiệt hại. Ngoài ra, nông dân đang chủ động bơm nước thoát úng cho lúa giai đoạn mạ.
Theo ông Ngô Minh Long - Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, tình hình mưa bão sẽ còn diễn biến phức tạp, Sở đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp chặt và chỉ đạo các trạm địa phương tăng cường công tác thăm đồng, kịp thời ghi nhận và theo dõi báo cáo tình hình thiệt hại hàng ngày.
Bên cạnh đó, vận động nông dân khai thông dòng chảy, tích cực bơm thoát nước chống ngập úng cho lúa và các loại cây trồng khác nhằm giảm thiệt hại…
Ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị các ngành chức năng và địa phương nhanh chóng, kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục các sự cố do bão số 1 gây ra, nhất là tình hình giông lốc gây sập và tốc mái dân dân.
Các địa phương trong tỉnh sớm rà soát, thống kê và báo cáo kịp thời với Sở NN&PTNT tỉnh về tình hình thiệt hại để sở sớm báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét hỗ trợ thiệt hại cho người dân.
Cảnh Kỳ