Sáng 8/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15.
Là người được phát biểu đầu tiên, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) đánh giá, năm 2020, Việt Nam là một quốc gia thành công trong phòng, chống COVID-19. Tuy nhiên, đến giữa năm 2021, trước sự xuất hiện của chủng Delta với độc tố và tốc độ lan truyền rất cao, đã có lúc, có nơi lúng túng trong ứng phó, và chịu tổn thất khá nặng nề, đặc biệt ở TPHCM - trung tâm kinh tế, thương mại lớn nhất của cả nước.
“Đối với việc cách ly xã hội, chúng ta phải làm sớm, nhanh, chặt nhưng cũng phải ở diện hẹp nhất. Đối với công tác xét nghiệm, phải triển khai khoa học, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm nhưng phải là thần tốc. Đối với công tác điều trị, phải triển khai tích cực nhất, từ sớm nhất, từ cơ sở để giảm tử vong” - Đại biểu Trần Văn Khải.
Theo đại biểu Trần Văn Khải, việc Chính phủ ban hành Nghị Quyết 128 về thích ứng linh hoạt trong phòng, chống dịch COVID-19 là một bước tiến rất quan trọng.
Đại biểu đoàn Hà Nam cho rằng, bài học cần rút ra là đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt trong từng hành động, cầu thị trong học hỏi và sự quả cảm trong thay đổi nhận thức - tư duy.
“Đối với việc cách ly xã hội, chúng ta phải làm sớm, nhanh, chặt nhưng cũng phải ở diện hẹp nhất. Đối với công tác xét nghiệm, phải triển khai khoa học, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm nhưng phải là thần tốc. Đối với công tác điều trị, phải triển khai tích cực nhất, từ sớm nhất, từ cơ sở để giảm tử vong”, ông Khải nêu.
“Du lịch mùa thiên tai"
Cùng mối quan tâm đến vấn đề dịch bệnh COVID-19, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) thông tin về một cặp vợ chồng tuy có hoàn cảnh bình thường nhưng đã tình nguyện ủng hộ 2 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch. Điều đó cho thấy, lòng yêu nước của nhân dân chưa bao giờ vụt tắt. Đại biểu cũng đánh giá cao sự kế thừa, khơi dậy sự tin tưởng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Liên quan đến lao động việc làm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đánh giá, 2 năm qua rất khó khăn, và sang năm cũng sẽ tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó khăn. Bên cạnh đẩy nhanh tiêm chủng, trợ cấp và tạo động lực cho người lao động làm việc, nhưng cũng tránh đào tạo tràn lan, tốn kém.
"Sở Du lịch Quảng Bình đang nghiên cứu lập mô hình du lịch mùa thiên tai. Tôi cho rằng đây sẽ là những trải nghiệm đáng có trong cuộc đời mỗi người" - Đại biểu Nguyễn Minh Tâm.
Để phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới, đại biểu Tâm kiến nghị hỗ trợ trực tiếp, linh hoạt cho lực lượng nhỏ, siêu nhỏ, tạo điều kiện trong việc tiếp cận vốn, góp phần phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới. Bên cạnh đó, cần có giải pháp bảo đảm an toàn cho du khách trong điểm đến.
Trước thời điểm miền Trung bước vào mùa thiên tai, bão lũ, đại biểu đoàn Quảng Bình cho rằng, trong đau thương chúng ta luôn cố gắng tìm ra giải pháp thích ứng, đồng thời đề cập đến loại hình “du lịch mùa thiên tai”. "Sở Du lịch Quảng Bình đang nghiên cứu lập mô hình du lịch mùa thiên tai. Tôi cho rằng đây sẽ là những trải nghiệm đáng có trong cuộc đời mỗi người", bà Tâm cho hay.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) quan tâm đến một nền nông nghiệp đang gặp nhiều bất ổn. Theo đại biểu, tập trung đất đai là điểm xuất phát để sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tuy nhiên đất đai hiện nay manh mún, phân tán, nhiều hộ sở hữu nhiều mảnh đất nhỏ, rải rác.
Đại biểu cho rằng, muốn sản xuất lớn phải có chính sách lớn, việc sớm sửa đổi Luật Đất đai để hình thành các mô hình hoạt động quy mô lớn, tăng cường liên kết là nguyện vọng của cử tri hiện nay. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp hạ giá phân bón, các mặt hàng thiết yếu nông nghiệp, từ đó tháo gỡ khó khăn cho người dân.