> Nhiều cách để đưa pháp luật vào học đường
> Chuyện bò sữa và người trẻ lệch chuẩn
Đây là một nguyên nhân được phân tích trong hội thảo Thực trạng và giải pháp phòng ngừa hành vi bạo lực trong học sinh nữ do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 19-12.
Ngây ngô phạm tội
Theo các cơ quan chức năng, năm nay các clip học sinh bị đánh hoặc đánh nhau xuất hiện ít hơn năm 2009 (là năm xuất hiện hàng loạt clip học sinh đánh nhau) nhưng thực tế tình trạng bạo lực học đường vẫn là một vấn đề nóng trong dư luận.
Nhắc lại sự kiện clip nữ sinh Phú Thọ bị những nữ sinh khác cùng trường đánh hội đồng năm 2009 và nhiều clip học sinh đánh nhau khác, ông Hà Minh Tân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ cho rằng, đó chỉ là một phần nhỏ trong thực trạng đánh nhau của học sinh. “Năm 2009 nhiều clip đánh nhau là vì các cháu đang thích trò quay clip. Giờ các cháu chán quay clip, nhưng các cháu vẫn đánh nhau”, ông Tân nói.
Cũng từ “cảm hứng” quay clip đánh nhau một thuở của học sinh, ông Tân cảnh báo hiện tượng ngây ngô trong nhận thức của các em, thậm chí của cả cha mẹ các em về việc vi phạm luật pháp.
Ông Tân kể: “Ba học sinh rủ nhau lấy hai cái sim trong điện thoại của một học sinh khác. Em học sinh kia không cho, nên cả ba cùng hè nhau đánh một em. Ra tòa ba em đó cũng như gia đình ngỡ ngàng khi các em bị quy tội danh là cướp tài sản, mức án thấp nhất cho khung hình phạt của tội danh này là 4 - 5 năm tù. Rất nhiều trường hợp học sinh vì thiếu một trăm nghìn đồng trả quán Net nên phạm tội cướp của, giết người”.
Giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực
Ong Trần Thanh Sơn, Trưởng ban Đại diện Cha mẹ Học sinh trường THPT Trương Định, Hà Nội nói: “Thái độ vô cảm ngày càng nhiều. Người ta đứng xem đánh nhau mà không có thái độ bảo vệ nạn nhân. Điều đó làm cho các bậc cha mẹ học sinh luôn cảm thấy môi trường học đường không còn an toàn, con em chúng ta không được bảo vệ”.
Các đại biểu đến từ các tỉnh Quảng Ninh, Phú Thọ, Hải Phòng, Lạng Sơn… cũng chỉ trích thái độ vô cảm trước cái xấu của chính các em học sinh. “Gần đây có một vụ học sinh lớp 11 bị lột áo cắt tóc gần trường thế nhưng rất đông học sinh trong đó có nhiều học sinh nam không một ai đứng ra can ngăn và bênh vực bạn gái bị hành hung”, một đại biểu Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.
Đồng tình với các nhận định trên, TS Nguyễn Thị Bích Điểm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên (Học viện Thanh thiếu niên) cung cấp: Theo một kết quả khảo sát mới đây của viện, 69,5% học sinh cho biết các em thường làm ngơ khi thấy người khác làm sai nội quy, quy định hoặc vi phạm luật pháp; 62,5% học sinh cho biết các em thấy không có vấn đề gì khi mình vi phạm một cách không có chủ định các quy định nơi công cộng.
Phân tích nguyên nhân của các thực trạng trên, các đại biểu đề cập vấn đề nêu gương của người lớn. “Con người được học tập về lối sống đạo đức, cách hành xử ở ngoài nhà trường gấp 3 lần so với trong trường. Những đứa trẻ thấy bố, mẹ làm gì ở nhà, ngoài đường, các em đều học hết bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp”, ông Trần Thế Hồng, Văn phòng Thường trực Phòng chống Tội phạm và Ma túy, Tổng Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm - Bộ Công an nói.
Ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh – Sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết, theo thống kê mới nhất của Bộ này, từ đầu năm học 2009 đến cuối năm 2011, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học.
Theo một thống kê của một đơn vị chức năng trong Bộ Công an, trong 10 năm (2000-2010), lực lượng công an toàn quốc phát hiện trung bình 9.000 vụ phạm tội/năm do trên 12.000 em ở tuổi vị thành niên.