Xã yêu cầu người làm ăn xa về ăn Tết trước 22 ngày

UBND xã Chiềng Yên (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) vừa yêu cầu người lao động địa phương này đi làm ở xa muốn ăn Tết với gia đình, phải về trước ngày 10/1 (tức mồng 8 tháng Chạp) - trước Tết 22 ngày.

Cụ thể, trong văn bản số 74/UBND, lãnh đạo xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La gửi các Ban quản lý các bản yêu cầu thực hiện các nội dung sau:

Thứ nhất, các bản phối hợp với các hộ gia đình rà soát, thống kê, số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, lao động tự do ngoài tỉnh có nhu cầu về địa phương tháng 01/2022.

Thứ 2, lên kế hoạch cho các hộ gia đình có người thân đi lao động, làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, lao động tự do ngoài tỉnh có nhu cầu trở về địa phương trong dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, phải chủ động về trước ngày 10/01/2022 để đảm bảo cách ly y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Văn bản của UBND xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La về cách lý lao động đang gây ra sự quan tâm của dư luận

Trong văn bản của UBND xã Chiềng Yên nêu rõ chỉ đạo trên là thực hiện Công văn số 3084/CV-UBND-LĐ ngày 08/12/2021 của UBND huyện Vân Hồ về việc rà soát, báo cáo tình hình số lao động ngoại tỉnh của các xã trên địa bàn huyện.

Như vậy, người lao động là con em xã Chiềng Yên đang đi làm ở ngoại tỉnh sẽ phải về ăn tết trước ngày 10/1( tức là ngày mồng 8 tháng Chạp) trước Tết Nguyên đán 22 ngày. Nếu không theo quy định trên có thể sẽ không được trở về quê ăn Tết cùng gia đình.

Thông tin này hiện gây bàng hoàng cho những doanh nghiệp đang sử dụng lao động người Chiềng Yên. Chia sẻ với PV Dân trí, ông Hoàng Gia Hưng, Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc của Công ty Bao bì Việt Hưng (Hưng Yên) rất lo lắng vì quy định trên khác nào đánh đố doanh nghiệp.

Ông Hưng cho biết: "Thông thường, doanh nghiệp chỉ cho công nhân nghỉ từ 25-27/12 (âm lịch), trước Tết vài ngày. Trong khi đó, địa phương lại yêu cầu trước ngày 10/1 người lao động phải về, chúng tôi lấy đâu người để sản xuất".

Đại diện doanh nghiệp nêu: "Chúng tôi là vendor cấp 1 cho Samsung, chuyên cung ứng sản phẩm nhựa bao bì cho tập đoàn này tại Việt Nam. Quy mô doanh nghiệp có 2.000 công nhân, trong đó 50% người lao động ở Sơn La. Nếu văn bản này được đưa ra và áp dụng rộng rãi, chúng tôi sẽ phải ngừng hoạt động, đóng cửa".

Theo ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Nhà máy của Công ty Bao bì Việt Hưng do đặc thù của các doanh nghiệp cung ứng linh phụ kiện cho Samsung là phải bám sát ngày làm việc trong chuỗi sản xuất của họ.

"Thậm chí nếu Samsung hoạt động ngày 25 Tết, chúng tôi phải làm đến ngày 26 Tết, họ khởi động ngày mồng 6 Tết, chúng tôi phải bắt đầu làm việc trước đó một ngày theo các ca khác nhau", ông Lộc nói.

Theo ông Lộc: "Việt Hưng đã tổ chức tiêm mũi 2 cho hơn 99,9% công nhân, chỉ còn vài trường hợp do bệnh nền, không thể tiêm được. Chúng tôi cũng yêu cầu những trường hợp này làm việc theo cơ chế riêng, bong bóng, nên hoạt động sản xuất an toàn tuyệt đối".

Còn theo ông Hưng: "Khó khăn lớn nhất nếu họ làm này là thiếu lao động trước hoặc sau Tết. Chúng tôi đang có rất nhiều lao động quê ở Sơn La, Lai Châu. Nếu họ áp dụng như này, chúng tôi mất 50% lao động dịp Tết này, đứt gẫy luôn chuỗi sản xuất, cung ứng cho Samsung, Canon, Foxconn...".

Theo vị này, doanh nghiệp rất bàng hoàng và xót xa bởi việc cách ly trên không đúng với chỉ đạo của lãnh đạo Nhà nước. "Chúng tôi không nhận được văn bản mà là người nhà của anh em công nhân chụp và gửi cho họ, họ gửi lại cho chúng tôi. Chúng tôi rất bàng hoàng bởi không chỉ riêng công ty tôi mà các công ty khác nữa, nếu lao động phải nghỉ sớm, thì phá sản", Giám đốc nhà máy của Việt Hưng cho hay.

Ông Lộc cho biết: Hiện quy định cách ly công nhân về quê cũng có ở một số địa phương như Tuyên Quang, Thanh Hóa, tuy nhiên không nhiều như tại Sơn La.

Liên quan đến việc cách ly y tế người từ vùng dịch, hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 9472/BYT-MT ngày 8/11/2021 quy định rõ phải phân vùng, sàng lọc đối tượng: Trong đó nếu người lao động đã tiêm đủ vắc xin hoặc đã tiêm vắc xin trong vòng 6 tháng, công dân tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 07 ngày kể từ ngày về địa phương.

Nếu tiêm chưa đủ liều vắc xin: Cách ly tại nhà 7 ngày, theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo; trường hợp người lao động chưa tiêm vắc xin, họ sẽ phải cách ly 14 ngày kể từ ngày về địa phương; theo dõi sức khỏe 14 ngày tiếp theo.

Cũng liên quan đến vụ việc cách ly y tế người về từ vùng dịch, mới đây, Sở Y tế tỉnh Ninh Bình có công văn yêu cầu cách ly người về từ Hà Nội khi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin, đang ở vùng dịch cấp độ 2, màu vàng; người ở vùng dịch cấp độ 3, 4 đến Ninh Bình phải bị cách ly tập trung 14 ngày. Đối với người tiêm đủ 2 mũi, phải xét nghiệm PCR và cách ly tại nhà.

Ngay sau đó, Bộ Y tế có văn bản hỏa tốc, yêu cầu tỉnh Ninh Bình rút công văn cách ly nói trên. Địa phương này sau đó thay thế bằng một văn bản khác, phù hợp với Nghị quyết 128 của Chính phủ về quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

Trao đổi về vấn đề này, một lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, cụ thể quy định cách ly các đối tượng liên quan tới Covid-19 thuộc lĩnh vực y tế. Bộ đã tiếp thu thông tin và sẽ tiếp tục theo dõi sự việc.

Link bài gốc: https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/nong-mot-xa-o-son-la-bat-con-em-dia-phuong-phai-ve-an-tet-truoc-22-ngay-20220104122359149.htm

Theo Dân Trí