Xem độc diễn hài những chuỗi cười đắt giá Mỹ

TP - “Nghệ thuật thường nguy hiểm. Một phần sức hấp dẫn của nó là đây: một khi nghệ thuật hết nguy hiểm thì bạn chẳng còn muốn nó nữa”- danh hài ăn khách nhất nước Mỹ 2022 Dave Chappelle dẫn lời nghệ sĩ nhạc jazz Duke Ellington, tại trường nghệ thuật mang tên ông ở Washington DC. Chappelle từng học trường này để theo đuổi nghề tấu hài; 30 năm sau tên anh được đặt cho nhà hát của trường. Muộn còn hơn không, tôi chọn xem Chappelle cho mùa lễ năm nay.
Poster quảng cáo chuyến lưu diễn của hai danh hài Dave Chappelle và Chris Rock mùa lễ năm nay

KỸ NGHỆ HỐT BẠC

Muộn thật, dạo gần đây tôi mới dần thích xem tấu hài Mỹ. Không như thưởng thức truyện tranh, phim hoạt hình hay hài kịch cần hiểu biết ngôn ngữ và văn hóa sâu rộng và thời gian sinh sống đủ lâu để hiểu được và cười được trước những câu pha trò tưởng như đầu Ngô mình Sở trong các màn stand-up comedy. Có thể nói độc diễn tấu hài đặc chất Mỹ, như môn bóng bầu dục vậy. Song không chỉ thịnh hành ở Mỹ như bóng bầu dục, tấu hài Mỹ có khán giả khắp Á Âu, nhất là những nước nói tiếng Anh; dù họ vẫn coi nó là thứ nghệ thuật mua vui kỳ cục, không bài bản cũng không ngẫu hứng. Có vẻ bạ đâu nói đó, không có chủ kiến rõ ràng.

Charles Dickens tiên sinh từng cho rằng người Mỹ thiếu óc hài hước. Ông viết năm 1868: “Tôi thấy tính cách họ khá nhàm chán và tẻ nhạt”. Tác phẩm trào phúng của Augustus Baldwin Longstreet hay Mark Twain thường là những câu chuyện tỉnh lẻ dí dỏm nhưng lê thê, có phần ngây ngô so với những biếm họa cay độc sắc nhọn của họa sĩ Pháp Honoré Daumier hay những truyện tranh thâm thúy quý tộc Anh- tiền thân của phim hoạt hình hài thời nay. Song từ cuối thế kỷ 19 tới đầu thế kỷ 20 mọi chuyện thay đổi hẳn khi người Mỹ tạo ra sân khấu tạp kỹ tấu hài- món ăn tinh thần hấp dẫn mọi giới trong và ngoài xã hội Mỹ hiện đại.

Giá mấy năm COVID tôi tìm xem tấu hài Mỹ thì hẳn đời đã thanh thản hơn- như chủ đề một đặc phẩm (Special) của Dave Chappelle năm 2017, “e-qua-nim-i-ty and bird revelation” (tạm dịch “nơi bình yên chim vỗ cánh”). Lúc đó Chappelle mới trở lại sân khấu hài sau 10 năm bặt tăm. Năm 2006 anh bỏ dở loạt show diễn mang tên mình trị giá 50 triệu đô la, có lẽ vì không chịu nổi áp lực dư luận chỉ trích gay gắt những phát ngôn gây tranh cãi. Show “bình yên” bắt đầu bằng bản balad sâu lắng Giết tôi dịu dàng được tiếp nối bởi những lời lẽ thô tục cố hữu, châm chọc xóc óc mọi nan đề từ phân biệt chủng tộc đến kỳ thị giới tính.

