Hồi đầu tuần, một số quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ đề cập khả năng cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine theo đề xuất của Kiev.
Một số quan chức khác trước đây từng phản đối kế hoạch viện trợ vũ khí cho chính quyền Kiev, thì nay đã thay đổi quan điểm với lý do “các sự kiện phía Đông – Nam đang diễn biến ngày càng bất lợi cho Perto Poroshenko”.
Tuy vậy, đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Âu, nước Đức lại khẳng định sẽ không đồng ý một giải pháp quân sự ở vùng Donbass.
Thủ tướng Đức Angela Merkel từ đầu tuần đã liên tục nhấn mạnh, rằng Berlin sẽ không đưa vũ khí đến Ukraine, đồng thời khẳng định vào một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột.
Chính quyền Mỹ hiện tự vẫn tự tin cho rằng, việc phân bổ 3 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ dẫn đến kết thúc cuộc xung đột ở Donbass. Tuy nhiên, chính quyền Đức cho rằng, quyết định của Washington sẽ khó mang lại hiệu quả, mà trái lại, có thể tiếp tay cho tình hình vốn đã cực kỳ nguy hiểm ở phía Đông – Nam Ukraine.
Bản thân các quốc gia khác tại châu Âu cũng chung nhận định rằng, vũ khí "bơm" vào vùng xung đột đồng nghĩa với việc gia tăng bạo lực và thương vong.
“Vũ khí không thể giải quyết được mọi cuộc xung đột. Kết quả sẽ là một cuộc chạy đua vũ trang, mà các nhà sản xuất vũ khí lại chính là những kẻ chiến thắng. Trong một cuộc chiến tranh như vậy, việc gia tăng của các loại vũ khí có nghĩa tiếp tay cho tình trạng bạo lực. Không một ai muốn điều này. Vì lý do này, nhiều người châu Âu, đặc biệt, Thủ tướng Đức Angela Merkel chống lại việc cung cấp vũ khí”, tờ Deutsche Welle, một trong những tờ báo uy tín hàng đầu của Đức phân tích.
Tờ Deutsche Welle cũng đề cập rằng bất cứ ai cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine sẽ phải chịu trách nhiệm cho những gì sẽ xảy ra với quốc gia Đông Âu này trong tương lai.