Khu bảo tồn biển Hòn Cau sẽ ra sao khi điều chỉnh chức năng?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Khu bảo tồn biển Hòn Cau (Bình Thuận) sẽ được điều chỉnh từ 4 vùng chức năng (vùng lõi, vùng đệm, vùng phục hồi sinh thái và vùng phát triển) thành 3 phân khu chức năng (phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ hành chính) và vùng đệm theo quy định mới của Chính phủ.

Ông Nguyễn Thanh Phúc - Phó giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau vừa cho biết, hiện đơn vị này đang hoàn thiện đề án Rà soát, điều chỉnh phân khu chức năng và ranh giới Khu bảo tồn biển Hòn Cau, tỉnh Bình Thuận để trình UBND tỉnh gởi lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn theo quy trình, thủ tục quy định. Trước đó, đề án này đã được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thống nhất thông qua, đã được UBND tỉnh và Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận cho ý kiến.

Khu bảo tồn biển Hòn Cau sẽ ra sao khi điều chỉnh chức năng? ảnh 1

Sau khi điều chỉnh Khu bảo tồn biển Hòn Cau sẽ có diện tích hơn 16.607 ha.

Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã được UBND tỉnh Bình Thuận thành lập vào năm 2010 và hoạt động theo quy chế quản lý hoạt động số 42/2012/QĐ-UBND ngày 17/10/2012. Đây là khu bảo tồn loài, sinh cảnh cấp tỉnh với tổng diện tích 12.500 ha thuộc phạm vi 3 xã Phước Thể, Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân của huyện Tuy Phong.

Khu bảo tồn biển Hòn Cau được phân thành 4 vùng chức năng, gồm vùng bảo vệ nghiêm ngặt (vùng lõi), vùng đệm, vùng phục hồi sinh thái và vùng phát triển. Mục tiêu của Khu bảo tồn biển Hòn Cau là bảo vệ tài nguyên biển, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ nơi quần cư của các loài sinh vật, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và du lịch sinh thái, quản lý và sử dụng bền vững nguồn lợi hải sản.

Tuy nhiên, qua hơn 10 năm hoạt động, trong bối cảnh có sự phát triển mạnh mẽ của các ngành kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và Cảng quốc tế Vĩnh Tân, đang có sự chồng lấn trong vùng nước của khu bảo tồn biển. Điều này không những ảnh hưởng lớn đến chức năng của khu bảo tồn, khó đáp ứng được các mục tiêu bảo tồn đã đề ra mà còn ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án nói trên tại khu vực này.

Theo đề án, sau khi điều chỉnh Khu bảo tồn biển Hòn Cau sẽ có diện tích hơn 16.607 ha, gồm hơn 16.467 ha biển và 140 ha đất. Cụ thể, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích hơn 1.523 ha (gồm phần biển gần 1.385 ha và phần đất trên đảo Hòn Cau là 139 ha), phân khu phục hồi sinh thái có diện tích gần 964 ha biển, phân khu dịch vụ hành chính có diện tích là 4.120 ha (gồm 4.119 ha biển và 1 ha đất trên đảo Hòn Cau). Vùng đệm của Khu bảo tồn biển Hòn Cau sẽ có diện tích biển là 1.356 ha.

Khu bảo tồn biển Hòn Cau sẽ ra sao khi điều chỉnh chức năng? ảnh 2
Khu bảo tồn biển Hòn Cau có các rạn san hô quý, độ bao phủ cao.

Theo đó, Khu bảo tồn biển Hòn Cau được điều chỉnh từ 4 vùng chức năng (vùng lõi, vùng đệm, vùng phục hồi sinh thái và vùng phát triển) thành 3 phân khu chức năng (phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ hành chính) và vùng đệm theo quy định mới của Chính phủ.

Ngoài việc tiếp tục duy trì nguyên hiện trạng hoặc điều chỉnh các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt tại bãi cạn Brenda, Hòn Cau và phân khu phục hồi sinh thái ven bờ xã Vĩnh Tân, đề án còn lập mới 2 phân khu phục hồi sinh thái tại vùng biển ven bờ xã Phước Thể và xã Bình Thạnh để bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học.

Liên quan đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau, Văn phòng Tỉnh ủy Bình Thuận cũng vừa có thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về đề án Rà soát, điều chỉnh phân khu chức năng và ranh giới Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Theo đó, việc triển khai thực hiện đề án là cần thiết, phù hợp với nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo chương trình hành động của Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Khu bảo tồn biển Hòn Cau sẽ ra sao khi điều chỉnh chức năng? ảnh 3
Rùa biển chọn Khu bảo tồn biển Hòn Cau làm mái nhà để quay về sinh sản.

Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo tiếp thu các ý kiến góp ý tại phiên họp để hoàn chỉnh đề án, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Trong đó, lưu ý một số nội dung như tính toán dịch chuyển đường ranh tiếp giáp khu vực ven bờ của phân khu dịch vụ hành chính của Khu bảo tồn ra phía biển một khoảng cách hợp lý, không xung đột với các hoạt động hiện hữu của người dân và việc xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế xã hội ven biển trong tương lai.

Đối với diện tích đất đảo Hòn Cau, cần bố trí sử dụng hợp lý, vừa bảo đảm đất phục vụ bảo tồn; vừa bảo đảm đất phục vụ nhiệm vụ quốc phòng; vừa phát triển du lịch dịch vụ, theo hướng bố trí diện tích đất dịch vụ du lịch khoảng từ 20 - 30 ha. Bố trí thêm kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất cần thiết nhằm thực hiện tốt các hoạt động của Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Khu bảo tồn biển Hòn Cau là 1 trong 16 khu Bảo tồn biển của Việt Nam không chỉ đẹp về cảnh quan thiên nhiên mà còn được đánh giá cao về đa dạng sinh học thể hiện sự đa dạng của thủy sinh vật, động vật đáy, rong, cỏ biển, san hô, cá, động vật không xương sống, thú, chim, bò sát, rùa biển… Hòn Cau được các nhà nghiên cứu đánh giá có vị trí cực kỳ quan trọng, là ngư trường rộng lớn của Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Người dân Đà Nẵng lo sợ sạt lở dưới chân núi Sọ
Người dân Đà Nẵng lo sợ sạt lở dưới chân núi Sọ
TPO - Nhiều năm nay, hơn 40 hộ dân sống dưới chân núi Sọ thuộc thôn An Ngãi Tây 1 (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) phải thấp thỏm, lo sợ khi sống cạnh chân núi bị sạt lở. Hiện nhiều điểm đã có dấu hiệu sạt lở nghiêm trọng khiến người dân càng lo lắng khi mưa bão đã về.
Triển khai quyết định của Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận về công tác cán bộ
Triển khai quyết định của Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận về công tác cán bộ
TPO - Công an tỉnh Bình Thuận điều động và bổ nhiệm thượng tá Nguyễn Đăng Khoa, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự đến nhận công tác, giữ chức vụ Trưởng Công an huyện Hàm Thuận Nam; điều động thượng tá Trần Văn Tươi, Trưởng Công an huyện Hàm Thuận Nam đến nhận công tác và giữ chức vụ Giám thị Trại Tạm giam.