Xưa Charlie Case (1858-1916) được coi là ông tổ tấu hài Mỹ, vì khẩu nghiệp sinh trầm cảm rồi tự tử. Nay hậu duệ Dave Chappelle thoải mái tự tin hơn hẳn, dù không kém phần duyên dáng và cay đắng: “Có thể sau hôm nay tôi sẽ tạm nghỉ, để ‘làm cho nước Mỹ chờ đợi lần nữa’ (‘make America wait again’, nhái câu ‘make America great again’ – ‘làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại’). Dù gay gắt hiểm hóc đến độ nhưng từng lời anh thốt ra khán giả đều không nhịn được cười. Người ta sẵn sàng trả bộn tiền mua vé để được cười. Hợp đồng giữa Chappelle với Netflix trị giá 60 triệu đô la. “Nụ cười đáng giá ngàn vàng” là thế.

Cả tháng cuối năm qua Dave Chappelle lưu diễn chung với bạn thân Chris Rock tại 7 thành phố bờ Tây nước Mỹ; có hai show ngay gần nhà tôi. Ghế hạng bét cũng dăm bảy chục, ghế đẹp ngồi hò hét trực diện diễn giả có thể lên tới gần bốn ngàn đô la, vậy mà vẫn cháy vé. Tôi phần chưa đủ ghiền đủ sức tham gia, phần e ngại tai nạn đám đông nên sẽ chờ các đặc phẩm Netfix, hoặc xem những nghệ sĩ hài hạng hai ở nơi an toàn hơn, như trong nhà hát đại du thuyền (đại du thuyền Mỹ thường có các màn tấu hài). Chỉ cần tìm kiếm trên trang nhà Netflix từ khóa “Comedy” là ra loạt đặc phẩm tấu hài của những Bill Burr, Kevin Hart, Taylor Tomlinson, Eddie Murphy, Jim Gaffigan hay Chris Rock.

NGƯỜI MỸ NGÀY CÀNG YẾU ỚT NHẠY CẢM?

Dave Chappelle hay tìm cách bảo vệ những câu pha trò “xúc phạm” có thể gây tổn thương, rằng “những lời bạn nói thể nào cũng làm ai đó bực bội, tức tối hay thù hận”. “Chẳng lẽ lúc nào tôi cũng phải xin lỗi hay sao? Đây là nghệ thuật trình diễn cơ mà!”. Lối trình diễn của Chappelle khá bộc trực, tuy vậy tôi không ưa mấy chuyện anh không ngừng chửi thề, dùng từ thô tục hay tiếng lóng. Hơn nữa còn không ngại đưa các nhân vật khả kính như Barack Obama, Mike Pence hay Morgan Freeman vào các mẩu chuyện cười hư cấu. Thả lỏng hay dễ dãi? Ranh giới thật quá mỏng manh.

Trong hai đặc phẩm hài mới nhất trên Netflix, Sticks and Stones – “Gậy và đá” và The Closer - Đoạn kết, anh can đảm khuấy động những vấn đề gai góc nhất trong xã hội Mỹ. Quyền phá thai của phụ nữ: “các ông đeo của quí thì đừng có đụng vào chuyện của họ”; nghĩa vụ nuôi con của đàn ông: “các bà muốn tự ý sinh con thì đừng bắt chúng tôi cấp dưỡng, còn nếu muốn được cấp dưỡng thì phải theo ý chúng tôi “tiền tôi tôi có quyền”; rồi nạn xả súng trường học, tệ kỳ thị chủng tộc, phân biệt giai cấp, và phong trào LGBTQ… Khán giả hâm mộ thường chỉ biết cười tán thưởng những thông điệp sắc sảo và hài hước của Chappelle. Sau đó những phản đối công kích mới nổi lên, phần nhiều trên báo chí.

Tuy vậy nhiều người trong cộng đồng LGBTQ quy kết Chappelle kỳ thị và chống lại họ, dù anh tự nhận mình ủng hộ quyền tự do của họ được sống làm việc vui chơi bình đẳng như bảo vệ quyền của chính anh, rằng anh châm chọc họ như châm chọc chính mình và thành viên các cộng đồng khác. Chappelle có nhiều bạn thân LGBTQ, anh còn đùa họ “đã lấy 20% bảng chữ cái để dành riêng cho họ”, trong số này phải kể tới Anderson Cooper, nhà báo đồng tính nam của CNN và Daphne Dorman, nghệ sĩ hài chuyển giới nữ. Thông điệp của Chappelle- không ai có đặc quyền được bảo vệ hơn ai, không ai là nạn nhân của ai- không hẳn được cộng đồng này chấp nhận. Do quan hệ thân thiết với Chappelle mà Dorman bị cộng đồng chuyển giới (T) xa lánh thù ghét, cuối cùng tự tử.

