Vượt lên khó khăn
So với nhiều bệnh viện công lập, Bệnh viện đa khoa Hoè Nhai có điểm suất phát thấp và quy mô nhỏ. Tuy nhiên, ngay sau khi chuyển đổi cơ chế hoạt động từ bệnh viện bán công sang công lập, bệnh viện đã nhanh chóng ổn định.
TS Trần Tử Bình, Giám đốc Bệnh viên Hoè Nhai cho biết, đến nay, trung bình viện đã phục vụ khám chữa bệnh cho trên 54.000 lượt bệnh nhân trong một năm.
Bệnh viện đã tự đảm bảo được 100% kinh phí hoạt động thường xuyên trong 5 năm vừa qua. Đến nay, bệnh viện đã triển khai có hiệu quả 11 đề án xã hội hoá (XHH) trang thiết bị y tế với tổng giá trị liên kết lên tới trên 17 tỷ đồng và hơn 367.000 USD.
Giám đốc Trần Tử Bình cho biết, để đạt được những thành công này, bệnh viện xác định phải xây dựng đội ngũ cán bộ, y bác sỹ có trình dộ chuyên môn cao và tấm lòng với người bệnh. Tiếp theo là việc thực hiện dân chủ, phát huy sức mạnh của các tổ chức Đảng, đoàn thể nhằm tạo ra sự đồng thuận cao để thực thi nhiệm vụ.
“Chúng tôi từ tay trắng mà đi lên nên phải biết xác định lấy uy tín và chất lượng làm đầu, vừa làm vừa học hỏi. Muốn xã hội hoá thành công phải thực hiện công khai, minh bạch. Phải lấy chất lượng dịch vụ làm cơ sở để xây dựng uy tín cho bệnh viện”, TS Bình nói.
Tại Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, nhiều đề án XHH đã mang lại hiệu quả rõ nét. Kể từ khi triển khai XHH vào năm 2009, bệnh viện đã bắt đầu thực hiện nhiều kỹ thuật chuyên sâu, trong đó có những kỹ thuật tiên tiến nhất về ung bướu hiện nay, góp phần nâng cao niềm tin với người bệnh.
Bệnh viện Ung Bướu có 2 đề án XHH đã triển khai gồm: Đề án hệ thống gia tốc trị giá 28,5 tỷ đồng; đề án đầu tư hệ thống xạ hình Spect trên 8 tỷ đồng.
Tự đầu tư, xoá liên kết
Trong khi nhiều cơ sở y tế đang “khát khao” để có thêm các hợp đồng XHH nhưng thực tế tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội lại đang nói “không” với các hợp đồng thuê máy móc thiết bị!
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện cho biết đến tháng 8/2014 bệnh viện sẽ thanh lý nốt hai hợp đồng XHH và kể từ đó sẽ chính thức xoá mô hình này.
“Chúng tôi đã đủ khả năng tự đầu tư không chỉ một vài máy mà hàng chục máy hiện đại”, TS Ánh cho hay.
Điều gì đã tạo ra hướng đi khác biệt cho bệnh viện? TS Ánh cho rằng, bản thân ông và cán bộ, nhân viên bệnh viện xác định phải đi trên đôi chân của mình, đi lên từ nội lực và chất lượng phục vụ người bệnh là cơ sở để phát triển.
Người bệnh được đón tiếp chu đáo khi đến Bệnh viện phụ sản Hà Nội.
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khẳng định, nhà nước không thể bao cấp mãi, không thể cứ cấp hết máy này đến máy khác. Nếu bệnh viện công chỉ biết kêu gào khó khăn thì có nghĩa đang quên đi những lợi thế, những tài sản rất lớn mà nhà nước đã đầu tư như đất đai, thương hiệu, đội ngũ y bác sỹ.
Việc thực hiện XHH qua thuê máy móc nếu không được quản lý, giám sát khoa học sẽ chứa đựng nhiều rủi ro và rất có thể sẽ đẩy bệnh viện lệ thuộc vào các đối tác bên ngoài.
Khi đó, nguy cơ bị nhà đầu tư lợi dụng rất cao, từ khâu mua máy đến sửa chữa, thay thế thiết bị. Không chỉ phục vụ các nhu cầu khám chưa bệnh cơ bản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội còn hướng mạnh đến các dịch vụ chất lượng cao nhằm tăng khả năng tích luỹ, tái đầu tư.
“Trừ vùng sâu, vùng xa khả năng chi trả của người dân còn quá khó khăn, với thành phố lớn như Hà Nội thì nếu chất lượng dịch vụ tốt và đa dạng thì người dân sẵn sàng chi trả. Vì sao bệnh viện có giá dịch vụ cao như Vinmec, Việt Pháp, Hồng Ngọc...vẫn rất đông bệnh nhân? Vì sao nhiều người dân vẫn ra nước ngoài chữa bệnh? Vấn đề là khả năng cung cấp dịch vụ của bệnh viện công đến đâu thôi”, TS Ánh phân tích.