Vụ chậm mổ, thai chết lưu: Rủi ro y khoa

TP - Mang thai ngôi mông (thai ngược) và siêu âm thấy đã đến ngày sinh, chị Trần Thị Thùy Trúc vào Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, TPHCM chờ được lên lịch mổ. Đến ngày thứ sáu nằm chờ, chị ngất lịm khi hay hung tin con mình đã chết trong bụng mẹ.
Anh Nguyễn Thanh Hải (30 tuổi) đang an ủi vợ Trần Thị Thùy Trúc tại bệnh viện, khi họ vừa mất đi con trai . Ảnh: Q.N

Sản phụ chờ, bác sĩ chưa vội

Chị Trúc (29 tuổi, ngụ phường 8, quận 6, TPHCM) cho biết mình mang thai con trai thứ hai. Ngày 26/2, chị đi khám định kỳ tại Bệnh viện Hùng Vương, bác sĩ siêu âm nói em bé đã đủ 38 tuần, đến ngày mổ.

“Bác sĩ bệnh viện biết trước nguy cơ và gia đình chúng tôi yêu cầu được mổ sớm nhưng họ không làm, giờ lại đổ lỗi cho rủi ro y khoa là không thể chấp nhận”. 

Chị Trần Ngọc Quý - em gái sản phụ mất con

Chị được nhập viện, đóng tạm ứng 3 triệu đồng và chờ mổ. Trước đó, vào 28 Tết Ất Mùi, bác sĩ bệnh viện khám cho biết thai ngôi mông, không sinh thường được, phải mổ. “Từ khi mới có thai được 7 tuần cho đến nay, tôi đều đi khám ở Bệnh viện Hùng Vương. Lúc đầu, bác sĩ nói thai hơi yếu nên phải đi khám định kỳ 2-3 tuần/lần. Nhưng từ tháng thứ 4 trở đi, bác sĩ nói thai đã bình thường. Từ khi nhập viện đến trước khi con tôi chết, bác sĩ cũng nói bình thường”, chị Trúc nói.

Qua ngày 27/2, bác sĩ khám yêu cầu thai phụ nhịn ăn để chiều có thể mổ. Nhưng rốt cuộc, chị không được mổ mà bác sĩ không nói rõ lý do. Sang đến ngày 28/2, cũng chưa mổ, tiếp tục đợi. Ngày 1/3, bác sĩ khám nói mẹ và em bé vẫn bình thường và cho biết sẽ xếp lịch cho mổ vào 3/3. Từ đó đến khuya 2/3, thai vẫn bình thường.

Vào 1 giờ sáng 3/3, chị Trúc còn cảm nhận em bé cựa trong bụng. Đến 4 giờ sáng cùng ngày, điều dưỡng vào phòng đo tim thai thì không nghe thấy. Thai phụ được đưa lên phòng trực. “Mấy cô y tá, bác sĩ cùng đo tim thai nhưng không thấy tim thai. Họ đẩy tôi đi siêu âm, sau đó nói em bé đã mất rồi”, chị nghẹn ngào.

“Rủi ro y khoa”

Sáng 3/3, chị Trần Ngọc Quý (27 tuổi, em chị Trúc) chất vấn bác sĩ tại sao không mổ ngay, khiến em bé chết, bác sĩ và bệnh viện chờ đợi gì? Theo chị Quý, bác sĩ tên Khánh Trang nói em bé bị dây rốn quấn quanh cổ khi bé xoay đầu, nên ngộp chết. Bác sĩ nói đây là sự cố ngoài ý muốn, đồng thời cũng nói với người nhà rằng ở đây nhiều bác sĩ khám lắm, có phải một người đâu, biết ai chịu trách nhiệm bây giờ? “Một bác sĩ khác tên Vũ còn nói, ở đây có biết bao nhiêu bệnh nhân, không nhẽ chỉ lo cho một người?”, chị Quý kể.   