Dave Chappelle trong một show Netflix

Dùng nghệ thuật để bảo vệ chính kiến và lựa chọn bản sắc ngay trong một xã hội đề cao tự do cá nhân vẫn thật nguy hiểm và đắt giá. Mạnh mẽ như Dave Chappelle hay Kevin Hart may ra vượt qua những cơn sóng dữ. Nhờ có gia đình Daphne Dorman ủng hộ mà Chappelle tránh được rắc rối và chỉ trích từ cộng đồng T sau vụ tự tử của Dorman. Năm 2020 Hart được chọn dẫn chương trình Oscar, lập tức vấp phải sự phản đối dữ dội từ cộng đồng gay (G) vì trong một show hài trước đó cả thập kỷ, anh dám đùa rằng nếu con trai anh có cử chỉ của một người đồng tính (gay) thì anh sẽ đập thẳng cái nhà búp bê lên đầu nó. Ủy ban trao giải Oscar yêu cầu Hart xin lỗi những người đồng tính, tự nhận bị tổn thương sau show hài xa xưa đó, nhưng anh không chịu vì không cảm thấy có lỗi với họ, rồi quyết định rút lui khỏi lễ trao giải Oscar.

Nhắc lại sự kiện này, Dave Chappelle cho rằng cộng đồng gay và nhiều cộng đồng khác giờ đây quá yếu ớt, không thể và không muốn tự bảo vệ mình. Tới nỗi bị tổn thương bởi một câu chuyện đùa. “Nếu trong bộ dạng da đen như tôi là một tâm hồn Á châu, thì chẳng lẽ ngày nào tôi cũng phải nhe răng rêu rao rằng tôi là người châu Á đây, mọi người không được cười tôi, mọi người phải thương xót bảo vệ tôi?!”. “Thực ra tôi giàu và nổi tiếng cơ mà, tôi đâu cần ai giúp đỡ ủng hộ!”, Chappelle tự trào. Khán phòng rộ lên tiếng cười nhưng không ít người giận dữ.

Ông tổ tấu hài Mỹ Charlie Case

VĂN HÓA TẨY CHAY

Các show hài Mỹ gần đây hầu hết đều phản ánh thực trạng nực cười: độ nhạy cảm phi lý trước thái độ lời nói hành động của người khác. Lòng trắc ẩn với tha nhân vì thế càng sa sút; con người trở nên vô cảm hơn, không ngần ngại thóa mạ hoặc thậm chí tẩy chay những ai làm họ phật lòng. Cái gọi là văn hóa tẩy chay (cancel culture) đã lan tỏa mạnh tới cả giới truyền thông, khiến không ít kẻ lỡ đưa ra chính kiến đụng chạm trở nên khốn đốn. Ở những vùng có tư tưởng cấp tiến như thành phố Berkeley xinh đẹp, nơi có đại học UC Berkeley nổi tiếng, dùng những từ như cô ấy (she), anh ấy (he) phải hết sức thận trọng, tốt nhất là dùng từ họ (they) trung tính để gọi một ai đó, vì không rõ người đó tự coi mình là nữ, nam, đồng tính hay vô tính.

