Việt Nam có tỷ lệ doanh thu phòng vé phát triển nhất thế giới

TPO - Công nghiệp điện ảnh, truyền hình và sáng tạo nội dung số được nhiều đại biểu là chuyên gia, đại diện doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa quan tâm tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, sáng 22/12 tại Văn phòng Chính phủ.

Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tổ chức sáng 22/12, các đại biểu tập trung đánh giá, phân tích tồn tại, hạn chế trong phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa thời gian qua, nhận diện thời cơ, thách thức của công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới để đưa ra giải pháp phù hợp.

Công nghiệp điện ảnh, truyền hình và sáng tạo nội dung số được nhiều đại biểu là chuyên gia, đại diện doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa quan tâm.

Phim Hollywood dễ chiếm thị phần

Bà Ngô Thị Bích Hạnh - CEO Công ty TNHH BHD - cho rằng công nghiệp điện ảnh và công nghiệp nội dung số tại Việt Nam là khái niệm và lĩnh vực mới. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước chủ yếu thuộc về phạm trù quản lý văn hóa, chưa chạm tới công nghiệp văn hóa.

Phim điện ảnh Việt có doanh thu cao nhất hiện tại là Nhà bà Nữ,thu về 475 tỷ đồng ở thị trường trong nước. Với dân số gần 100 triệu người, chuyên gia dự báo doanh thu phòng vé Việt sẽ tăng trưởng rất mạnh. Việt Nam đang là nước có tỷ lệ doanh thu phòng vé phát triển nhất thế giới, trung bình 25-40%/ năm.

Riêng trong lĩnh vực điện ảnh, bà Hạnh cũng mong mỏi những chính sách giúp phim Việt thoát khỏi thế yếu trên sân nhà.

"Trong 10 năm vừa qua, doanh thu phim Việt chỉ chiếm khoảng từ 18-33%. Phim ngoại nhập khẩu đang thắng thế với tỷ lệ khoảng từ 67-82% tổng doanh thu phòng vé. Chúng tôi rất mong Nhà nước có những chính sách hỗ trợ để thời gian có những bộ phim có Việt đạt doanh thu trăm triệu USD và phim nước ngoài sẽ không chiếm giữ 70-80% thị phần như hiện nay. Quan trọng hơn, người Việt sẽ có thêm cơ hội được xem phim Việt và tiếp cận với văn hóa Việt hơn nữa nếu thị phần phim Việt phát triển", bà Ngô Thị Bích Hạnh nói.

Chuyên gia dự báo doanh thu phòng vé Việt sẽ tăng trưởng rất mạnh.

Với vốn vay giá cao và tiền thuê mặt bằng như hiện tại, các rạp phim rất khó hòa vốn và có lãi. Vì vậy, sau một thời gian phát triển giai đoạn đầu mạnh mẽ để cố chiếm thị phần, các rạp đang giậm chân tại chỗ, thậm chí nhiều cụm rạp đóng cửa vì COVID-19.

"Thị phần các công ty Hàn Quốc chiếm tỷ lệ cao nhất trong thị trường chiếu bóng Việt Nam. Nếu không có Nhà nước điều tiết bằng chính sách doanh nghiệp mà cứ thả nổi theo kinh tế thị trường, các tập đoàn khổng lồ của nước ngoài sẽ chiếm toàn bộ thị phần rạp chiếu và quyết chiếu phim gì có lợi về kinh tế", bà Hạnh bày tỏ.

Cần chính sách ưu đãi

Đại biểu đề xuất chính sách điều tiết về tỷ lệ chia sẻ doanh thu cho chủ phim của các rạp bằng nhau, để các hệ thống rạp nhỏ không bị mất lợi thế cạnh tranh.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh cũng kiến nghị chính sách điều tiết tỷ lệ chia sẻ doanh thu cho chủ phim Việt Nam và phim Hollywood công bằng, không để phim Việt chịu thiệt trên sân nhà. Điều này cũng giúp tăng tỷ lệ phim Việt chiếu rạp.

Cần chính sách điều tiết tỷ lệ chia sẻ doanh thu cho chủ phim Việt Nam và phim Hollywood.

"Các doanh nghiệp nội dung số của Việt Nam đang bị đối xử bất công và mất năng lực cạnh tranh ngay tại sân nhà vì vừa phải nộp thuế giá trị gia tăng cho quốc gia nước ngoài - đối với thu nhập từ nội dung số cung cấp tại nước ngoài, vừa phải nộp 10% thuế giá trị gia tăng do bị lạm thu vô lý tại Việt Nam, dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế", bà Hạnh phản ánh.

Để thúc đẩy lĩnh vực điện ảnh nói riêng và công nghiệp văn hóa nói chung, bà Ngô Thị Bích Hạnh cũng đề xuất lập Tổ nhân sự đặc biệt hỗ trợ công nghiệp văn hóa cấp Nhà nước với các nhân sự từ nhiều bộ ngành liên quan, đồng thời hỗ trợ các khoản vay làm văn hóa cho các ngân hàng thương mại giống như khoản vay với lãi suất ưu đãi như cho nông nghiệp.

Tiếp tục trao đổi tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng những ưu đãi về thuế cho lĩnh vực văn hóa cũng như các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trả lời kiến nghị của doanh nghiệp. Ảnh: Nhật Bắc.

"Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền để có những điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa như sáng tạo nội dung số, không gian sáng tạo, các hoạt động công nghiệp văn hóa khác như điện ảnh… tận dụng được cơ hội để, trên cơ sở đó phát triển công nghiệp văn hóa", Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nói.

Về kiến nghị thuế chồng thuế, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết hiện nay không có tình trạng thuế chồng thuế đối với hoạt động văn hóa, chỉ có những ưu đãi chưa đạt được mức mong muốn của từng trường hợp cụ thể, chưa đồng nhất giữa các loại hình văn hóa khác nhau. Bộ Tài chính ghi nhận và khẳng định sẽ có tổng hợp, đánh giá, kiến nghị, báo cáo cấp có thẩm quyền hỗ trợ tối đa cho hoạt động này.