Vụ 2 bệnh nhân tử vong: Sở Y tế nói gì về lô thuốc gây mê tại BV Trí Đức?

TP - Ngày 26/12, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố 2 bệnh nhân tử vong sau tiêm thuốc gây mê tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức (219 Lê Duẩn, Hà Nội), báo cáo của lãnh đạo bệnh viện cho biết, lô thuốc sử dụng cho hai bệnh nhân này đã sử dụng cho bệnh nhân khác và không xảy ra tai biến.

Trước thời điểm 2 bệnh nhân tử vong nghi sốc phản vệ, các thuốc này cũng đã được sử dụng cho một số bệnh nhân khác và gần đây nhất là sử dụng hôm 24/12 cho bệnh nhân được phẫu thuật, nhưng không ghi nhận phản ứng bất thường. 

Được biết, cơ quan công an cũng đã làm việc với hai bác sĩ chịu trách nhiệm về gây mê ở hai kíp mổ, lấy tường trình tại thời điểm xảy ra vụ việc. Đoàn kiểm tra chuyên môn đã kiểm tra điều kiện bảo quản thuốc tại bệnh viện, cho thấy điều kiện đảm bảo phù hợp với nhiệt độ, độ ẩm của thuốc được nhà sản xuất ghi trên nhãn. 

Bệnh viện đã xuất trình toàn bộ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của thuốc gây mê này. Hiện toàn bộ số thuốc còn lại của bệnh viện đã được niêm phong để phục vụ công tác điều tra. 

Liên quan đến hai cán bộ y tế tham gia kíp mổ nhưng không có tên trong hồ sơ nhân sự làm việc thường xuyên, hai điều dưỡng này đã có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề liên quan và có hợp đồng làm việc tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức. Cả hai cán bộ này chỉ tham gia phụ mổ, không trực tiếp làm các thủ thuật liên quan trực tiếp cho bệnh nhân.

Sáng 25/12, hai bệnh nhân đã tử vong ngay sau khi gây mê tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức, Hà Nội. Ảnh: Công Phương.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm: “Sở đã làm việc với nhà cung cấp loại thuốc gây mê sử dụng cho 2 bệnh nhân nói trên, đồng thời xin ý kiến chuyên môn của Bộ Y tế về thuốc đã sử dụng cho bệnh nhân thì đây là những thuốc thông thường vẫn sử dụng tại các bệnh viện”. 

Sở Y tế cho hay, ba nhà cung ứng các loại thuốc đã dùng cho bệnh nhân bị tử vong, gồm: Công ty Dược liệu T.Ư 2, Công ty cổ phần dược phẩm T.Ư 1 và Công ty Dược phẩm Vĩnh Phúc. Sở đã yêu cầu các đơn vị này rà soát báo cáo về số thuốc cùng lô dùng cho 2 bệnh nhân cung ứng cho các bệnh viện; các phản ứng bất thường liên quan đến thuốc (nếu có), các kết quả kiểm nghiệm chất lượng thuốc…

Về thông tin một trong hai kíp mổ liệu có biết việc tai biến xảy ra với bệnh nhân còn lại không, bà Hà cho hay, hai ca phẫu thuật được thực hiện gần như song song tại hai phòng mổ, với hai kíp mổ khác nhau.

Sở Y tế Hà Nội cho hay, ba nhà cung ứng các loại thuốc đã dùng cho bệnh nhân bị tử vong, gồm: Công ty Dược liệu T.Ư 2, Công ty cổ phần dược phẩm T.Ư 1 và Công ty Dược phẩm Vĩnh Phúc. Sở đã yêu cầu các đơn vị này rà soát báo cáo về số thuốc cùng lô dùng cho 2 bệnh nhân cung ứng cho các bệnh viện; các phản ứng bất thường liên quan đến thuốc (nếu có), các kết quả kiểm nghiệm chất lượng thuốc…

Theo nhận định của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, đánh giá ban đầu các bác sĩ chẩn đoán 2 bệnh nhân bị sốc phản vệ. Theo bà Nhị Hà: “Sau tiền mê 30 giây bệnh nhân tím tái, khó thở, tụt huyết áp, lú lẫn, lơ mơ. 