Nhiều người khác lại nghĩ rằng ai muốn gì mặc ai, song không nên bắt người khác xưng hô theo ý mình. Nếu những quy định kiểu này có hiệu lực luật pháp, ít nhất với các văn bản chính phủ tiểu bang (California) thì quả là thay đổi lớn. Ngay Dave Chapppelle cũng chỉ dám nhắc vấn đề tế nhị này trong những show hài của anh- nơi khán giả không được thu âm hay chụp ảnh. “Twitter với tôi như bức tường nhà vệ sinh, tội gì tôi phải viết lên đó”. Song không phải ai cũng cẩn trọng như anh. JK Rowling, tác giả bộ sách Harry Porter có lần “tweet” lại trên Twitter ý kiến của một nữ kế toán bị mất việc vì tin vào sự tồn tại của “giới tính sinh học”, rồi lại trót like một nhân vật trong phong trào nữ quyền khác, thế là một số người trong cộng đồng chuyển giới (T) nổi giận và gọi bà là nhà đấu tranh nữ quyền chống chuyển giới cực đoan (TERF). Ngay cả các diễn viên như Daniel Radcliffe (Harry Porter) hay Emma Watson (Hermion Granger) cũng lên tiếng đáp trả các bình luận của bà và đề nghị người hâm mộ tách sách và phim ra khỏi quan điểm cá nhân của JK Rowling.

Diễu hành của phong trào LGBTQ ở San Francisco 6/2022

Rowling buộc phải viết một bài luận khá dài diễn giải rằng sự quan tâm của mình mang tính chuyên môn, học thuật trong xây dựng tính cách nhân vật và không nhằm công kích cộng đồng chuyển giới, rằng “tôi thông cảm với những phụ nữ không tới Marks & Spencer (cửa hàng bách hóa của Anh) nữa vì nhà vệ sinh nữ cho phép người chuyển giới vào dùng”. Bài luận nhã nhặn từ tốn nhưng không giấu nổi nỗi sợ mơ hồ. Sự việc dù sao cũng đáng tiếc; đời nếu không ai phải sợ ai, chỉ có yêu thương tôn trọng thì tốt biết mấy.

Trở lại nước Mỹ, tẩy chay tập thể đôi khi chỉ đúng đối với những hành động vô liêm sỉ, chẳng hạn như của ca sĩ nhạc rap DaBaby. Trong một show diễn mùa thu 2021, DaBaby ăn nói tục tĩu, gọi người đồng tính da đen là dơ bẩn và mắc bệnh AIDS. Sau đó anh đăng lời xin lỗi công khai rồi lại xóa đi, khiến dư luận càng giận dữ hơn. Tẩy chay trong trường hợp này xem ra đích đáng.

“Các bạn càng yêu cầu tôi không được nói điều gì, thì tôi càng thấy thôi thúc phải nói ra điều đó. Không hề dính dáng đến những gì các bạn bảo tôi không được nói. Tất cả chỉ liên quan tới quyền và tự do của tôi trong những phát ngôn có tính nghệ thuật, và điều này đáng giá với tôi”.

Dave Chappelle nói với học sinh trường Trung học Nghệ thuật Duke Ellington 4/2022, những người bất đồng với nhiều quan điểm của anh

ĐỪNG ĐÁNH MẤT NỤ CƯỜI

Văn hóa tẩy chay mang nhiều năng lượng độc hại, may các nghệ sĩ hài hóa giải phần nào nhờ ảnh hưởng của họ trước đám đông. Trong một show diễn ở Detroit, Dave Chappelle phán sắc ngọt về văn hóa tẩy chay: “Mọi chuyện có vẻ khôi hài lắm đấy, cho đến khi người ta tẩy chay chính bạn” (kiểu “cười người chớ cười lâu”). Nếu trong mọi chuyện mà biết đối xử thiện chí với nhau, đời sẽ an hòa hơn. Dù vậy anh vẫn chỉ ra tác hại nghiêm trọng từ phát ngôn cay nghiệt của DaBaby: “Không thể nào làm được chuyện đó: giáng bệnh AIDS thẳng vào người đồng tính như vậy!”. Rồi anh lại nhỏ nhẹ đàm phán với cộng đồng LGBTQ, mong họ tha cho DaBaby. Riêng với nữ sĩ JK Rowling thì anh bênh thẳng thắn: “Giới tính là có thực. Ai thì cũng phải lọt lòng một phụ nữ để chào đời”. Giữa mớ bòng bong hỉ nộ ái ố, một câu pha trò cũng đủ làm mọi chuyện nhẹ hơn. Thử hỏi vì sao người ta chịu mua vé để xem một người cầm micro thốt ra chỉ vài câu hài hước thâm nho, rồi tất cả cùng cười ngặt nghẽo? Tài năng đích thực bao giờ cũng có hấp lực đơn giản nhưng nguy hiểm.

