Việt Nam sẽ có 27 khu bảo tồn biển vào năm 2030

TPO - Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 1539/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu chung của Đề án nhằm quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt khoảng 6% vào năm 2030 diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng, bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên giữa các hệ sinh thái đất liền và biển.

Mục tiêu của của Đề án cũng đặt vấn đề chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; phát triển bền vững kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

Khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần với nhiều nguồn sinh vật biển quý hiếm cần được bảo vệ.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là mở rộng diện tích, thành lập mới và quản lý hiệu quả 27 khu bảo tồn biển để đảm bảo đến năm 2030 tổng diện tích biển được bảo tồn đạt khoảng 0,463% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam.

Quản lý hiệu quả 59 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và 63 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn ở vùng biển, đảm bảo tổng diện tích khu vực được khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống của các loài thủy sản đạt khoảng 2,303% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam.

Cùng đó, Việt Nam sẽ xác lập được khu vực áp dụng biện pháp bảo tồn hiệu quả khác để đảm bảo tổng diện tích khu vực biển được bảo tồn đạt khoảng 1,534% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam.

Mở rộng diện tích, thành lập mới và quản lý hiệu quả các khu Ramsar, khu bảo tồn đất ngập nước, vùng đất ngập nước quan trọng ven biển để đảm bảo tổng diện tích các khu Ramsar, khu bảo tồn đất ngập nước, vùng đất ngập nước quan trọng ven biển đạt khoảng 1,5% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam.

Cùng đó, sẽ nuôi cấy san hô, trồng cỏ biển, rừng ngập mặn nhằm tái tạo, phục hồi hệ sinh thái biển, tạo môi trường sống cho các loài thuỷ sản sinh; quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, đảm bảo cho diện tích vùng biển được phục hồi và bảo tồn đạt 0,2 diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam.

Sớm thành lập các khu bảo tồn biển

Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) cho biết, tháng 5/2024, Thủ tướng đã có Quyết định số 389, phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Lãnh đạo Cục Kiểm ngư và tỉnh Cà Mau trao Quyết định thành lập khu bảo tồn biển tỉnh Cà Mau.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam 27 khu bảo tồn biển được thành lập và hoạt động hiệu quả, trong đó có 11 khu bảo tồn biển cấp quốc gia và 16 khu bảo tồn biển cấp tỉnh.

Mới đây, Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) phối hợp với tỉnh Cà Mau tổ chức Lễ ra mắt khu bảo tồn biển Cà Mau, và hội thảo về giải pháp thúc đẩy thành lập mới các khu bảo tồn biển Việt Nam.

Khu bảo tồn biển Cà Mau có diện tích 27.000 héc ta bao gồm vùng biển xung quanh các cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Đá Bạc. Trong đó, phân khu phục hồi sinh thái chiếm diện tích lớn nhất, với trên 60%.

Như vậy, đến nay Bộ NN&NPTNT cùng với các địa phương đã thành lập và đưa vào hoạt động 6 khu bảo tồn biển: Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Hòn Cau (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang) và Cà Mau (tỉnh Cà Mau).

Có 4 khu vực biển thuộc Vườn Quốc gia trong hệ thống rừng đặc dụng là Vườn quốc gia Bái Tử Long (Quảng Ninh); Vườn Quốc gia Cát Bà (Hải Phòng); Vườn Quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận); Vườn Quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Có 2 vùng biển đã được quản lý, nhưng chưa thành lập khu bảo tồn theo Luật Thuỷ sản 2017 là Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Vịnh Nha Trang (Khánh Hòa).

Tại Quảng Ninh, khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần (Quảng Ninh) hiện tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết, đang chờ duyệt thành lập. Khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần có các hệ sinh thái ven biển và biển; hệ sinh thái rạn san hô; hệ sinh thái rong - thảm cỏ biển; hệ sinh thái bãi triều quanh các đảo… là nơi cư trú, cung cấp thức ăn và bãi giống, bãi đẻ cho các loài hải sản và các loài thủy sinh vật sinh sống trong khu vực.

Các ngành chức năng đang tăng cường kiểm soát hoạt động phát triển du lịch tại các khu bảo tồn biển nhằm hạn chế tác động tới hệ sinh thái.

Theo các chuyên gia đánh giá, đây là khu vực từng có mức độ đa dạng sinh học cao nhất của các đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc, một trong những khu dự trữ nguồn gen lớn của dải ven biển Việt Nam.

Việc thành lập KBTB này nhằm mục tiêu bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị đa dạng sinh học, đặc biệt là đa dạng các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù, các loài, nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, nét đẹp, cảnh quan tự nhiên độc đáo của vùng biển Cô Tô được giữ gìn và tôn tạo phục vụ phát triển nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và tăng cường vai trò cộng đồng quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên…

Theo Cục Kiểm ngư, đến nay tổng diện tích khu vực biển được khoanh vùng bảo tồn và quản lý đa dạng sinh học khoảng 208.661 ha, chiếm khoảng 0,208% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam.

8 nhiệm vụ, dự án được ưu tiên trong Đề án theo Quyết định số 1539 của Thủ tướng:

1. Truyền thông nâng cao năng lực về bảo tồn, bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái biển.

2. Điều tra xác định các khu vực có tiềm năng xác lập khu vực bảo tồn có hiệu quả khác ở vùng biển Việt Nam.

3. Phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, có biển, rừng ngập mặn bị suy thoái.

4. Điều tra, đánh giá tổng thể hiệu quả bảo tồn, bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái biển giai đoạn 2021 - 2030.

5. Xây dựng cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên tại các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

6. Đánh giá khả năng lưu trữ các-bon của các hệ sinh thái biển điển hình.

7. Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý và công nghệ viễn thám trong quản lý hệ sinh thái biển.

8. Kiểm soát chất thải và các nguồn gây ô nhiễm môi trường tại các khu vực biển được bảo tồn, bảo vệ và phục hồi.