Vùng lõi Hương Sơn, chùa Hương là 'bất khả xâm phạm'

TP - Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào khu vực Hương Sơn, tuy nhiên, quan điểm của huyện là vùng lõi Hương Sơn, chùa Hương là “bất khả xâm phạm”. 
Theo lãnh đạo huyện Mỹ Đức, vùng lõi Hương Sơn không ai được xâm phạm

Theo ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, trong năm 2018, lễ hội Chùa Hương thu hút hơn 1,4 triệu lượt người, thu về 112 tỷ đồng. Năm nay, có khoảng 4 nghìn đò phục vụ du khách trẩy hội chùa Hương. Ban tổ chức đã yêu cầu về việc sơn lại đò, có trang bị phao cứu sinh, bố trí các giỏ đựng rác...

Riêng về các khu vực kinh doanh, buôn bán, năm nay huyện quy hoạch 318 gian hàng, tổ chức bốc thăm xác định quyền kinh doanh gắn với cam kết về ý thức phục vụ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Hoạt cũng cho biết, trong năm 2019, Ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương tiếp tục rút kinh nghiệm việc phát lộc xảy ra  trước đây.

Lực lượng chức năng cũng sẽ đi kiểm tra thường xuyên các công tác đảm bảo an toàn giao thông trên suối Yến, kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, văn hóa lễ hội...Ban tổ chức cũng sẽ đặt một số biển báo dọc đường vào Khu di tích, có gắn với số điện thoại đường dây nóng để người dân báo thông tin khi có vấn đề xảy ra.

Theo ông Hoạt, trong định hướng của thành phố, Mỹ Đức là địa bàn trọng điểm phát triển du lịch. Vì vậy, phải nghiên cứu theo hướng vừa bảo tồn, vừa phát huy, phát triển được giá trị của địa danh nổi tiếng này. 

Về thông tin doanh nghiệp đề xuất xây dựng đề án tâm linh tại khu vực chùa Hương, ông Hoạt cho biết, dự án đề xuất nằm ở phía Tây Nam của quần thể Hương Sơn và chùa Hương. “Đây là nơi sẽ diễn ra đại lễ phật đản Liên Hợp Quốc 2019. Chủ yếu chỉnh trang trên diện tích khoảng 1.500 ha”, ông Hoạt nói.

Ông Hoạt cũng thông tin, riêng khu vực quần thể Hương Sơn, Chùa Hương hiện đang có một số dự án triển khai chứ không riêng gì một dự án đang được đề xuất nói trên. “Quan điểm của huyện là thực hiện nghiêm túc quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo phát huy giá trị thiên nhiên của thắng cảnh này và đảm bảo thực hiện đúng Luật Di sản cũng như hạn chế tối đa tác động của con người vào cảnh quan. Đặc biệt vùng lõi, vùng cấm, 21 chùa và động thì bất khả xâm phạm”, ông Hoạt nêu quan điểm.

Liên quan đến các hoạt động đón Tết, vui xuân, bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao để phục vụ nhân dân.

Theo đó, ngoài hoạt động bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội tại 30 điểm vào đêm giao thừa, Sở VH&TT Hà Nội còn tổ chức nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật, thể thao kéo dài từ đêm giao thừa cho đến sau Tết Kỷ Hợi.

Trong đó, đáng chú ý là lễ hội bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng 2019 tại Hồ Tây trong 2 ngày 16 và 17/2, tức ngày 12 và 13 tháng Giêng. Với hai lễ hội Gò Đống Đa và Đền Sóc, đại diện chính quyền địa phương cho biết, sẽ không để xảy ra tình trạng lộn xộn, tranh cướp, ảnh hưởng đến hình ảnh văn hóa Thủ đô.