Đi xem danh hài diễn show lớn dễ đụng chuyện bất ngờ. Vụ Chris Rock bị Will Smith táng thẳng mặt trong đêm Oscar 2022 hẳn chưa ai quên. Chỉ vài tháng sau, trên sân khấu Hollywood Bowl cũng gần nhà tôi, lại chính Dave Chappelle tài giỏi hoạt ngôn bị một khán giả quá khích lao lên hòng đả thương, may cảnh vệ chặn được. Chris Rock nghe tin dữ liền hỏi bạn: “Này không phải tay Will Smith đấy chứ” (!)

Vụ hai danh hài gặp hạn vừa qua, nói chữ thì bảo “nghệ thuật nguy hiểm”, “sinh nghề tử nghiệp” còn nói nôm – “vạ miệng”.

Thật may là những show hài của Dave Chappelle không bị loại bỏ khi nhiều nhân viên Netflix tẩy chay. Theo tạp chí The New Yorker: “Tẩy chay chính là một thử thách, phải có nội lực mới vượt qua được”. Các bảng xếp hạng danh hài khó tính nhất, kể cả của The Rolling Stones đều có tên Dave Chappelle trong top 10. Anh được xếp trên Eddie Murphy và cả Robin Williams. Từng cái nhếch môi của anh đều hài thật hài. Chappelle thiên tả nhưng khá trung dung nên thường thuyết phục được khán giả cả bảo thủ và cấp tiến, mọi khác biệt đều được khỏa lấp bởi lối pha trò thông minh hóm hỉnh. Chắc anh không bao giờ được mời dẫn Oscar như Jimmy Kimmel vì luôn bàn tới những vấn đề gây tranh cãi. Chappelle có lẽ chỉ hợp với những sân khấu hài đầy ắp tiếng cười.

Còn tôi, năm nay thấy mình gắn bó với nước Mỹ hơn một chút, nhờ đã biết thưởng thức các show hài. Ngài Charles Dickens sống dậy chắc sẽ không thấy người Mỹ quá tẻ nhạt nữa.

Liệu Chappelle có đúng khi cho rằng nghệ sĩ hài cần có “kim bài miễn tử” và được quyền chọc cười tất cả, không từ một ai hay nhóm người nào? Chappelle cho rằng mình bị công kích bởi những người nhạy cảm quá đáng, tự ti và tự coi mình là nạn nhân- có đặc quyền được bảo vệ hơn những thành viên cộng đồng khác.

Độc tấu hài Mỹ quả rất đặc biệt: một người đứng trước ngàn gương mặt rạng rỡ cười để chia sẻ niềm vui với họ. Nghệ sĩ độc diễn chỉ có một và một lựa chọn – làm cho đám đông cất tiếng cười không thôi. Dù chủ đề các show của Dave Chappelle và các danh hài khác có gay cấn đến đâu thì mọi khác biệt, chia rẽ, nhạy cảm, sợ hãi đều được xóa tan bởi những tiếng cười ấy, dọn đường cho một năm mới bình an. Khi tiếng cười tạm ngưng, Dave Chappelle thì thầm rất duyên: “Nếu tôi sai thì có thể chúng ta đều sai. Mọi người cứ nói nước Mỹ đang chia rẽ sâu sắc nhưng tôi đâu thấy thế. Chúng ta đã biết nhìn nhau và nói với nhau nhiều hơn. Quan trọng nhất là đừng bao giờ đánh mất nụ cười, rồi niềm vui và mọi điều tốt lành sẽ tới”.