Thuốc bệnh nhân sử dụng gây mê giống nhau, chỉ khác nhau liều lượng (phụ thuộc vào cân nặng của bệnh nhân), là loại thuốc sử dụng phổ biến tại các bệnh viện, bệnh nhân xuất hiện cùng triệu chứng huyết áp tụt, vã mồ hôi, ngừng tim; cùng xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức, một thời điểm cách 20 phút. Để tìm ra nguyên nhân vụ việc, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa Trí Đức rà soát lại toàn bộ quy trình gây mê, hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân của bệnh viện”.

Sở Y tế Hà Nội cho rằng những nhận định trên là nghi vấn ban đầu, kết quả cuối cùng phải phụ thuộc vào khám nghiệm tử thi của hai bệnh nhân do cơ quan pháp y thực hiện. Dự kiến, khoảng 4 tuần nữa mới có kết quả pháp y. Sở Y tế Hà Nội cũng sẽ thành lập hội đồng chuyên môn của ngành để xem xét hồ sơ đã niêm phong.

Các thuốc gây mê đều có nguy cơ sốc phản vệ

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, Giảng viên chính bộ môn Dược, ĐH Y Dược TPHCM, cho biết, quá trình gây mê diễn biến qua các giai đoạn: Tiền mê, khởi mê, duy trì mê, hồi tỉnh và giai đoạn sau mổ. Trong bất kỳ giai đoạn nào đều có thể xảy ra các tai biến và biến chứng. Người gây mê cần phải thăm khám, đánh giá, tiên lượng tình trạng bệnh nhân trước thực hiện để có kế hoạch gây mê hồi sức hợp lý. 

Đồng thời cần phải theo dõi sát bệnh nhân trong và sau gây mê, nhằm kịp thời phát hiện và xử trí các biến chứng có thể xảy ra, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Thuốc gây mê là tiến bộ của y học nhưng cũng là con dao hai lưỡi. 

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, bên cạnh những lợi ích, thuốc gây mê có thể gây tác dụng phụ. như suy hô hấp, giảm huyết áp, suy chức năng tuần hoàn não. Một số thuốc có thể gây suy gan, suy thận. Chính vì vậy, khi sử dụng thuốc gây mê, thường phối hợp nhiều thuốc có tác dụng khác nhau để tạo ra trạng thái mê cân đối.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức khẳng định: “Về nguyên tắc, tất cả thuốc gây mê đều có nguy cơ sốc phản vệ. Chỉ có điều tỷ lệ nhiều hay ít. Muốn xác định nguyên nhân dẫn đến sốc phản vệ khi gây mê, cần tìm hiểu thuốc sử dụng gây mê, quy trình tiến hành gây mê, trình độ người thực hiện… 

Một số bệnh nhân mắc các bệnh lý đặc biệt như loạn dưỡng cơ, bỏng, tổn thương tủy sống, đái tháo đường; bệnh tim, thận; tăng huyết áp… là những trường hợp có nguy cơ cao gây phản ứng với thuốc gây mê”. 

Khi tiến hành gây mê, bác sĩ gây mê cần đánh giá sức khỏe của bệnh nhân, thảo luận với bệnh nhân về phương thức gây mê giảm đau cho từng trường hợp phẫu thuật cụ thể. Chịu trách nhiệm gây mê kiểm soát đau cho bệnh nhân, theo dõi chăm sóc bệnh nhân trong phẫu thuật và ngay sau phẫu thuật. Bác sĩ gây mê phải có bằng cấp, chứng chỉ chuyên khoa gây mê hồi sức hợp lệ.

Ngày 26/12, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cần chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan để xác định nguyên nhân dẫn đến tử vong của hai bệnh nhân trên. Kịp thời thăm hỏi, động viên, chia sẻ với gia đình người bệnh tử vong. Xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và xử lý theo quy định hiện hành (nếu có vi phạm). Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế  Hà Nội cần tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phẫu thuật. Đồng thời báo cáo Cục Quản lý Khám chữa bệnh về diễn biến quá trình xác định nguyên nhân tử vong, giải quyết vụ việc tử vong của hai bệnh nhân nói trên.