Vừa quyết xử xe quá tải, vừa hỗ trợ doanh nghiệp

Ngày 13/4, Bộ GTVT cho biết, sau một thời gian giám sát tải trọng xe, nhiều xe (có tải trọng quá mức cho phép do hàn thêm khung, thùng... để tăng sức chứa) đã tự giác tháo dỡ. Tuy nhiên, không ít xe tải vẫn cố tình né trạm, số khác lại viện lý do Bộ GTVT tổ chức cân xe đột ngột khiến doanh nghiệp trở tay không kịp.
Chủ trương kiểm soát tải trọng xe có từ năm 1982. Ảnh: Hồng Vĩnh

Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ cho biết, chủ trương kiểm soát tải trọng xe đã có từ lâu, đợt cân xe trên diện rộng hiện nay đã được Bộ GTVT chuẩn bị và thông tin liên tục trong 2 năm qua. “Bộ GTVT tiếp tục thực hiện nghiêm việc cân tải trọng xe để bảo vệ hệ thống đường bộ”, ông Thọ nói.

Trao đổi với Tiền Phong chiều 13/4, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Khuất Việt Hùng cho biết, một số đại diện hiệp hội ngành nghề có phản ứng về việc cân xe trên diện rộng làm ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa dẫn tới giá cước vận tải tăng.

Tuy nhiên, chỉ có Nhà máy Đường Lam Sơn (Thanh Hóa) liên hệ trực tiếp với Bộ GTVT đề nghị tháo gỡ khó khăn. Ngay lập tức, ngày 12/4, Bộ GTVT chỉ đạo Tổng Cty Đường sắt Việt Nam ưu tiên tàu, toa xe để doanh nghiệp này vận chuyển hàng xuất khẩu sang Trung Quốc.

“Chủ trương kiểm soát tải trọng xe có từ năm 1982, chỉ khác là lần này thực hiện quyết liệt, toàn diện hơn. Nếu có phát sinh, các đơn vị trực tiếp kiến nghị, Bộ GTVT sẽ trả lời và hỗ trợ biện pháp khắc phục”, ông Hùng nói.