Vô lý dân nghèo phải dùng thuốc giá cao

TP - “Thật vô lý khi dân còn nghèo mà phải mua với giá thuốc cao như vậy! Tôi đề nghị phải rà soát để không có kẽ hở trong độc quyền nhập khẩu thuốc”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) kiến nghị.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Như Ý.

Lòng vòng trung gian đẩy thuốc giá cao

Thảo luận về Luật Dược (sửa đổi) ngày 25/3, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phản ánh tình trạng luật không quy định về sự hạn chế, độc quyền nhập khẩu thuốc nhưng trên thực tế lại diễn ra. Theo đại biểu Cương, việc độc quyền nhập khẩu thuốc và để thuốc qua nhiều tầng trung gian làm giá thuốc bị đẩy lên. Ông Cương ví dụ, thuốc điều trị viêm gan C, giá nhập khẩu chỉ khoảng 4 triệu đồng/hộp, trong khi đó người dân phải mua với giá 14 triệu đồng/hộp. “Thật vô lý khi dân còn nghèo mà phải mua với giá thuốc cao như vậy! Tôi đề nghị phải rà soát như thế nào đó trong quy định để không có kẽ hở trong độc quyền nhập khẩu thuốc”, đại biểu Cương đề nghị.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng, phải bổ sung các biện pháp quản lý giá thuốc trên cơ sở phân tích nguyên nhân một số mặt hàng thuốc giá cao. Bà Lan đề nghị ngành Y tế cần hạn chế các tầng lớp trung gian, sắp xếp lại mạng lưới lưu thông phân phối thuốc đang quá dư thừa. Bởi một loại thuốc khi phải trải qua quá nhiều tầng lớp trung gian sẽ bị đội giá lên cao. 

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, tình trạng mua bán thuốc chưa được quản lý tốt, do vậy cần phải có chế tài mạnh trong vấn đề này để chống độc quyền, làm giá thuốc. “Thuốc nhập khẩu vẫn chưa quản lý được, vẫn phải đi lòng vòng, dẫn đến bị đẩy giá lên cao. Giá thuốc, chất lượng thuốc cần phải ưu tiên hàng đầu”, đại biểu Đỗ Văn Vẻ đề nghị.

Còn theo đại biểu Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, dược liệu ở Việt Nam đa số nhập của nước ngoài, thế nhưng trình độ của chúng ta lại không có khả năng kiểm soát nguồn nguyên liệu có tiêu chuẩn chất lượng đến đâu. Dược liệu nhập chủ yếu là các loại đã chiết xuất hoạt chất thành các chất dược liệu tốt bán ở nước bạn, sau đó chiết xuất lần hai, lần ba để xuất sang Việt Nam với giá rất rẻ, chỉ bằng một phần dược liệu trong nước.

“Người bệnh cứ uống toàn thuốc bã thì làm sao khỏi được bệnh. Nếu cứ tiếp tục sử dụng nguồn dược liệu nhập này thì ngành y học cổ truyền của chúng ta sẽ dần dần bị triệt tiêu”, ông Tiên bày tỏ. Giải pháp khắc phục vấn đề về giá, đại biểu Tiên đề nghị nên chỉ định thầu, sẽ có lợi cho người dân, cho doanh nghiệp và cho cả người bệnh.

Sửa một từ mất 6 tháng

Đồng tình với dự thảo đã rút ngắn thời gian cấp lại số đăng ký từ 6 tháng xuống 3 tháng, nhưng đại biểu Phạm Khánh Phong Lan còn nhiều băn khoăn với thời gian cấp mới số đăng ký lại tăng từ 6 tháng lên 12 tháng, vì kéo dài như vậy dễ gây nhũng nhiễu.

“Ở TPHCM có kỷ niệm buồn là một doanh nghiệp khi nộp hồ sơ lên, theo luật trong 6 tháng sẽ phải cấp nếu không phải trả lời. Khi gần hết thời gian, được mời lên, hồ sơ đầy đủ, nhưng có một chi tiết đề nghị về bổ sung, làm lại, đó là thay chi tiết tinh bột bắp bằng tinh bột ngô cho đúng chuẩn. Và như vậy là mất toi thêm 6 tháng. Hiện nay rất nhiều thuốc đang bị tồn đọng hồ sơ hàng năm trời, các doanh nghiệp rất thắc mắc”, đại biểu Lan nêu bất cập.

Nữ đại biểu đang là Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM đề nghị nếu không giảm thì phải giữ nguyên 6 tháng như hiện nay và phải quy định rõ thế nào là nhận đủ hồ sơ để tránh tiêu cực, nhũng nhiễu xảy ra.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng, phải bổ sung các biện pháp quản lý giá thuốc trên cơ sở phân tích nguyên nhân một số mặt hàng thuốc giá cao. Bà Lan đề nghị ngành Y tế cần hạn chế các tầng lớp trung gian, sắp xếp lại mạng lưới lưu thông phân phối thuốc đang quá dư thừa. Bởi một loại thuốc khi phải trải qua quá nhiều tầng lớp trung gian sẽ bị đội giá lên cao.