Theo Luật Đầu tư công có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, việc đầu tư xây dựng trụ sở hoặc khu hành chính tập trung của địa phương đòi hỏi các điều kiện rất khắt khe, phải đảm bảo được Hội đồng nhân dân thông qua và ý kiến thẩm định của các cơ quan chuyên môn. Riêng đối với dự án nhóm A (ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, hoặc lĩnh vực kinh tế quan trọng) phải được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư và Hội đồng thẩm định liên ngành do Bộ KH-ĐT chủ trì cùng các bộ chuyên ngành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Theo ông Hải, theo quy định của Luật NSNN, việc xây dựng trụ sở của các địa phương thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương do ngân sách địa phương đảm bảo. Ngày 14/9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, trụ sở của các cấp chính quyền địa phương thuộc đối tượng sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Việc đề xuất và phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm cả phân bổ vốn đầu tư xây dựng trụ sở từ ngân sách địa phương) thực hiện theo Luật Đầu tư công, kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và phải phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương;…
“Trong bối cảnh ngân sách khó khăn hiện nay, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương rà soát, cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, cấp bách; không bổ sung các đề án, chương trình, ban hành chính sách mới hoặc nâng định mức làm tăng chi ngân sách nhà nước khi chưa có nguồn đảm bảo”, ông Hải nói.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết, trong kế hoạch ngân sách giai đoạn 2016-2020, việc chi xây dựng trụ sở mới các địa phương phải được xem xét căn cứ vào chiến lược, kế hoạch tổng thể nêu trên, căn cứ khả năng cân đối của ngân sách địa phương và khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư trong xã hội theo quy định của pháp luật.