Tua nhỏ, tuyến độc
Trong thời gian giãn cách xã hội, chị Đào Thị Hà (ngụ Q.3, TPHCM) vẫn lên kế hoạch đưa cả gia đình đi du lịch sau khi dịch được kiểm soát. “Trước đây tôi thường rủ nhiều gia đình cùng đi, nhưng giờ chọn cách riêng lẻ từng nhóm khoảng 10 người do lo ngại dịch bệnh COVID-19. Trong đó, ưu tiên các tuyến tại thành phố, đi về trong ngày”, chị Hà nói. Đặc biệt, chị hướng đến tua trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tua này chiều tối ngắm hoàng hôn và về đêm ngắm bầu trời, ngắm cảnh hai bên kênh rất nên thơ.
Trong khi đó, chị Bích Thủy lại muốn thuê xe tự lái để gia đình cùng đi du lịch sau khi hết dịch. “Các công ty đều bố trí nhân viên đón khách và hướng dẫn tham quan các danh thắng khách hàng đặt trước. Mình sẽ đi tự túc, chỉ cần thuê nhân viên hướng dẫn tại nơi mình đến. Như vậy có thể tận dụng thời gian đi nhiều nơi, đồng thời yên tâm phòng dịch COVID-19 vì tua ít người”, chị Thủy chia sẻ.
Theo tìm hiểu, nhiều công ty du lịch có định hướng tập trung vào các tuyến ngắn ngày, tuyến nội ô trong thành phố, tổ chức các nhóm nhỏ… hậu dịch COVID-19. Ông Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng phòng truyền thông, Công ty CP Dịch vụ Du lịch và Thương mại TST (Q.3, TPHCM) cho biết: “Xu hướng du khách theo nhóm gia đình hoặc vài người bạn đang rất được quan tâm. Đặc biệt, du khách đi theo nhóm nhỏ thường tìm và chọn lọc điểm ít người đến, xa trung tâm, có không gian xanh thoáng và biệt lập nhưng chất lượng dịch vụ phải cao cấp. TST cũng có nhiều kế hoạch trong thời gian tới như tổ chức một số tuyến mới vòng quanh Thành phố Thủ Đức để khách tham quan thành phố mới, đi về trong ngày”.
Bên cạnh đó, một số sản phẩm du lịch mới được nhiều người lựa chọn trong mùa dịch như đến những nơi yên tĩnh để thiền nhằm tăng cường sức khoẻ; hoặc thay vì làm việc ở nhà, mọi người có thể đến các điểm nghỉ dưỡng để hoàn thành công việc. Đại diện Công ty du lịch TransViet Travel (Q.3, TPHCM) nhìn nhận, đã có những doanh nghiệp khá nhanh nhạy khi tung ra sản phẩm du lịch “tránh dịch”. Đó cũng là xu hướng của thế giới, khi mà các khách sạn vắng khách thì có thể kết hợp với doanh nghiệp lữ hành làm các gói sản phẩm phù hợp hơn.
Xu hướng du lịch trong năm 2021 do Công ty Outbox Consulting (Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn và quản lý điểm đến) vừa công bố cho thấy, du lịch theo nhóm nhỏ được doanh nghiệp lữ hành khai thác nhằm thích ứng với bối cảnh hiện tại trong dịch COVID-19 sẽ là một trong những trào lưu nổi bật của năm nay. Theo đó, từ một tua thông thường có đến 20-30 khách, du lịch 2021 sẽ có quy mô nhỏ hơn nhằm hạn chế rủi ro lây lan dịch bệnh.
Các chuyên gia nghiên cứu của Outbox Consulting nhận định, xu hướng đi tua theo nhóm nhỏ sẽ thúc đẩy những đại lý du lịch sáng tạo hơn trong việc thiết kế hành trình. Các đại lý du lịch có thể cân nhắc việc thay điểm đến đông đúc bằng những địa điểm tham quan xa hơn, vắng vẻ hơn hoặc tổ chức tua ngách như tua đi xe đạp, tua leo núi - nơi du khách ít có khả năng tiếp xúc với người khác.
Cần “bệ đỡ” vượt bão
Ứng dụng công nghệ số cũng là “đòn bẩy” giúp doanh nghiệp du lịch tìm kiếm khách hàng. Theo đó, khách không phải đến công ty du lịch mà chỉ bằng chiếc điện thoại di động thông minh sử dụng các ứng dụng số, họ có thể thực hiện một loạt các hoạt động từ việc lên kế hoạch cho chuyến đi, lựa chọn phương tiện di chuyển, đơn vị lữ hành đến đặt phòng khách sạn và nhận ưu đãi sau chuyến đi...
Theo đại diện Công ty du lịch thám hiểm Phong Nha Explorer, trang web của công ty này cho phép du khách có thể đặt dịch vụ khách sạn, di chuyển, ăn uống nhờ các công cụ được tích hợp sẵn. Trong những năm qua, Phong Nha Explorer thấy được tầm quan trọng của công nghệ và chuyển đổi số. Nhờ chuyển đổi số, Phong Nha Explorer đã giảm bớt nhân công, bên cạnh đó khách trên mọi miền đất nước và thế giới đến với công ty thông qua trang web rất nhiều.
Theo ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, việc áp dụng các ứng dụng công nghệ số tiên tiến sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ khách hàng. Cá nhân hóa các gói dịch vụ và ưu đãi dựa trên sở thích của khách hàng tốt hơn; đồng thời tiết giảm chi phí, tối đa hóa lợi nhuận, giúp tương tác, chăm sóc khách hàng trực tiếp và từ xa... Chuyển đổi số không chỉ về mặt công nghệ, mà còn là chuyển đổi cả cách quản lý, phương thức tiếp cận, xúc tiến, quảng bá.
Hiệp hội Du lịch TPHCM cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, du lịch và hàng không là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề. Mọi hoạt động gần như tê liệt, nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động, không có doanh thu nhưng vẫn phải chịu áp lực trả lương người lao động (mặc dù đã cắt giảm và cơ cấu lại nhân sự), trả lãi vay, hoàn tiền khách hàng với các chi phí đã đặt trước… Mặc dù trước đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ban hành một số thông tư hỗ trợ doanh nhiệp (cơ cấu lại thời hạn trả, miễn, giảm lãi, phí…) nhưng hiện tại nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn chưa phục hồi hoạt động.
Do vậy, Hiệp hội Du lịch TPHCM kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ VH-TT-DL, Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, UBND TPHCM, Sở Du lịch TPHCM nghiên cứu, sớm có chính sách đặc thù về thời hạn trả nợ, lãi vay cho lĩnh vực du lịch. Cụ thể như sau: Giảm mức lãi suất vay đang áp dụng; không áp dụng chuyển nhóm nợ; ân hạn gốc và lãi toàn bộ dư nợ hiện hữu; cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ…
Ngoài ra, ngành du lịch TPHCM cũng đề nghị UBND TPHCM trình HĐND TP chính sách hỗ trợ cho các điểm tham quan du lịch, nhóm bảo tàng, khu di tích là đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và hỗ trợ kích cầu du lịch TPHCM năm 2021 sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Cụ thể, miễn phí vào 5 điểm tham quan cho khách du lịch vào mùa du lịch cuối năm (từ tháng 8/2021 đến hết năm 2021) tại các địa điểm tham quan là đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố (Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh; Bảo tàng Lịch sử Thành phố; Bảo tàng Thành phố; Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố; Khu di tích Lịch sử địa đạo Củ Chi).