Xây dựng 'luồng xanh', tiêm chủng lái xe

TP - Bộ GTVT công bố các “luồng xanh” hàng hóa quốc gia, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển theo nguyên tắc giảm thiểu thủ tục, nhanh nhất, thuận lợi nhất. Ðồng thời thống kê toàn bộ lái xe đường dài, tập trung tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho đối tượng này.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tầm soát để truy vết các F0 trong cộng đồng ở TPHCM

Sáng 15/7, chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với 27 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tận dụng tối đa những “giờ vàng, ngày vàng, tuần vàng” khi đang thực hiện cách ly, quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa để dập dịch nhanh nhất có thể, mang lại cuộc sống bình thường, bình yên cho nhân dân.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình dịch tại TPHCM và một số tỉnh miền Nam đang có diễn biến phức tạp với số ca mắc liên tục tăng. Do dịch bệnh đã lây lan rộng trên địa bàn, nhiều ổ dịch xảy ra tại các khu chợ đầu mối, khu công nghiệp, khu dân cư đông người nên trong vài ngày tới, tại TPHCM sẽ tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao, trước khi ổn định và từng bước kiểm soát tình hình khi hết thời gian thực hiện Chỉ thị 16.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đánh giá hướng dẫn mới của Bộ Y tế về thí điểm cách ly F1, quản lý, điều trị F0 tại nhà là rất kịp thời trong tình hình hiện nay. Lãnh đạo các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Phú Yên, Long An… cho biết, các địa phương đang tập trung lấy mẫu, xét nghiệm tại các khu phong tỏa, tăng cường hoạt động tổ COVID-19 cộng đồng, lực lượng liên ngành để kiểm tra, giám sát, xử lý hành vi vi phạm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Các tỉnh đang khẩn trương rà soát, lập phương án tăng cường hàng nghìn giường điều trị, hàng chục nghìn chỗ cách ly…

Sẵn sàng ứng phó khi TPHCM có 20.000 ca mắc

Chiều 16/7, tại hội nghị sơ kết 7 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Ðức khẳng định, thành phố đã sẵn sàng phương án ứng phó khi có 20.000 ca nhiễm SARS-CoV-2. Theo Giám đốc Sở TT&TT TPHCM Lâm Ðình Thắng, từ khi thực hiện Chỉ thị 16 (0 giờ ngày 9/7), thành phố tăng thêm 9.736 ca mắc COVID-19, gồm 1.794 ca phát hiện trong cộng đồng, 7.942 ca trong khu cách ly, phong tỏa. Lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất TPHCM cho biết, đã chuẩn bị 15 khu đất trống và 15 nhà xưởng; Khu Công nghệ cao cũng đã lên danh sách khu nhà trống để sẵn sàng chuyển mục đích thành khu cách ly tập trung hoặc bệnh viện dã chiến khi cần.

Huy Thịnh

Về vận chuyển hàng hóa, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ tổ chức và công bố các “luồng xanh” hàng hóa quốc gia, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa trên nguyên tắc giảm thiểu các thủ tục, nhanh nhất, thuận lợi nhất.

Vì thế, từng địa phương phải xây dựng “luồng xanh” của mình để lưu thông hàng hóa đi, đến hoặc đi qua địa phương… Ông Thể nêu thực tế, nhiều tỉnh thông thoáng, nhưng có nơi lại ách tắc, cần rút kinh nghiệm và tham khảo cách làm của các địa phương khác.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói rằng, TPHCM tiêu thụ 9.000-10.000 tấn thực phẩm, đồ tươi sống mỗi ngày, trong khi lượng hàng dự trữ tới 120.000 tấn, tức là đã đủ 12 ngày. Tuy nhiên, do một số biện pháp chống dịch như dừng các chợ truyền thống nên người dân gặp khó khăn hơn trong mua sắm.

Để giải quyết việc lưu thông hàng hóa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GTVT thống kê toàn bộ lái xe đường dài, tập trung tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho đối tượng này. Bộ Y tế nghiên cứu, rà soát lại quy định xét nghiệm định kỳ cho lái xe vận tải hàng hóa.

Phó Thủ tướng lưu ý phải giữ thật chặt các vùng còn an toàn (“vùng xanh”), đồng thời truy vết, xét nghiệm, nhanh chóng bóc ngay F0 ra khỏi các ổ dịch, làm sạch địa bàn, giảm mức độ nguy cơ dịch bệnh để “vùng đỏ” dần thành “vùng xanh”.

Bảo vệ các “pháo đài” từ xa, từ sớm

Dự báo sắp tới, diễn biến dịch bệnh tại TPHCM và các tỉnh phía Nam còn phức tạp, khó lường, các ca lây nhiễm có thể tăng lên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng, việc thực hiện Chỉ thị 16 phải nghiêm, phải có giám sát, kiểm tra, đôn đốc, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh. Với những địa phương có diễn biến dịch bệnh phức tạp, ưu tiên số một là tập trung phòng chống dịch hiệu quả, nhưng không bỏ qua những cơ hội tận dụng được để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh theo tinh thần “3 tại chỗ”.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vắc-xin phòng COVID-19, bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm ở những khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao, tập trung cho các chuỗi cung ứng, công nhân trong các khu công nghiệp… “bảo vệ an toàn các pháo đài này từ xa, từ sớm, từ cơ sở”, tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K+vắc-xin.