Xác định nguyên nhân cá chết nhiều trên đầm Trà Ổ ở Bình Định

TPO - Ngày 23/1, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định cho biết, đã có báo cáo xác định nguyên nhân cá chết trên đầm Trà Ổ ở huyện Phù Mỹ.

Cá chết nổi trên mặt nước đầm Trà Ổ.

Trước đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định (thuộc Sở NN&PTNT) tiếp nhận thông tin từ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Mỹ về việc xảy ra tình trạng cá chết nhiều trên đầm Trà Ổ, huyện Phù Mỹ.

Ngay sau đó, đơn vị đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật có mặt tại hiện trường và phối hợp với các đơn vị liên quan cùng chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra thực tế, điều tra dịch tễ và thu thập mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân.

Qua kiểm tra thực tế các khu vực trên đầm Trà Ổ vào ngày 9/1, phát hiện có hiện tượng cá chết, phân hủy, thối rữa trôi nổi rải rác quanh đầm. Các loài cá chết chủ yếu là cá chép có kích thước từ 5 - 20 cm, trọng lượng từ 20 - 200 gam/con. Ngoài ra, còn có một số rất ít cá lúi, cá rô phi và ốc bưu vàng.

Kết quả kiểm tra lâm sàng cá sắp chết có các dấu hiệu, thân chuyển màu đen hơn bình thường, bơi không định hướng nổi trên mặt nước, lờ đờ, dạt bờ, bong vảy, xuất huyết gốc vây ngực và hậu môn, mang nhiều nhớt. Kết quả mổ khám kiểm tra bệnh tích, các nội quan dính vào màng bụng, gan, thận sưng to, có xuất huyết.

Căn cứ kết quả kiểm tra lâm sàng và giải phẩu, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định nghi ngờ cá chết có thể do bị nhiễm bệnh do vi rút Koi Herpesvirus, gây bệnh viêm thận và hoại tử mang cá chép, cũng có thể do nhiễm vi rút gây bệnh xuất huyết mùa xuân. Đơn vị sau đó đã gửi mẫu cá thu thập được đến Chi cục Thú y vùng 4 kiểm tra mầm bệnh đối với 2 bệnh trên và thu thập 3 mẫu nước tại 3 địa điểm khác nhau trên đầm Trà Ổ để kiểm tra các chỉ số môi trường nước (pH, NH3, H2S và Vi khuẩn tổng số).

Kết quả xét nghiệm các chỉ số môi trường, chỉ số NH3 và Vi khuẩn tổng số nằm trong ngưỡng cho phép. 2 mẫu có chỉ số pH và 1 mẫu có chỉ số H2S vượt ngưỡng cho phép. Kết quả xét nghiệm mầm bệnh về mẫu cá chép có kết quả dương tính với vi rút Koi Herpesvirus (KHV).

Nguyên nhân được xác định là nhiễm mầm bệnh Koi Herpesvirus, gây bệnh viêm thận và hoại tử mang cá chép.

Cũng qua kiểm tra thực tế tình trạng cá chết thực tế tại Đầm Trà Ổ, kết hợp điều tra dịch tễ, kiểm tra triệu chứng lâm sàng, mổ khám kiểm tra bệnh tích và kết quả chẩn đoán xét nghiệm cho thấy tình trạng cá chết do nhiễm mầm bệnh Koi Herpesvirus (gây bệnh viêm thận và hoại tử mang cá chép) xảy ra Bình Định đang bị ảnh hưởng của đợt rét lạnh đầu tiên và diễn ra trong nhiều ngày mới phát hiện. Thêm vào đó, một số chỉ tiêu môi trường nuôi bất lợi, nhưng chưa tác động lớn.

Không sử dụng, vận chuyển cá đã bị bệnh sang các địa phương khác

Chi cục Chăn nuôi và Thú y và Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định phối hợp hướng dẫn các địa phương khu vực xung quanh đầm Trà Ổ triển khai các biện pháp chống dịch theo quy định. Bên cạnh đó, phân công lực lượng, thường xuyên tổ chức thu gom xác cá chết, chôn lấp, xử lý bằng vôi bột và các loại hóa chất khử trùng khác theo quy định.

Đồng thời, thông báo cho bà con, tuyệt đối không sử dụng và vận chuyển cá đã bị bệnh sang các địa phương khác để tránh lây lan dịch bệnh; tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, nuôi cá trên địa bàn huyện tuân thủ các quy định về công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản. Đặc biệt có biện pháp che chắn đề phòng các loại chim mang mầm bệnh do ăn cá bệnh, chết từ đầm Trà Ổ lây truyền sang.

Yêu cầu khi phát hiện ao nuôi có dấu hiệu bệnh cần báo ngay cho chính quyền địa phương và nhân viên thú y cấp xã để phối hợp, hướng dẫn xử lý kịp thời. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp xem xét, hỗ trợ thuốc sát trùng để xử lý các hố chôn cá chết…