Dịch bệnh COVID-19 bùng phát gây nên muôn vàn khó khăn, mất mát. Chỉ tính riêng tại tỉnh Bình Dương, đợt dịch lần thứ tư đã khiến hơn 200.000 người mắc COVID-19, hơn 2.000 người tử vong. Dịch bệnh làm cuộc sống đảo lộn, nhà máy đóng cửa, người lao động thất nghiệp, cảnh người thân ly tan… Tuy nhiên, đáng mừng là Bình Dương có đến gần 190.000 bệnh nhân mắc COVID-19 được xuất viện về nhà.
Chia sẻ với PV Tiền Phong sau khi mắc COVID-19 được điều trị khỏi bệnh về nhà, chị Trần Thị Tuyết (ngụ phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết, suốt gần 1 tháng chống chọi với “thần chết” mang tên COVID-19, đã có lúc chị nghĩ không còn cơ hội sống.
“Vượt qua căn bệnh kỳ lạ này, tôi nhận thấy rằng, COVID-19 chưa phải là thứ đáng sợ nhất mà “virus thông tin” mới thật sự ghê gớm. Khi tôi vừa mới phát hiện dương tính, chưa có triệu chứng nhưng vì lo lắng, tôi lên mạng tìm hiểu. Đang trong lúc hoang mang, tôi càng rơi vào khủng hoảng tinh thần khi xem toàn những thông tin chia sẻ trên mạng xã hội nào là người mập đã mắc COVID-19 thì tỷ lệ tử vong gần như tuyệt đối. Bản thân cũng mập nên rất lo. Tinh thần suy sụp khiến bệnh trở nặng hơn. Ngày tôi phải nằm thở oxy, tôi đã nghĩ đến chuyện không còn cơ hội sống tiếp”, chị Tuyết chia sẻ.
Cùng hoàn cảnh, chị Nguyễn Thị Phượng (ngụ phường Bình Hòa, TP Thuận An, Bình Dương) cho biết: “Tôi lên mạng xã hội thì thấy người ta chia sẻ ai đã tiêm 2 mũi vắc xin rồi thì yên tâm không lo mắc COVID-19. Tôi may mắn được tiêm hoàn thành 2 mũi nên xem đó là “lá chắn” nhưng chỉ một chút lơ là, tôi trở thành F0 từ khi nào không hay biết. Gần 2 tuần nằm vật vã điều trị COVID-19 ở khu tập trung buộc tôi suy nghĩ nhiều thứ”.
Một số thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội không chỉ chưa chính xác, thiếu cơ sở gây ảnh hưởng đến tâm lý người dùng mà còn tạo sự hoang mang trong dư luận. Thượng tá Nguyễn Tấn Vũ, Phó trưởng Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Bình Dương cho biết, tính từ đầu mùa dịch đến nay, đơn vị phối hợp với các ngành liên quan phát hiện, xử lý hơn 170 tài khoản mạng xã hội đăng tải, chia sẻ, bình luận các bài viết có nội dung sai sự thật về dịch COVID-19 và công tác phòng, chống dịch.
Theo Thượng tá Vũ, nội dung các tin giả, tin sai sự thật chủ yếu xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của địa phương; về cung cấp, hỗ trợ mua thực phẩm cho hộ dân trong khu vực phong tỏa và chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Nguyên nhân dẫn đến hành vi đăng tin sai sự thật là do một bộ phận nhỏ người dân chủ yếu là công nhân lao động thất nghiệp do dịch bệnh, khi nghe các tin đồn hoặc các tin chưa được kiểm chứng, xác thực trên mạng xã hội về tình hình dịch bệnh đã vội đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội gây hoang mang, bất an trong dư luận.
Đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương chia sẻ với PV Tiền Phong rằng, một số nguồn thông tin chia sẻ trên mạng xã hội có hiệu ứng tích cực, tạo sự đồng lòng, chia sẻ, đoàn kết chung tay phòng, chống dịch trong nhân dân. Tuy nhiên, cũng có những thông tin xuyên tạc không chỉ gây ảnh hưởng phòng, chống dịch còn mất an ninh trật tự.
“Không ít trường hợp chia sẻ thông tin lên facebook nói không còn hạt gạo nhưng khi đến xác minh thì không đúng, điều này không chỉ gây hoang mang còn làm ảnh hưởng đến những trường hợp khó khăn thật sự, có khi họ nói lại không ai tin. Một số người lập nhóm kích động, kêu gọi những người tham gia lập đoàn về quê tự phát gây ảnh hưởng đến công tác phòng dịch tại nơi đi, nơi đến. Có người muốn về quê thật sự nhưng cũng có người đi vì hiệu ứng đám đông”, một đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương chia sẻ.