> Chữa bệnh ung thư bằng... bắt tay, nghe hát
> Hàng nghìn người hoang mang vì… cảnh báo dịch bệnh nguy hiểm
Việc dựng barie, căng biển báo làng có dịch và rắc vôi để ngăn khách thập phương vào làng khiến bệnh nhân bức xúc, người dân địa phương hoang mang, lo lắng.
Năm 2010, Phòng Y tế huyện Tam Dương, Sở Y tế Vĩnh Phúc nhiều lần kiểm tra, song tới nay chưa có kết luận về việc người bệnh khỏi bệnh sau khi được nghe hát và uống lá mát tại nhà bà Tranh. Trong khi đó, một số người mang trọng bệnh khẳng định là đã đỡ hoặc khỏi bệnh.
Việc này không chỉ thu hút được dân thường mà ngay cả giới trí thức, quan chức… thậm chí là những người có chuyên môn thâm niên trong ngành Y. Bác sỹ Nguyễn Đắc Hợi, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), cũng nói rằng, sau khi tới đây nghe hát và uống lá mát, sức khỏe hồi phục sau căn bệnh (ung thư hạch).
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Trần Xuân Lâm, Chủ tịch UBND huyện Tam Dương, cho biết, ngay sau khi phát hiện việc treo băng rôn không đúng quy định tại thôn Vân Du, đã chỉ đạo UBND xã Thanh Vân tháo dỡ các băng rôn. Theo ông Lâm, băng rôn là do thôn Vân Du tự treo.
Ông Nguyễn Công Lương, Chủ tịch UBND xã Thanh Vân nói rằng, treo băng rôn như thế là không đúng quy định. Ông Lương đã chỉ đạo cán bộ xã dỡ bỏ. Ông Lương cho rằng, việc lập barie và treo băng rôn là do người dân, không phải UBND xã Thanh Vân. Tuy nhiên, ghi nhận tại hiện trường cho thấy, những người cắm chốt ở các điểm dựng barie còn có cả công an, cán bộ xã Thanh Vân. Các barie và băng rôn xuất hiện từ chiều 3/12, trong khi trụ sở UBND xã Thanh Vân chỉ cách khu vực này chừng 200m.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Cty Luật TNHH Trường Lộc, nói: Việc chính quyền thôn Vân Du căng băng rôn “Làng đang có dịch, cấm khách thập phương vào làng” và lập 3 chốt barie chặn đầu các ngả đường dẫn vào làng Vân Du là việc làm trái quy định của pháp luật, vì trên thực tế không có dịch và nếu có thì chỉ có UBND tỉnh hoặc Bộ Y tế mới có thẩm quyền công bố dịch.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND huyện Tam Dương cần phải cho thanh tra, xác minh việc căng băng rôn và lập chốt barie do ai thực hiện, do ai chỉ đạo, xử lý theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời phải tháo dỡ barie, băng rôn.
Điều kiện công bố dịch
Ngày 25/10/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 64/2010/QĐ-TTg quy định “điều kiện công bố dịch và công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm”. Theo đó, điều kiện công bố dịch bệnh truyền nhiễm chỉ được thực hiện khi có đủ hai điều kiện sau: Một là có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. Hai là có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau: Quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; Bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; Bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa.
Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), về nguyên tắc, ung thư có thể được điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị, thuốc (hóa chất, thuốc nội tiết, thuốc công nghệ sinh học). Tuy nhiên, dùng một hay nhiều biện pháp để điều trị tùy thuộc vào các yếu tố chính bao gồm: loại bệnh ung thư, giai đoạn của bệnh,tổng trạng của bệnh nhân, bệnh phối hợp.
Ông Thuấn nói: “Quan điểm của cá nhân tôi là các phương pháp điều trị ung thư bằng thuốc nam, thuốc bắc hiện tại chưa có bằng chứng khoa học chứng minh chữa được bệnh ung thư hay không, cùng lắm nó chỉ hỗ trợ nâng cao thể trạng, nâng cao sức đề kháng cho bệnh nhân”.