Vớt trăng

TP - Cách đây đã nhiều năm, tôi tình cờ chụp được một xê ri ảnh khá chân thật và sinh động về một chú khỉ ngây thơ đang nghịch bóng mình dưới nước, tại điểm sinh thái bán hoang dã ở một khu du lịch. Chia sẻ xê ri ảnh đầy may mắn này với bạn bè và tôi cho rằng, chú khỉ đang mê chấp lầm tưởng bóng mình là một chú khỉ khác.
Phát hiện.

Nhiều người đồng tình, nhưng có một số bạn bè khác lại nghĩ là tôi vẽ chuyện, “câu view”, bởi theo họ, đơn giản chú khỉ kia có thể đang khát nước, khát thì uống, thế thôi! Rất đúng, cuộc sống vốn thế, cứ để nó hồn nhiên nhi nhiên, đừng rắc rối hóa lên làm gì! Tại sao cứ phải là mê chấp, trong khi đơn giản chú khỉ kia rất có thể đang khát thì uống

Luận bàn…

Tuy nhiên, tôi vẫn cứ băn khoăn, vì đã quan sát khá lâu và nhận thấy chú khỉ lặp đi lặp lại hành vi này nhiều lần mà không uống nước. Tôi vẫn cho rằng có lẽ chú nghịch bóng  của mình dưới nước. Tôi giới thiệu ở đây hai bức trong xê ri ảnh để phần nào thấy được sự liên tục trong hành vi của chú khỉ.

Chú khỉ khát thì uống hay nghịch bóng, tưởng như cùng một loại hành vi, nhưng rốt cục khác nhau nhiều lắm: một bên là bản năng và một bên đã có chút bóng dáng can thiệp sơ khai của ý thức. Các nhà khoa học thực nghiệm đã chứng minh được trí khôn tiềm năng của loài khỉ và các loài khác trong bộ linh trưởng. Chính vì vậy mà các nhà khoa học đặt tên linh trưởng bằng âm Hán-Việt cho bộ động vật này với hàm ý: linh,  có nghĩa là tinh anh, lanh lẹ, trưởng, có nghĩa là đứng đầu, hàng thứ nhất, có tài. Như vậy linh trưởng là bộ các động vật có độ tinh anh (trí tuệ) cao hàng đầu trong số các động vật hoang dã.

Mặc dù vậy, để tìm cách “định lượng khoa học” hành vi  kia của chú khỉ nhằm phân biệt là bản năng hay ý thức mà chỉ dựa vào những bức ảnh ngẫu hứng thì thật không thể và không cần thiết. Bởi, tất cả chúng tôi đều đã cùng thừa nhận: cả hai phẩm chất này đang thuộc sở hữu của các loài trong bộ linh trưởng. Cứ nhìn thấy sự hào hứng đầy thích thú của chú khỉ giữa không gian yên tĩnh thì cả tôi lẫn mọi người đều sẽ quên hết mọi toan tính để hồn nhiên tiếp nhận sự hấp dẫn của cuộc sống tự nhiên với đầy đủ sự nguyên vẹn của nó như chúng ta đã từng thấy, từng biết, không sai, trước đây và sau này…, theo đó sẽ yêu thêm môi trường sống của mình. Nhưng, câu chuyện không dừng lại ở đây, bởi còn có những người, từ cả ngàn năm trước, lại nhìn thấy trong những hành vi tự nhiên khó phân định này của loài khỉ những khía cạnh “xã hội”, vừa độc đáo, vừa thâm hậu, và lạ thay cũng rất chí lý! Ðó là cái nhìn của các vị thiền sư.

Nghịch bóng.

Hasegawa Tohaku (1539- 1610), một họa sỹ thiền sư người Nhật Bản, chuyên vẽ tranh về Phật, vẽ nhiều về khỉ, vượn, liên quan đến đề tài thiền và được coi là bậc thầy vĩ đại về tranh thủy mặc (người Nhật gọi là tranh mặc hội). Bức tranh thủy mặc Vượn vớt trăng, được họa sỹ thiền sư Hasegawa Tohaku vẽ từ hơn 500 năm trước. Theo các nhà phê bình mỹ thuật, với những nét bút phóng khoáng tối giản, những mảng đen trắng nhiều khoảng trống đặc trưng trong tranh thủy mặc, vị thiền sư đã miêu tả sinh động một chú vượn ngờ nghệch lầm tưởng bóng trăng dưới mặt hồ là vầng trăng thật, nên cố vươn mình để vớt. Và dĩ nhiên chú vượn đã thất bại. Có lẽ chính câu chuyện ngụ ngôn “Khỉ vớt trăng” tồn tại từ lâu trong dân gian có nội dung đồng điệu với thiền sự nên đã gợi hứng cho thiền sư Tohaku tạo nên họa phẩm này. Bức tranh của họa sỹ mặc dù được người đời cho là tuyệt tác, nhưng lại không sinh ra chỉ để “vị nghệ thuật”, mà trước hết  và đơn giản nó phải làm nhiệm vụ là phương tiện cho ngài truyền bá Phật pháp tới các đệ tử, giúp cho họ quán chiếu những nghĩa lý sâu xa về thiền, về lời Phật dạy: Hãy sống bằng thực tại, đừng nhầm lẫn và ảo tưởng về những điều không có thật, những điều không thuộc về thực lực của mình, đó là mê chấp ảo vọng! 

