Theo đó, IATA Travel Pass là ứng dụng toàn cầu, do IATA phát triển, sử dụng trên thiết bị thông minh cầm tay (điện thoại, máy tính bảng). Ứng dụng sẽ lưu trữ thông tin sức khỏe của hành khách, các kết quả xét nghiệm, lịch sử tiêm vắc xin COVID-19... Thông tin này hoàn toàn bảo mật, nhất quán giữa các bên gồm chính phủ, cơ sở xét nghiệm, hãng hàng không và hành khách.
Ứng dụng cũng giúp kết nối thông tin của hành khách với các chính phủ và hãng hàng không để thuận tiện cho công tác kiểm tra, quản lý, tương tự một “hộ chiếu điện tử”.
IATA Travel Pass hiện đã nhận được phản hồi tích cực từ chính phủ của hơn 70 quốc gia và đang được hơn 20 hãng hàng không thử nghiệm, như: Singapore Airlines, Qatar Airways...
Mới đây, Thủ tướng cũng giao các bộ ngành của Việt Nam nghiên cứu về “hộ chiếu vắc xin” để có thể áp dụng mở lại đường bay quốc tế, khôi phục thị trường du lịch.
Hiện người dân nhiều nước trên thế giới, đặc biệt các quốc gia phát triển, đang được tiêm vắc xin COVID-19 với số lượng ngày càng nhiều. Điều này mở ra cơ hội cho các nước có thể nối lại hoạt động giao thương, du lịch với những người đã tiêm phòng.
“Hộ chiếu vắc xin” được nhắc tới là giải pháp để các nước cho phép những người đã tiêm phòng đầy đủ vắc xin COVID-19 được phép đi lại bình thường giữa các quốc gia, và trong nội địa mỗi nước, mà không phải cách ly khi nhập cảnh. Khi không phải cách ly, sẽ khuyến khích du khách đi lại.
Với Việt Nam, một số chuyên gia đã đề xuất áp dụng “hộ chiếu vắc xin” để đón đầu cơ hội, khi trong nước kiểm soát dịch bệnh tốt. Trước mắt, có thể tạo luồng khách quốc tế riêng tại một số khu vực trong thời gian vài ngày, sau đó mở dần và khách có thể đi lại tự do. Tuy nhiên, để áp dụng được cần sự thông nhất giữa các quốc gia để công nhận lẫn nhau, và trên cơ sở có đi, có lại.