Ngày 9/3, bác sĩ Nguyễn Văn Trương, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, có văn bản gửi báo Tiền Phong khẳng định bệnh viện làm hết sức và đúng chuyên môn về trường hợp này. Theo bác sĩ Trương, Khoa Sản bệnh đưa ra hướng sẽ mổ khi thai qua 38 tuần tuổi để giảm bớt nguy cơ suy hô hấp cho bé. “Sáng 2/3, sau khi hội chẩn, bệnh viện quyết định mổ vào sáng 3/3. Nhưng khoảng 4 giờ sáng 3/3, thai nhi đã chết lưu. Thai nhi nặng 2,4kg, đầu thai quay xuống khung chậu mẹ và dây rốn xoắn nhiều vòng từ rốn đến bánh nhau”, bác sĩ Trương nói.

Bác sĩ Trương cho biết, đã họp rút kinh nghiệm chuyên môn và đánh giá bước đầu nguyên nhân tử vong khi thai xoay, do dây rốn xoắn, có thể gây nghẽn mạch máu dây rốn làm bé tử vong. “Đây là trường hợp chỉ định mổ chủ động nhưng không khẩn cấp. Thời điểm mổ được chọn khi thai quá 38 tuần là phù hợp. Chế độ chăm sóc theo dõi tại Khoa Sản bệnh cũng phù hợp. Không có sai sót chuyên môn kỹ thuật”, bác sĩ Trương nói và khẳng định: “Đây là một rủi ro y khoa”. Tuy nhiên, gia đình sản phụ Trúc không đồng tình với kết luận này. 

Sản phụ, thai nhi tử vong, người nhà vây bệnh viện

Sau khi có dấu hiệu chuyển dạ, chị Võ Thị Vân (29 tuổi, ở xóm 4, xã Diễn Xuân, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) được gia đình đưa tới Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu để sinh. Tối cùng ngày, sản phụ và thai nhi tử vong. Sáng 9/3, người nhà kéo đến bao vây bệnh viện, yêu cầu giải thích nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong kíp trực.

Người nhà chị Vân cho biết, trưa 8/3, thấy chị có dấu hiệu chuyển dạ, họ đã đưa chị Vân tới Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu để bác sỹ thăm khám và làm thủ tục cho nhập viện. Trước đó, sáng 6/3, khi chị Vân được người nhà cho đi khám, một số bác sỹ chẩn đoán thai nhi nặng 4kg. Tuy nhiên, khi tới Bệnh viện Đa khoa huyện, y, bác sỹ ở đây lại chẩn đoán thai nhi chỉ nặng 3 kg. Thấy chị Vân đau dữ dội, người nhà yêu cầu kíp trực mổ đẻ, nhưng các y, bác sỹ nói chị chỉ đẻ thường. Trong quá trình chờ đẻ, chị Vân kiệt sức, sau đó phải mổ. Tối 8/3, chị tử vong. 

Bác sỹ Trần Khắc Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu, cho biết, sản phụ Vân nhập viện lúc 11 giờ 30 phút ngày 8/3, được các bác sỹ cho siêu âm và thấy kết quả có dấu hiệu chuyển dạ, nước ối nhiều. Gần 3 giờ sau, các bác sĩ thăm khám lại thì xác định tử cung đã mở, có cơn co nhẹ. Đến 15 giờ cùng ngày, sản phụ được chuyển qua phòng chờ sinh. Đến 19 giờ, bác sĩ Cao Thị Hường trực tiếp khám cho sản phụ này và chỉ định truyền dịch Glucose 5%.

Khoảng một giờ sau thì thấy cổ tử cung đã mở hết, tần suất cơn co là 4, đầu thai nhi lọt cao (đầu thai nhi có các cấp độ chưa lọt, lọt thấp, lọt cao). Đến 20 giờ 15 phút, tần số cơn co là số 4, số 5, có biểu hiện cơn co tăng nhiều hơn trước, tim thai vẫn 140 lần/phút. Khoảng 20 giờ 40 phút, sản phụ kêu đau và có biểu hiện sốc, da xanh mệt lả, huyết áp tụt, đầu thai nhi lên, cơn co tử cung không thấy nữa, bụng mềm lại. Các bác sĩ xác định vỡ tử cung nên mổ để lấy thai nhi và cắt tử cung để cầm máu. Thai nhi mổ ra được cấp cứu nhưng không sống được, sản phụ rối loạn yếu tố đông máu và cũng yếu dần nhịp tim, dẫn đến tử vong lúc 21 giờ 47 phút. Nguyên nhân sản phụ chết là do mất máu, vỡ tử cung, bác sỹ Tiến nói.

  Phan Sáng