> Bộ bất ngờ việc học sinh Việt xếp trên Anh, Mỹ
> Học sinh Việt vượt Mỹ về Toán và Khoa học
Riêng môn trọng tâm lần này là Toán học, chúng ta đạt tới 511 điểm, xếp trên nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến hiện đang thu hút nhiều du học sinh Việt Nam như Anh, Mỹ, Pháp, Úc...
Tại buổi tọa đàm trực tuyến về Đề án đổi mới giáo dục và đào tạo sáng qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển - người phụ trách dự án PISA của Việt Nam bày tỏ : 'Tôi vui và bất ngờ với kết quả đánh giá học sinh quốc tế 2012 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển quốc tế vừa công bố ngày 3/12'. Ông Hiển cũng cho biết, Việt Nam có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong 65 nước nhưng “chất lượng đã gây bất ngờ cho cả thế giới”.
Kết quả xếp hạng nói trên của OECD một lần nữa khẳng định khả năng tiếp thu kiến thức nói chung và kỹ năng giải toán nói riêng của học sinh Việt Nam rất tốt, thậm chí vượt học sinh nhiều nước phát triển khác. Đó là điều đáng tự hào của học sinh Việt Nam, của trí tuệ Việt Nam. Người Việt xưa nay vốn cần cù, hiếu học và sáng dạ. Âu đó cũng là một trong những thứ “vốn liếng” quý giá nhất của dân tộc này trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.
Thế nhưng thật đáng tiếc, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam lại hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng của trí tuệ Việt, chưa tương xứng với bảng xếp hạng PISA kia.
Lưu ý của Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa rất đáng để suy ngẫm: “Tỷ lệ lao động Việt Nam có kỹ năng đọc, viết và tính toán cao hơn so với các nước khác, kể cả các nước giàu có hơn Việt Nam, nhưng một lực lượng lao động có kỹ năng cao mới sẽ là chìa khóa thành công trong chuyển đổi kinh tế”.
Phải chăng đó cũng là nguyên nhân sâu xa khiến đất nước chưa thể bứt phá mạnh mẽ, thậm chí có nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” như nhiều người từng cảnh báo.
Vui vì kết quả PISA 2012, nhưng ngẫm lại thấy buồn và lo cho chất lượng nguồn nhân lực - sản phẩm cuối cùng của nền giáo dục - lại chưa tương xứng với những đánh giá đáng tự hào nói trên.
Mục tiêu cuối cùng của giáo dục – đào tạo chính là cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước, đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển, có khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Chính vì vậy, đòi hỏi cải cách cơ bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà như Nghị quyết T.Ư 8 đề ra mới là cái đích chúng ta cần nhắm tới.