Vì sao trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ bị yêu cầu dừng thu phí?

TPO - Có thời gian thu trong vòng 17 năm 3 tháng và hiện nay mới thu được hơn 3 năm, nhưng nhà đầu tư cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ vừa bị Tổng Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu dừng thu phí từ 10/6. Vậy đâu là nguyên nhân của việc này?
Trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ được yêu cầu dừng thu phí sau ngày 10/6 nếu không sao lưu giữ liệu về cơ quan quản lý.

Trao đổi với PV Tiền Phong về việc này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư là Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ chưa thực hiện một số nội dung nâng cao công tác hoạt động, quản lý trong đó có sao lưu dữ liệu, hình ảnh phương tiện lưu thông qua trạm theo quy định của Bộ GTVT, cụ thể là Thông tư 49/2016/TT-BGTVT được lãnh đạo Bộ GTVT ký ban hành và đã có hiệu lực từ 1/3/2017.

Cụ thể, quy định yêu cầu: trạm thu phí (thời điểm này còn gọi là trạm thu giá) phải áp dụng công nghệ thu một dừng, điện tử tự động không dừng sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành và quy định của Bộ GTVT. “Việc xây dựng hệ thống thiết bị kiểm soát tải trọng xe, hệ thống giám sát và đảm bảo trật tự an tàn giao thông  phải tuân thủ theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Toàn bộ hệ thống công nghệ thu, hệ thống thiết bị kiểm soát tải trọng xe, hệ thống giám sát và đảm bảo trật tự, ATGT phải được kết nối trực tuyến, ổn định và liên tục với hệ thống quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước”, đại diện Tổng Cục Đường bộ dẫn quy định.

Trong suốt quá trình thu, đơn vị phải công khai các thông tin trên biển báo điện tử được gắn tại khu vực nhà điều hành trạm thu phí, thông tin bao gồm: tên dự án, tổng mức đầy tư, tổng thời gian thu, thời điểm bắt đầu thu, thời gian thu còn lại, doanh thu của tháng trước, doanh thu lũy kế của trạm tính đến thời điểm cuối tháng trước liền kề (số liệu doanh thu cập nhật chậm nhất vào ngày 10 của tháng tiếp theo), số điện thoại đường dây nóng để phản ánh tiêu cực tại trạm thu phí.  

Định kỳ sao lưu dữ liệu thu phí dịch vụ và sử dụng đường bộ để phục vụ công tác giám sát, hậu kiểm. Dữ liệu của hệ thống quản lý bao gồm: các tập tin cơ sở, các tập tin hình ảnh chụp phương tiện lưu thông qua trạm, các tập tin video liên tục giám sát làn phải được sao lưu dưới dạng tập tin dữ liệu và lưu giữ tối thiểu 5 năm. Các tập tin video giám sát cabin và giám sát toàn cảnh phải được sao lưu dưới dạng tập dữ liệu và lưu giữ tối thiểu 1 năm.

Theo đại diện Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, quy định trên đã có hiệu lục từ đầu 2017, tuy nhiên đến thời điểm hết tháng 5/2019, Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ vẫn chưa thực hiện các yêu cầu này. Sau khi báo cáo lãnh đạo Bộ GTVT và lãnh đạo Bộ cũng thống nhất phương án xử lý, cụ thể Tổng cục yêu cầu Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ dừng thu phí kể từ ngày 10/6/2019 cho đến khi Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thực hiện sao lưu dữ liệu thu phí và truyền về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Trong nội dung sao lưu có các dữ liệu về hình ảnh phương tiện qua trạm nhưng theo đại diện Bộ GTVT, đến nay nhà đầu tư  vẫn chưa truyền cơ quan quản lý. Ảnh: A Trọng.

Tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ vốn là đường nhà nước xây dựng, đến đầu năm 2015 Bộ GTVT đã đồng ý cho liên danh nhà đầu tư BOT là Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thực hiện dự án nâng cấp đường Pháp Vân – Cầu Giẽ từ 2 lên 4 làn xe với tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng. Đến tháng 10/2015, mặc dù dự án thi chưa xong giai đoạn 1, nhưng Bộ GTVT đã chấp nhận cho nhà đầu tư thu phí phương tiện qua lại với mức 45.000 đồng/lượt xe dưới 9 chỗ ngồi. Với tổng mức đầu tư trên, nhà đầu tư được thu phí vòng 17 năm 3 tháng.

Với lý do nhà đầu tư không minh bạch con số doanh thu với các liên danh đầu tư dự án, đầu năm 2016, Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 1 – Công ty CP (Cienco1), đã có đơn gửi các cơ quan chức năng tố cáo nhà đầu tư Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ không minh bạch đoạn thu, công khai thông tin thu phí.

Sau sự việc trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thành lập các tổ giám sát công tác tại trạm thu phí BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ. Kết quả, sau 10 ngày giám sát ngẫu nhiên, tổ công tác đã ghi nhận, mỗi ngày trạm thu được hơn 1,9 tỉ đồng. So với con số 1,2 dến 1,4 tỷ đồng/ngày Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ báo cáo với Bộ GTVT trước đó, con số này chênh khoảng 500 triệu đồng/ngày.