Hãy sống bằng thực tại, đừng nhầm lẫn và ảo tưởng về những điều không có thật, những điều không thuộc về thực lực của mình, đó là mê chấp ảo vọng!  

Nghĩa lý sâu xa này của nhà Phật có lẽ rất quan trọng với các bậc tu hành, nên các vị thiền sư không chỉ thể hiện trong tranh thủy mặc, mà ở cả nhiều sản phẩm nghệ thuật thiền khác, với các nội dung và hình thức rất phong phú và sinh động, trong đó có thơ Haiku (Nhật Bản):              

Bướm ơi!/Nét bút chẳng phải là hoa/Chỉ là bóng dáng của chúng mà thôi.

Soseki

Với các vị thiền sư, bóng trăng là “ngôn từ” của vầng trăng, bức họa là “ngôn từ” của bông hoa, mà ngôn từ thì lại chẳng bao giờ đồng nhất với thực tại cả. Lấy cảm hứng từ câu chuyện dân gian để ngụ ý sâu xa về thiền, vả chăng thông qua bức tranh thủy mặc độc đáo “Vượn vớt trăng”, thiền sư Tohaku muốn đặt một câu hỏi mở không những chỉ dành cho các bậc tu hành, mà còn hướng vào cuộc sống: Sau thất bại, liệu chú vượn có tỉnh ngộ và nhận ra sai lầm của mình?

Bức tranh thủy mặc “Vượn vớt trăng” của họa sỹ thiền sư Hasegawa Tohaku. Ảnh chụp lại từ tư liệu.

Không có và không cần câu trả lời trực tiếp, mỗi chúng ta dù muốn hay không vẫn dễ dàng nhìn thấy ở bức tranh một sự liên tưởng đời thường rất thú vị: Trong thế giới con người chúng ta cũng có không ít người đã và đang cố gắng dùng mọi thủ đoạn để tranh đoạt và bám víu vào ảo vọng mà bỏ quên mất thực tại, bất chấp những hệ lụy do nó sẽ gây ra cho cộng đồng và cả cho chính bản thân mình. Không thiếu những dẫn chứng trong cuộc sống quanh ta và trên các phương tiện thông tin truyền thông về các hành vi tranh đoạt những “giá trị” không thuộc về mình, không phù hợp với năng lực của mình. Các bậc chân tu và cả người đời cho rằng đó là danh, lợi, tình mộng mị/tợ đáy nước trăng ngà/lặn chìm trong mê hoặc/nên ngàn đời xót xa (Thích Tánh Tuệ), cần phải tìm cách giải trừ... Bên cạnh câu chuyện ngụ ngôn “Khỉ vớt trăng” có từ cổ xưa đang xuất hiện và tồn tại một dị bản có cái kết thật… hiện đại, xem ra đó chỉ có thể là sản phẩm của những người đương đại: Có một con khỉ chúa ban ra mệnh lệnh trong lãnh địa của mình: Nếu ai vớt được mặt trăng dưới nước sẽ được trọng thưởng. Hầu hết những con khỉ đều thất bại. Nhưng có một con khỉ nọ, không biết bằng cách nào lại vớt được mặt trăng dưới nước, đem dâng thủ lĩnh. Ðược trăng, khỉ chúa mừng rỡ nói: “Ngươi thật tài giỏi, vượt hơn những kẻ khác!”. Tuy nhiên, con khỉ ấy lại nói: “Nhưng thưa thủ lĩnh,  không biết Ngài sẽ làm gì với mặt trăng này?”. Khỉ chúa  ngần ngừ suy nghĩ chút rồi đáp, “Ờ… Thật ra ta cũng chưa nghĩ đến điều ấy”…

Trở lại với xê ri ảnh Khỉ nghịch bóng, do tôi chưa biết dùng vào việc gì, đưa vào thư mục lưu trữ lâu ngày nên đã lãng quên. Vậy mà, phải đợi đến  hơn 1.200 ngày sau, khi được tiếp cận bức tranh Thiền của Thiền sư Hasegawa Tohaku, tôi mới bỗng vụt nhớ đến những bức ảnh về chú khỉ kia và chứng ngộ một điều: hóa ra, phía dưới mặt phẳng cuộc sống bình thường mà mình đã chứng kiến kia còn tồn tại một hoặc nhiều tầng nghĩa khác. Ngụ ngôn, thật sâu sắc và hữu ích, nhưng phải nhờ đến người của hơn 500 năm trước chỉ ra mới biết! Quả là tri thức vô bờ, không chiều kích, tiền nhân và hậu sinh đều có thể hỗ trợ chúng ta! Chính thế, tôi đã liên tưởng đến những bức ảnh Khỉ nghịch bóng bình thường của mình và bắt chước các vị thiền sư ghi là mê chấp, cho nhuốm màu thiền, cho phong phú thêm góc nhìn về cuộc sống!